Làm cách nào để sáng tác 1 bản nhạc?

I. Nhập đề. Trên đây là câu hỏi của một người bạn trẻ của tôi nêu ra. Câu hỏi nghe thì dễ, nhưng muốn trả lời câu hỏi này, tôi nghĩ phải bỏ ra thật nhiều thời gian để tra cứu tài liệu, và thâu thập ý kiến của nhiều người, sau đó mới đúc kết lại cho có hệ thống sao cho người viết nhạc tài tử mới nhập môn như anh bạn trẻ của tôi đọc có thể hiểu mà không ngán đến nỗi phải thở dài bỏ cuộc. Nghĩ thế, việc đầu tiên tôi nghĩ ngay đến những bài phỏng vấn các nhạc sĩ mà tờ báo Nguyệt San Hồn Quê đã thực hiện trước đây vẫn còn lưu trữ trong đó. Tôi đã vội chạy vô trong đó tìm hiểu các phương cách viết nhạc của họ ra sao. Có thật nhiều ý kiến khác nhau, nhưng tôi đặc biệt chú ý đến các lời phát biểu của GS Trần Quang Hải, Ngô Thụy Miên và Trịnh Nam Sơn.

Và sau đây là phần trích đoạn từ các bài phỏng của một số nhạc sĩ phát biểu về đề tài sáng tác nhạc...
Bắt đầu là GS Trần Quang Hải: nói về phương cách viết nhạc của ông:

Các bạn thân mến,

Về phần tôi, sáng tác nhạc thời trang gọi là ca khúc thì tương đối dễ. Tôi viết nhạc trước trên giấy nháp, hoàn toàn trong đầu óc chứ không có lấy đàn từng nốt nhạc. Sau khi định xong câu nhạc cho cân đối, đúng luật, tôi mới hát các nốt nhạc và đôi khi sửa lại cho thuận tai.

Ý nhạc được thoát ra tùy theo chủ đề. Nếu tôi nghĩ tới cảnh vật thì tôi chọn âm giai trước khi viết. Thí dụ như cảnh miền Nam thì tôi chọn một âm giai ngũ cung của miền Nam Việt Nam để dựa trên thang âm đó mà viết ra câu nhạc. Khi nhớ tới miền Trung thì tôi chọn thang âm miền Trung. Khi mơ tới miền Bắc tôi chọn thang âm phản ảnh nhạc miền Bắc.

Sau khi viết xong phần nhạc, tôi mới nghĩ tới lời. Đây là phần khó của tôi tôi không quen viết lời bóng bảy, mà chỉ dùng những từ ngữ mộc mạc, như từ ngữ nói chuyện hàng ngày. Tôi không có hồn thơ như Phạm Duy, Trịnh Công Sơn Do đó, tôi mới có ý nhờ Mỹ Ngọc viết lời cho các bản nhạc của tôi. Đó là một cuộc trao đổi với nhau và cũng là cách luyện tập viết nhạc cho vui. Vậy mà sau ba năm, tôi đă viết 350 bài và Mỹ Ngọc đă viết lời đủ 350 bài và đóng thành 7 tập (mỗi tập 50 bài) và không có phổ biến. Đó là cách luyện tập trong khi nhàn rỗi. Tôi không biết những bài đó có hạp lỗ nhĩ người nghe hay không vì tôi không biết hát. Có một vài bài được em Minh Châu (Xóm Bọ Ngựa) đă có đàn nghe được lắm. Loại nhạc này tương đối viết mau, không cần phải suy nghĩ. Những hợp âm tôi dùng rất đơn giản để làm nền tảng cho bất cứ ai cũng có thể đàn nếu biết đàn chút đỉnh. Cọ̀n ai có giỏi hơn thìtôi để cho tự thêm vô tùy sở thích.

Trần Quang Hải

Kế đến là nhạc sĩ Ngô Thụy Miên nói về phương cách viết nhạc của ông:

Bích Xuân: -Sáng tác nhạc do năng khiếu hay sự học tập ?

Ngô Thụy Miên: Tôi thực sự không biết là mình có năng khiếu hay không? Nhưng học tập thì chắc chắn là nhiều lắm. Có thể năng khiếu là những bước đầu cần thiết, và học tập sẽ mang lại một tác phẩm hoàn hảo, tốt đẹp hơn?

Nghiêm Xuân Cường: