1. Long Tinh Kỳ (1802-1885) : Quốc Kỳ nguyên thủy của triều đình Nhà Nguyễn

Long Tinh Kỳ
Đối chiếu với các tài liệu được tham khảo thì lá quốc kỳ đầu tiên trong thời nhà Nguyễn đã được đặt tên bằng tiếng Hán là “Long Tinh Kỳ”. (Ghi chú cho tuổi trẻ Việt Nam: Ý nghĩa của các chữ Hán như sau: Kỳ là cờ. Long là Rồng, biểu tượng cho hoàng đế, có màu vàng. Râu tua màu xanh dương chung quanh tượng trưng cho Tiên và cũng là màu đại dương, nơi Rồng cư ngụ. Tinh có nghĩa là ngôi sao trên trời, mà cũng có nghĩa là màu đỏ. Màu đỏ còn biểu tượng cho phương Nam và cho lòng nhiệt thành. Long Tinh Kỳ là Cờ Rồng có chấm Đỏ viền tua xanh, biểu hiệu cho một dân tộc có nguồn gốc Rồng Tiên ở phương Nam vùng nhiệt đới.)

2. Đại Nam Quốc Kỳ (1885-1890)

Đại Nam Quốc Kỳ
Đây là hình lá cờ Đại Nam của triều đình Đồng Khánh, được tìm thấy qua tài liệu của người Tây phương.

3. Quốc kỳ Nền Vàng Ba Sọc Đỏ dưới hai triều đại Kháng Pháp 1890 – 1920

Cờ Vàng Ba Sọc đỏ
Nền vàng.
Ba sọc đỏ bằng nhau biểu hiệu Bắc Nam Trung bất khả phân.
Có thể nói Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ – gọi tắt là “Cờ Vàng” – là lá “quốc kỳ” đúng nghĩa đầu tiên của dân tộc Việt, vì nó hàm chứa nguyện vọng độc lập và thống nhất của lãnh thổ Việt.

Sự kiến tạo lá quốc kỳ mới ấy có nhiều ý nghĩa vô cùng quan trọng:

– Thể hiện ý chí đấu tranh, bác bỏ hiệp ước Quý Mùi, “chia để trị” của thực dân Pháp, đã tao ra tình trạng Nam Kỳ thuộc địa, Trung Bắc kỳ bảo hộ.
– Xác quyết sự toàn vẹn lãnh thổ của Đại Nam Quốc, ba miền đều có tư thế chính trị giống nhau và bất khả phân trong nền tảng màu Vàng của dân tộc Việt ở phương Nam.
– Nêu cao tinh thần “quốc gia dân tộc”, bằng cách đoạn tuyệt với sự liên hệ của chữ Hán, cũng như thoát ly ra khỏi nền bảo hộ Pháp và triều cống Tàu.

Chính vì các ý nghĩa trên mà lá cờ Vàng còn được mệnh danh là cờ “Quốc Gia”. Như vậy, từ ngữ “quốc gia” có từ cuối thế kỷ 19, đối nghịch với “thuộc địa”, chớ không chỉ mới có vào bán thế kỷ 20 khi từ ngữ “cộng sản” xuất hiện.

4. Cờ Bắc Trung Kỳ trong thời miền Nam thành thuộc địa Pháp

Long Tinh Kỳ
Long Tinh Kỳ (1920 – 10 Mar, 1945).
Nền vàng. Một sọc đỏ lớn.
Biểu tượng cho Bắc và Trung kỳ mà thôi.
10-3-45 là ngày cáo chung của chế độ bảo hộ Pháp

Lá cờ Vàng Một Sọc Đỏ, cũng được gọi là cờ “Long Tinh”, vì nó biến thể từ Long Tinh Kỳ nguyên thủy trong mấy chục năm đầu của nhà Nguyễn. Nền vàng có hình chữ nhật tương tự như quốc kỳ của các quốc gia khác. Chấm đỏ được kéo dài ra thành sọc đỏ ở giữa. Tua xanh không còn nữa. Đây là lá cờ biểu hiệu cho một quốc gia chỉ còn hai miền Bắc và Trung, thuộc quyền bảo hộ Pháp. Lá cờ này trải qua đời vua Khải Định và tồn tại trong đời vua Bảo Đại, sau khi vua Khải Định băng hà vào năm 1925. Sau khi lên ngôi vào đầu năm 1926 lúc mới 12 tuổi, vua Bảo Đại trao hết quyền cho “Hội Đồng Phụ Chính” với sự chỉ đạo của Toàn Quyền Pháp rồi trở sang Paris tiếp tục học cho đến 1932 mới trở về chấp chính. Lá cờ Long Tinh vẫn được tiếp tục dùng làm biểu tượng của triều đình Huế, lúc bấy giờ chỉ còn thẩm quyền cai trị hai miền Bắc và Trung dưới sự bảo hộ của Pháp.

5. Cờ Nam Kỳ Thuộc Địa (miền Nam thuộc địa Pháp)

Cờ Nam Kỳ Thuộc Địa
Cờ Nam Kỳ Thuộc Địa (1923 – Mar 10, 1945)
Nền vàng
Cờ Tam Tài, màu xanh trắng đỏ nằm trên góc trái.
10-3-45: Nhật đảo chính Pháp
Cờ này tồn tại đến 10-3-45 thì cáo chung sau khi Nhật đảo chính Pháp tại Đông Dương.

6. Long Tinh Kỳ trong thời Nhật chiếm Đông Dương, 11 tháng 3, 1945 – Aug 1945

Long Tinh Đế Kỳ
Long Tinh Đế Kỳ (11 Mar – 30 Aug, 1945)
Nền vàng,
Sọc đỏ bằng 1/3 cờ.
11-3-45: Bảo Đại tuyên bố VN độc lập, Long Tinh Kỳ trở thành Đế Kỳ
30-8-45: Bảo Đại thoái vị, Đế Kỳ cáo chung.

Một ngày sau khi Nhật đảo chánh Pháp, vua Bảo Đại đăng đàn tại Huế vào ngày 11-3-45, tuyên bố hủy bỏ hòa ước Quý Mùi 1883 và Giáp Thân 1884, Việt Nam thống nhất và độc lập, theo chế độ Quân Chủ tân thời như một số quốc gia Tây Phương, và ủy nhiệm cho học giả Trần Trọng Kim thành lập chính phủ. Sau đó, vua Bảo Đại phân định cho Long Tinh Kỳ trở lại cương vị của Đế Kỳ, chỉ treo nơi Hoàng Thành Huế hoặc mang theo những nơi vua tuần du. Long Tinh Đế Kỳ cũng tương tự như Long Tinh Quốc Kỳ trong thời Pháp bảo hộ, nhưng nền vàng đậm hơn và sọc đỏ thu hẹp lại bằng 1/3 chiều cao lá cờ, để tương xứng với cờ Quẻ Ly của chính phủ Trần Trọng Kim.

6. Cờ Quẻ Ly của quốc gia Việt Nam trong thời Nhật chiếm Đông Dương

Cờ Quẻ Ly
Cờ Quẻ Ly thời Nhật (11 Mar – 5 Sep, 1945)
Nền vàng, ba sọc đỏ, sọc giữa đứt khoảng hơi giống hình Quẻ Ly
Quốc kỳ chính thức thời Nhật, đồng thời với Long Tinh Kế Kỳ

Để biểu trưng cho Quốc Gia trong chế độ Quân Chủ, Bảo Đại ký sắc lệnh chấp thuận đề nghị của Thủ Tướng Trần Trọng Kim, lấy lại quốc hiệu Việt Nam mà nhà Thanh đã chấp thuận trong thời vua Gia Long, và sáng tạo ra một quốc kỳ mới. Đó là lá cờ có nền vàng tương tự như Long Tinh Đế Kỳ nhưng vạch đỏ được chia làm ba vạch nhỏ bằng nhau, riêng vạch giữa thì đứt khoảng, tương tự như quẻ Ly, một quẻ trong bát Quái.

7. Cờ Đỏ Sao Vàng của Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời “Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa”

Cờ Mặt Trận Việt Minh
Cờ Mặt Trận Việt Minh (5 Sep, 1945 – 20 Dec, 1946)
Nền đỏ, sao vàng, cạnh sao hơi cong.
5-9-45: Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 5 dùng cờ Việt Minh làm Quốc Kỳ, thay thế cờ Quẻ Ly.
20-12-46: Việt Minh rút vào bưng kháng chiến chống Pháp. Cờ Việt Minh tạm mất tư thế Quốc Kỳ.

– Trong suốt năm 1946, quân đội Pháp càng ngày càng chiếm ưu thế trên các cuộc đụng độ với quân đội Việt Minh. Đến 20-12-46, Pháp chiếm được Bắc Bộ Phủ, Hồ Chí Minh tuyên bố rút vào bưng kháng chiến. Dần dần, Pháp chiếm đóng và kiểm soát các thành phố, quận lỵ, và các làng xã đông dân; còn Việt Minh thì đồn trú tại các vùng quê, rừng núi hẻo lánh. Như vậy, Cờ Đỏ Việt Minh bị xem như tạm thời mất tư thế “quốc kỳ” kể từ ngày 20-12-46 là ngày Pháp chiếm Bắc Bộ Phủ cho đến ngày 20-7-1954 là ngày đất nước chia đôi và Việt Minh trở lại cầm quyền trên miền Bắc Việt Nam từ vĩ tuyến 17 trở lên.

8. Cờ Vàng sọc Xanh của Chính Phủ Lâm Thời “Nam Kỳ Cộng Hòa Quốc”

Cờ Nam Kỳ Cộng Hòa Quốc
Cờ Nam Kỳ Cộng Hoà Quốc (1 Jun, 1946 – 2 Jun, 1948)
1-6-46: Nam Kỳ CH Quốc trong Liên Bang Đông Dương.
Nền vàng, ba sọc xanh, hai sọc trắng
2-6-48: Bảo Đại lập Quốc Gia Việt Nam trong Liên Hiệp Pháp, thống nhất ba miền.

9. Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ của “Việt Nam Quốc” và “Việt Nam Cộng Hòa”

Cờ VÀng Quốc Gia Việt Nam
Cờ Vàng Quốc Gia VN (2 Jun, 1948 – 20 Jul, 1954)
2-6-48: Chính Phủ Trung Ương dùng Cờ Vàng làm quốc kỳ giống như Đại Nam Kỳ thời 1890-1920.
20-7-54: Đất nước chia đôi theo Hiệp Định Genève. Từ đó, Cờ Vàng vẫn được dùng làm Quốc Kỳ Việt Nam Cộng Hoà từ 20-7-54 đến 30-4-75.

Vào năm 1948, Bảo Đại không muốn tái sử dụng Long Tinh Kỳ vì đó là Đế Kỳ của một đế chế mà ông đã chấm dứt vào tháng 8 năm 1945. Một ông vua tha thiết với nền độc lập và sự toàn vẹn lãnh thổ, đến nỗi chịu thoái vị vì quyền lợi tối thượng của đất nước, hẳn dư biết nguồn gốc của lá Cờ Vàng. Ngoài ra, một vài chi tiết lịch sử quan trọng khác cũng đã góp phần vào việc chọn lựa Cờ Vàng: Đó là cái chết oan ức tại Phi Châu vào cuối năm 1945 của hoàng tử Vĩnh San, tức là cựu hoàng Duy Tân, và sự hiện diện tại Sài Gòn từ năm 1947 của cựu hoàng Thành Thái, thân sinh của Duy Tân. Cờ Vàng đã được dùng làm Quốc Kỳ lần đầu trong triều đại của hai vị vua này. Cả hai đã là linh hồn của cuộc kháng chiến chống Pháp dành độc lập vào đầu thế kỷ 20, mà hậu quả là cuộc xử tử các thủ lãnh Quang Phục Hội như anh hùng Thái Phiên, Trần Cao Vân vào năm 1916, và án lưu đày Phi Châu của hai vị vua ái quốc ấy. Năm 1942, hoàng tử Vĩnh San gia nhập quân đội Pháp (cánh De Gaulle), đến năm 1945 được thăng cấp Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng. Khi Thế Chiến thứ 2 kết thúc, Tướng De Gaulle về Pháp cầm quyền, dự định cho ông về Việt Nam. Nhưng sau đó, có người tố cáo cho De Gaulle biết Vĩnh San luôn luôn ấp ủ chủ trương Việt Nam độc lập và thống nhất Nam, Trung, Bắc. Vì vậy, trong lần hội kiến với De Gaulle vào ngày 14-12-1945, ông bị khiển trách nặng nề và bị tước mất cấp bậc. Ông đã tâm sự với người bạn thân rằng ông lo ngại sẽ bị hại. Ngày 24-12-45, ông bị đưa về lại đảo Réunion. Hai hôm sau, ông bị tử nạn máy bay tại Trung Phi. Cái chết đầy nghi vấn của cựu hoàng Duy Tân đã làm dư luận Việt Nam xúc động và thương tiếc vị vua ái quốc. Năm 1947, cha ông là cựu hoàng Thành Thái lúc bấy giờ đã 68 tuổi, được Pháp cho về Sài Gòn, với điều kiện là ông không giữ bất cứ một trách nhiệm chính trị nào cả. Dù vậy, sự hiện diện của cựu hoàng Thành Thái cùng với cái chết của cựu hoàng Duy Tân hiển nhiên đã gợi lên tinh thần tôn kính hoài bão của hai vua. Chắc chắn Bảo Đại có đến thăm bậc Thái Thượng Hoàng khả kính của ông, và hội ý trong việc chọn Cờ Vàng làm Quốc Kỳ, nhưng ông không thể tiết lộ ra, vì sẽ phạm vào điều kiện của De Gaulle khi cho cựu hoàng Thành Thái về VN, là không được tham dự vào chính trị phục quốc. Sự rao truyền rằng Cờ Vàng do họa sĩ Lê Văn Đệ vẽ ra mà không nhắc đến sự hiện hữu của Cờ Vàng 50 năm trước, cũng có dụng ý. Đó là vì nhu cầu bảo vệ an nguy của cựu hoàng Thành Thái. Vì thế, việc Quốc Trưởng Bảo Đại lựa chọn Cờ Vàng của thời chống Pháp làm Quốc Kỳ cho tân chế độ là một quyết định sáng suốt và hợp chính nghĩa.

Vì nguồn gốc kháng Pháp hào hùng của Cờ Vàng, mà năm 1955, Thủ Tướng Ngô Đình Diệm tổ chức “trưng cầu dân ý”, lập ra chế độ Đệ Nhất Việt Nam Cộng Hoà, quốc hội mới vẫn giữ nguyên quốc kỳ của một chế độ đã cáo chung. Cuộc đảo chánh năm 1963, chấm dứt nền Đệ Nhất Cộng Hòa, lập nên Đệ Nghị Cộng Hoà, Cờ Vàng vẫn được giữ nguyên là Quốc Kỳ cho đến khi miền Nam bị miền Bắc thôn tính. Hết Trích.

Vậy đã rõ ràng cờ vàng ba sọc đỏ không phải là “cờ ba que xỏ lá” mà đó đã từng là một Quốc Kỳ của nhiều chế độ trước đó , đồng thời mang đầy đủ nguyện vọng dành độc lập ,ý thức chống giặc ngoại xâm và yêu chuộng tự do của cả một dân tộc. Và hiện nay cờ vàng ba sọc đỏ là ngọn cờ của người Việt hải ngoại.

10. Cờ Đỏ Sao Vàng

Cờ Đỏ Sao Vàng
Đây là lá cờ đã gắn bó với suốt cả cuộc đời tuổi thơ tôi với tất cả bạn bè họ hàng và người thân của mình , nên tôi nghĩ mình có đủ nghi ngờ và tỉnh táo khi đề cập đến “mặt kia” của nó, “mặt kia mà tôi muốn nói đến chính là những sự thật đã bị Đảng Cộng Sản với công cụ là những “nhà sử nô” “nhà bồi bút ” tìm mọi cách thủ tiêu và dấu nhẹm trong mấy chục năm nay và “mặt kia” chính là tội lỗi đê hèn khi đánh lừa niềm tin của hàng triệu người trong suốt chiều dài lịch sử phải “chết vinh quang” và “chết tức tưởi” dưới ngọn cờ đó.

Trước hết chúng ta hãy nghe chính quyền Cộng Sản giới thiệu về lá cờ Tổ Quốc trên website của Đảng có vài điểm chú ý sau :

– “Đêm cuối cùng trước khi rời cơ quan tuyên truyền của Đảng, từ Xóm Chuồng Ngựa về Bàn Cờ. dưới ngọn đèn leo lét, Nguyễn Hữu Tiến đã thức trắng đêm vẽ đi, vẽ lại trên phiến đá hình tượng lá cờ đỏ với ngôi sao vàng năm cánh tượng trưng cho cuộc chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh của các tầng lớp nhân dân: Sĩ, Nông, Công, Thương, Binh đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.” (4)

– Lá cờ đỏ sao vàng từ đấy đã xuất hiện nhiều lần trong các cuộc khởi nghĩa, biểu tình của quần chúng. Lá cờ đã tung bay trên cả nước trong những ngày Tháng Tám năm 1945 lịch sử; trên quảng trường Ba Đình, Hà Nội ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh một kỷ nguyên mới cho đất nước ta. Ngày 5 tháng Chín năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh ấn định Quốc kỳ Việt Nam là cờ đỏ sao vàng.

Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khoá I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, ngày 2 tháng Ba năm 1946 đã biểu quyết nhất trí cờ đỏ sao vàng là Quốc kỳ của nước ta. (5)

– Hình ảnh sao vàng trong thơ Hồ Chí Minh:

Một canh…hai canh…lại ba canh
Trằn trọc, băn khoăn giấc chẳng thành
Canh bốn, canh năm vừa chợp mắt
Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh

Tất cả lai lịch về lá cờ đỏ sao vàng đều được giải thích rất mơ hồ , đọc xong tôi thấy có 3 câu câu hỏi lớn cần phải làm sáng tỏ :

Thứ nhất : lá cờ đỏ sao vàng có ý nghĩa gì và nguồn gốc ra sao ?
Thứ hai : tại sao hiện nay nó là Quốc Kỳ của Việt Nam ?
Thứ ba: những thành quả mà nó mang lại cho dân tộc?

10.1. Lá cờ đỏ sao vàng có ý nghĩa gì và nguồn gốc ra sao :

Cờ Đỏ Sao Vàng
Cờ Liên Sô nền đỏ, trên đầu góc trái có hình búa liềm.
“Tượng trưng cho chủ quyền của Liên bang Xô Viết và khối liên minh không gì phá vỡ nổi(6) của công nhân và nông dân trong cuộc đấu tranh để xây dựng xã hội cộng sản chủ nghĩa”. Màu đỏ tượng trưng cho cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân Xô Viết dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Liên Xô nhằm xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Búa liềm chỉ khối liên minh vững chắc của giai cấp công nhân và nông dân. Ngôi sao năm cánh trên cờ Liên Xô tượng trưng cho thắng lợi cuối cùng của các tư tưởng chủ nghĩa cộng sản trên 5 châu lục toàn thế giới.” (7)

Nhắc đến chủ nghĩa cộng sản phải nhắc đến Mác với câu nói“ Vô sản thế giới đoàn kết lại” mà sau này được dùng làm khẩu hiệu của những người Cộng Sản, và theo Mác để xây dựng một xã hội mới không còn cảnh người bóc lột người thì phải từ bỏ tất cả những giá trị của xã hội cũ, phải từ bỏ quyền tư hữu, từ bỏ gia đình, từ bỏ quê hương, từ bỏ tôn giáo, và từ bỏ hết tất cả những giá trị văn minh nhân loại suốt mấy ngàn năm qua… Tôi đang tự hỏi không biết khi đem chủ nghĩa Mác về Việt Nam ông Hồ Chí Minh có biết hay cố tình không biết là vào những năm cuối đời Mác đã ăn năn hối lỗi về sự lầm lạc của chủ nghĩa Cộng Sản, cũng giống như nhận định “Ngay cả Mác cũng không thể trung thành với một lý thuyết như thế. Lý thuyết ấy như một cô gái cực đẹp nhưng lẫn thẩn, chắc chắn người ta sẽ vồ lấy và sau đó tất yếu là sự phản bội.” (8)

Hậu quả mà chủ nghĩa Cộng Sản đã gây ra tại nước Nga còn nặng nề hơn nhiều so với Việt Nam từ tổn thất con người cho đến tôn giáo ,chính trị, kinh tế , văn hóa … mà nổi bật nhất là cuộc thanh trừng vĩ đại hay còn gọi là “nỗi khiếp sợ vĩ đại” trong thập niên 1930 Stalin đã ký quyết định giết hàng chục nghìn người được coi là đối thủ chính trị hay bất đồng chính kiến với ông ta , và đẩy hàng triệu người đến các trại lao động tập trung Gulag .

Năm 1953 khi nghe tin Stalin qua đời , nhà thơ Tố Hữu đã có những câu thơ làm rúng động lương tâm con người :

“Sta-lin sta-lin!
Yêu biết mấy khi con tập nói
Tiếng đầu lòng con gọi Sta-lin
[…]
Thương cha thương mẹ thương chồng
Thương mình thương một thương Ông thương mười”

Phần đánh giá xin nhường cho bạn đọc .

Tiếp đây tôi xin trích 1 đoạn nói chuyện giữa đạo sĩ Hamud và giáo sư Allen trong cuốn “Hành trình về phương đông” được xuất bản từ năm 1924 để mọi người chiêm nghiệm.

“Hamud im lặng một lúc rồi thong thả :
– Tôi muốn các ông ghi nhận một điều này, các ông có thể coi đó như một lời tiên đoán hay cảnh cáo trước cũng được. Thời gian sắp đến sẽ là một giai đoạn cực kỳ tiến bộ về tri thức, nhưng thoái bộ về tâm linh.[…] Thêm vào đó, sự khai quật các ngôi cổ mộ Ai cập sẽ tháo củi xổ lồng cho vô số âm binh, các động lực cực kỳ hung dữ. Như tôi vừa kể với các ông, thời kỳ chót của nền văn minh Ai cập, các giáo sĩ đã thực hành tà thuật tối đa, mà khoa ướp xác là một bí thuật mang sự liên lạc của cõi vô hình vào cõi trần[…] Một số pháp sư vốn là sứ giả cõi âm sẽ đầu thai trở lại, hoặc nhập xác để tác oai, tác quái, tái tạo một xã hội tối tăm, sa đoạ, đi ngược trào lưu tiến hoá của thượng đế. Thế giới sẽ trở thành nạn nhân của thứ tôn giáo ma quái này.. Chiến tranh, đau khổ, bất an cùng các kích thích của cảm giác mới lạ do nền “khoa học hiện tượng” mang lại, sẽ thúc đẩy con người vào các cùng cực của cuộc sống […] họ sẽ đội lốt tôn giáo, họ sẽ kêu gọi sự hợp tác của thần quyền, họ sẽ đặt ra các giáo điều mới, thay thế các chân lý cao đẹp để lôi kéo con người từ bỏ thượng đế. Họ sẽ sử dụng danh từ, ngôn ngữ để đánh lạc hướng mọi người, tuy nhiên trước sau gì họ cũng phải chết và trước khi chết, họ sẽ di chúc yêu cầu ướp xác họ và xây dựng những nhà mồ vĩ đại bằng đá như họ đã từng làm trong quá khứ…

Giáo sư Allen bật cười :
– Như vậy thì nhận diện họ quá dễ, nhưng tôi không tin thời buổi này còn ai ướp xác, xây cất nhà mồ như vậy, ông nên nhớ chúng ta đã bắt đầu vào thế kỷ 20, không phải 8 ngàn năm trước ?

Hamud mỉm cười :
– Rồi các ông sẽ thấy, tôi mong các ông ghi chép những điều này cẩn thận rồi đúng hay sai thời gian sẽ trả lời.”

Cờ Trung Cộng
Cờ Trung Cộng cũng một nền đỏ, trên đầu góc trái có một ngôi sao vàng lớn và 4 ngôi sao vàng nhỏ hình cánh cung phía bên mặt.

Về các thành tựu mà Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã mang lại cho dân tộc Trung Hoa thì các bạn có thể tìm đọc thêm ở tài liệu “Cửu Bình” (chín bài bình luận về Đảng Cộng Sản) (9) tài liệu này được ví như một quả bom mang sức công phá khủng khiếp vào chính quyền các nước khối cộng sản, và chỉ sau 1 năm ra mắt đã khiến hơn 6 triệu đảng viên Trung Quốc trả lại thẻ đảng, thiết nghĩ chúng ta cũng nên quảng bá rộng rãi tài liệu này để giúp những người Cộng Sản Việt Nam sớm thức tỉnh .

Còn ai lâu nay chỉ quen nghe những lời đạo đức từ miệng của các lãnh tụ Cộng Sản thì hãy nghe Mao tuyên bố rùng rợn : “Người chết cũng có lợi, xác họ làm phân bón”, “ chúng ta sẳn sàng hy sinh 300 triệu dân Trung Quốc để hoàn thành chủ nghĩa Cộng Sản” (10)

Cờ Việt Minh
Cờ Việt Minh – cờ đỏ sao vàng cạnh sao hơi cong.
Năm 1927 ở vùng Nghệ Tĩnh có cuộc phiến động gây ra bởi Đảng Cộng Sản do Nguyễn Ái Quốc cầm đầu. Đến ngày mùng 9 tháng 3 năm 1945 quân Nhật đánh đánh quân Pháp và giao quyền lại cho vua Bảo Đại. Được mấy tháng thì đồng minh thắng trận, Nhật đầu hàng. Đảng Việt Minh dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Ái Quốc đổi tên là Hồ Chí Minh nổi lên cướp chính quyền. Vua Bảo Đại thoái vị nhường quyền cho đảng Việt Minh.

Việt Minh là tên gọi tắt của đảng Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội do Đảng Cộng Sản lập ra khi còn ở bên Quảng Tây Trung Quốc, tránh 2 chữ Cộng Sản cho người ta khỏi nghi ngờ. (11)

10.2. Tại sao hiện nay cờ đỏ sao vàng là Quốc Kỳ của Việt Nam :

Những người Cộng sản nhận định rằng : “Cuộc Cách mạng tháng Tám 1945 thực sự là biểu trưng, là kết quả của khối đại đoàn kết dân tộc, là hội tụ của các nguồn xung lực hồi sinh mạnh mẽ của toàn dân tộc trong thời khắc bước ngoặt lịch sử dưới ngọn cờ chói lọi tinh thần yêu nước của mặt trận Việt Minh do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo.”

Trong một cuộc giao lưu trực tiếp trên truyền hình khi được hỏi “ông định nghĩa thế nào về sự thật lịch sử”, ông Dương Trung Quốc tổng thư ký hội sử học Việt Nam đã trả lời : “Trách nhiệm của những người làm sử chúng tôi là phải nghiên cứu để tìm ra sự thật lịch sử, vì chỉ có sự thật mới tạo được niềm tin trong nhân dân. Chúng tôi quan niệm, không phải sự thật nào cũng có thể nói ra, nhưng đã nói thì phải nói đúng sự thật. Chúng ta phải tìm lại, để học lại nghiêm túc những bài học của lịch sử.” (12)

Trời ơi ! sự thật là sự thật, tại sao lại có những sự thật không thể nói ra?

Và câu hỏi được đặt ra là biến cố tháng 8-1945 do Việt Minh gây ra có phải là một cuộc cách mạng không! Về câu hỏi này thì mặc dù đã được nghe ý kiến của nhiều người nhưng tôi vẫn chưa thể có kết luận thỏa đáng cho bản thân. Nhưng dù sao cũng thật khó khi nói cuộc cướp chính quyền không phải là nguyện vọng của người dân, mà trên thực tế người dân của chúng ta lúc đó đa phần nghèo khó nhưng bản tính thật thà chấc phác họ đã tin theo những hứa hẹn hão huyền của chủ nghĩa cộng sản nhằm mơ tưởng một xã hội công bằng văn minh không có cảnh người bóc lột người, nhưng họ đã không thể hiểu được bản chất của Cộng Sản là chiến tranh, hận thù, độc tài, giết chóc, tham lam, bóc lột và khủng bố …

Rồi đến 20-12-1946 Pháp chiếm Bắc Bộ phủ, Hồ Chí Minh phải rút vào các vùng núi hẻo lánh tiếp tục ôm lý tưởng Cộng Sản để “giải phóng dân tộc”, như thế lá cờ đỏ sao vàng chỉ hiện diện chính thức trong tư thế Quốc Kỳ khoảng thời gian từ 5-9-1945 đến 20-12-1946 .

Trong khi đó tại miền Nam từ 1-6-1946 đến 2-6-1948 dùng cờ Nam Kỳ Cộng Hòa Quốc với nền vàng ở giữa là 3 sọc xanh, chen giữa 3 sọc xanh là 2 sọc trắng .

Và từ 2-6-1948 Chính phủ trung ương dùng lá cờ vàng 3 sọc đỏ chính thức làm Quốc Kỳ và lá cờ này giống với Đại Nam Kỳ thời 1890- 1920, mãi đến 20-7-1954 khi đất nước bị chi đôi theo hiệp định Geneve. Từ đó lá cờ vàng 3 sọc đỏ vẫn được dùng làm lá Quốc Kỳ Việt Nam Cộng Hòa từ 20-7-1954 cho đến 30-4-1975.

Đó chỉ là những mốc khái quát sơ lược về sự thay đổi của Quốc Kỳ Việt Nam, các bạn có thể tham khảo thêm ở những tài liệu khác để hiểu thêm chi tiết.

Như vậy từ 20-7-1954 đất nước ta thực sự bị chia cắt thành 2 miền, mà sau này nguyên nhân góp phần làm miền Nam rơi vào tay Cộng Sản chính là việc ký kết hiệp định Paris vào ngày 27-1-1973 chấm dứt mọi sự can thiệp quân sự của Hoa Kỳ và cuối tháng 3 năm 1973 lính Mỹ cuối cũng đã rút khỏi Việt Nam, chúng ta cũng nhìn nhận rằng vào thời điểm trước đó những cuộc biểu tình phản chiến diễn ra rầm rộ cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình lúc đó.

Thật đúng là một thời đại tiến bộ về tri thức mà thoái bộ về tâm linh, giai đoạn 1954-1975 là giai đoạn mà các mặt của đời sống như y tế, giáo dục, văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội ở miền Nam ngày một tiến lên và miền Bắc thì cứ thụt lùi theo khoảng cách ngày một xa,vậy mà bộ máy tuyên truyền của Hồ Chí Minh luôn phát đi những bản tin về đời sống cơ cực khốn khó của hòn ngọc viễn đông, đánh cho mỹ cút ngụy nhào, bác cháu ta sẽ xây lại đất nước mười phần đẹp hơn lại còn tuyên truyền rằng đời sống người dân miền nam rất khốn khó, miền bắc sẽ tiếp tế cho miền Nam hàng triệu tấn lương thực và thuốc men…, các giá trị chuẩn mực đạo đức thực sự bị thoái hóa trầm trọng, và cái mốc 1975 cũng giống như cánh cửa hy vọng tiến hóa cuối cùng của dân Việt vị đóng sập lại bởi các âm binh.

Trong khi đó hãy nhìn lại suốt chiều dài lịch sử, người Việt chúng ta vốn bản tính hiền lành chất phác lấy nhân lễ nghĩa trí tín làm đạo thường cho sự ăn ở đối xử lẫn nhau , còn nhớ năm xưa khi Nội Thư Hoàng Tá Thốn đưa bọn Ô Mã Nhi về nước đã dùng kế của Hưng Đạo Vương, lấy người giỏi bơi lặn, sung làm phu thuyền, ban đêm dùi thuyền cho đắm, bọn Ô Mã Nhi đều chết đuối cả. Để rồi đời sau Sử Thần Ngô Sỹ Liên phải thốt lên “Chữ Tín là vật báu của nước, mà làm cho người khác phục mình sâu sắc thì đó là gốc của vương chính, Hưng Đạo Vương dùng bá thuật, muốn được thành công trong một thời mà thất Tín với muôn đời, đã nói là đưa về nước mà lại dùng mưu kế để giết đi thì thực là quỷ quyệt lắm […] đâu có thể nói chữ Tín chỉ là chuyện nhỏ nhặt ”. (13)

Than ôi nghe người viết sử luận bình việc Tín Nghĩa mà hậu bối xấu hổ lắm thay, cái gốc của dân tộc này đã mất rồi ! Hỡi các Vua Hùng có công dựng nước, các bậc sỹ phu đã ngã xuống để giử nước, hỡi hồn thiêng sông núi hãy về đây, hãy về chứng kiến triều đại Cộng Sản, một Hồ Chí Minh bám theo học thuyết Mácxít, Lêninit,Stalinit, Maoít đã đem bóng ma Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản nấp dưới lá cờ đỏ sao vàng về bao trùm lên quê hương Việt Nam. Họ[chính quyền Cộng Sản] dùng tất cả những mưu mô xảo trá đẩy hàng triệu người vào biển máu vì mù quáng tin theo những khẩu hiệu có cánh như “đánh Mỹ cứu nước”, “giải phóng miền nam”, “xây dựng thiên đàng hạ giới” , “chấm dứt cảnh người bóc lột người” … để rồi khi “con thuyền cách mạng” cập bến thành công thì họ hiện nguyên bản chất ngu dốt tham lam nhưng có ưu thế là rất ác ôn, họ quay lại bóc lột ngay chính đồng bào ruột thịt của mình. Thử hỏi nhân lễ nghĩa trí tín ở chổ nào , có thủ đoạn nào đê tiện hơn thế không?

Hãy nhìn sang nước bạn và nghe ông M. Gorbatchev, cựu Tổng bí Thư Đảng Cộng sản Liên Sô : “Tôi đã bỏ hơn nửa cuộc đời đấu tranh cho lý tưởng cộng sản, nhưng ngày hôm nay tôi phải đau buồn mà nói rằng cộng sản chỉ biết tuyên truyền và nói láo.”, trong khi đó đất nước của chúng ta đã sinh ra một người phụ nữ thông minh xinh đẹp nhưng thiếu trung thực – Nguyễn Thị Bình, bộ trưởng ngoại vụ của chính phủ cách mạng lâm thời, vào năm 1973 tại Paris khi được ký giả Michel Tauriac phỏng vấn : “Xin trả lời tôi thẳng thắn, thưa bà, bà có phải cộng sản không?”. Rất “thông minh”,người phụ nữ ấy đã trả lời: “Không, thưa ông, tôi không phải cộng sản” và trước đó tháng 4 năm 1959 trước các ký giả Mỹ, Fidel Castro cũng đã tuyên bố : “Tôi đã nói một cách rõ ràng và khẳng định là chúng tôi không phải là cộng sản” (14 ) .

Tất cả những điều đó để cho chúng ta thấy rằng một khi những người cộng sản vẫn còn nắm chính quyền trong tay thì họ chỉ biết tuyên truyền và nói láo, khi mà cả thế giới đã quá hiểu bản chất tham tàn của cộng sản mà “theo cuốn The Black Book of Communism tiết lộ cho biết số người vô tội bị Quốc Tế Cộng Sản sát hại khắp nơi trên thế giới được ước tính như sau: tại Nga Sô hơn 20 triệu, tại Trung Hoa lục địa 65 triệu, Việt Nam 1 triệu, Bắc Hàn 2 triệu, Cambodia 2 triệu, Đông Âu 1 triệu, Phi Châu 1,7 triệu, Afghanistan 1,5 triệu và châu Mỹ La Tinh 150.000 người. Tất cả đã chết dưới bàn tay của Lenine, Staline, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh, Pol Pot và Kim Nhật Thành.” (15) với 1 bản cáo trạng làm cả thế giới phải khiếp sợ như thế, thế nên họ đã khéo léo ẩn mình dưới vỏ bọc là “mặt trận quốc gia giải phóng” chứ không chịu nhận mình là Cộng Sản để đánh lừa những ánh mắt tò mò nhìn từ thế giới bên ngoài, và bên trong thì họ ra sức bưng bít thông tin tuyên truyền dối trá và hứa hẹn với người dân đủ điều , nhiều trí thức và báo giới phương tây chưa một ngày sống dưới chế độ Cộng Sản đã mắc vố lừa thật to khi lòng trắc ẩn của họ cũng bị đánh lừa, hay họ chưa hiểu thấu đáo về bản chất của 1 cuộc chiến , họ xuống đường hô to khẩu hiệu đòi Mỹ phải rút quân, điều đó trên thực tế là đã thể hiện sự bất lực trước sự bành trướng của Đệ Tam Cộng Sản, khi ma quỷ đã đạt đến trình độ thượng thừa về hóa trang. Norman Morrison đặt người con gái bé bỏng Emily xuống gởi cho một người nào đó trong đám đông xung quanh rồi châm lửa tự thiêu trước lầu năm góc, một Norman 22 tuổi ngày đó cũng đã chọn một cái chết với lý tưởng thật cao đẹp như những người thanh niên Bắc Việt ngã xuống bên lá cờ đỏ sao vàng với một lòng tin sắt đá là họ đã chết cho tự do, chết cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng những người miền nam ruột thịt đang phải sống dưới ách đô hộ của Mỹ … Thế là bài “Emily em ơi” của Tố Hữu đến tận hôm nay vẫn còn góp mặt trong sách giáo khoa của con em chúng ta, và những hình ảnh phản chiến được Hà Nội tuyên truyền như một sự ủng hộ chính nghĩa từ thế giới, đã đẩy lớp lớp thanh niên đổ biết bao xương máu ngay trên chính quê hương mình để đấu tranh cho lợi ích của một bộ phận đảng viên cao cấp.

Và giờ đây có lẽ các sinh viên trí thức các giáo sư khuynh tả ngày nào đã phải ăn năn hay xấu hổ khi thấy một Việt Nam không hề có tự do dân chủ đa đảng đa nguyên, tôn giáo bị đàn áp, và con người phải sống cuộc sống túng quẫn, nếu họ có dịp đến Việt Nam ngày hôm nay họ sẽ được ngã lưng trên một chiếc giường thật êm ái trong căn phòng lộng lẫy của một khách sạn cao cấp không thua bất kỳ nơi nào, họ có thể phóng tầm nhìn ra xa để thấy một cuộc sống mới sau chiến tranh thật sôi động với những dòng sông xe gắn máy cuộn chảy trên đường phố , bên cạnh những tấm bảng sặc sở đậm chất tuyên truyền cố hữu của những nước Cộng Sản với hình cờ đỏ sao vàng , búa liềm hay chếch lên phía trên tấm hình ông Hồ Chí Minh luôn có những câu khẩu hiệu đại loại như “vì mục tiêu dân giàu nước mạnh xã hội công bằng văn minh” , họ sẽ hiểu thế nào là “dân giàu” khi nhìn thấy những cửa hàng với những nhản hiệu thời trang như Gucci, Louis Vuitton, của những nhà tư bản mới và khách hàng là những vị tư bản đỏ cưỡi trên những con xe đắt tiền , họ sẽ thấm thía thế nào là “xã hội công bằng” khi thấy dân oan trong đó có cả những gia đình có công với cách mạng kéo nhau đi khiếu kiện vì bị chính quyền cướp mất đất đai, đời sống rơi vào ngõ cụt … tất cả còn thảm cảnh hơn hình ảnh lính Mỹ bật quẹt Zippo đốt nhà tranh mà họ đã thấy trên báo chí , họ sẽ thấy tôn giáo ở nước này đang bị bóp chết dần dần và tệ hại hơn là sự biến thái của các linh mục, hòa thượng quốc doanh, tất cả còn đau đớn hơn hình ảnh Thích Quảng Đức tự thiêu năm nào, họ sẽ học được bài học thế nào là “văn minh” ở xứ này khi thấy có nhiều những trẻ em bụi đời sống vất vưởng trên đường phố phải cấu xé lẫn nhau để dành dật miếng ăn không khác gì những con thú hoang hay trong các động mại dâm ở Campuchia có rất nhiều những đứa trẻ nói tiếng Việt, tất cả còn thê lương hơn em bé Kim Phúc trần truồng với vết bỏng Napalm mà họ đã xót xa năm ấy. Như thế ai dám bảo rằng sự nhẹ dạ cả tin của người phương tây không góp phần vào sự hiện diện của lá cờ đỏ sao vàng ở Việt Nam hiện nay.

Và ngày 30-4-1975 là ngày mà “có triệu người vui, cũng có triệu người buồn” để rồi ngay sau đó thôi thì triệu người vui kia cũng phải gào khóc thảm thương như những con thú đang bị ông chủ cách mạng của mình xẻ thịt trong lò mổ. Thời điểm đó để che mắt và trấn an dư luận Cộng Sản Bắc Việt đã thành lập chính phủ lâm thời với lá cờ nửa trên đỏ, nửa dưới xanh, ở giửa là ngôi sao vàng, nhưng đâu rồi cũng lại vào đó ngày 2-7-1976 chính thức thống nhất 2 miền thành Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và dùng lá cờ đỏ sao vàng làm Quốc Kỳ cho đến hôm nay.

Như vậy chúng ta đã thấy rõ để chiếm được vị trí làm lá Quốc Kỳ của nước Việt Nam ngày hôm nay, lá cờ đỏ sao vàng đã giương cao một lý tưởng cao đẹp nhưng ảo tưởng, lá cờ đỏ sao vàng đã đánh lừa niềm tin của rất nhiều người, đã tuyên truyền vô cũng tinh vi và xảo trá, đã tắm bằng máu của hàng triệu người vô tội trên cả 2 chiến tuyến trong một cuộc chiến không đáng có (16a), đã thể hiện bản chất là đứa con trung thành của Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản và hiện nay là chư hầu của Trung Cộng …

Dù hiện nay tôi không còn tin vào lá cờ đó nữa nhưng tôi vẫn luôn luôn dành tình yêu thương và tự hào bởi cách mà cha ông mình đã hy sinh, họ đã hiến dâng cả cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng, họ đã phơi xác trên hàng rào kẽm gai với viên đạn găm trong lồng ngực khi trên tay còn nắm chặt lá cờ đỏ sao vàng, dòng máu đỏ từ tim tung tóe mạnh liệt như họ đã từng tin rằng họ chết cho quê hương, họ chết cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, họ chết cho thế hệ mai sau được sống tự do hạnh phúc , mà giờ đây tôi đau buồn nhận ra rằng sau 33 năm sống dưới triều đại Cộng Sản, dân tộc này không còn nhiều người dám hy sinh như thế. Từ góc nhìn giá trị nhân bản thì đó là một cái chết vinh quang một cái chết rất người, nhưng nhìn từ cục diện chính trị thế giới tại thời điểm đó thì đó là một cái chết tức tưởi một cái chết lãng xẹt, VÌ ĐÁNG RA TẤT CẢ NHỮNG NGƯỜI VIỆT NAM KHÔNG CÓ AI PHẢI CHẾT. (16b)

Nguồn: Blog Lê Trung Thành (Trích từ “Quốc Kỳ Việt Nam- Nguồn gốc và lẽ chính thống” của Kỹ Sư Nguyễn Đình Sài)

Nguồn: https://alviet.wordpress.com/documents/quockyquacacgiaidoan/

No comments

Leave your comment

In reply to Some User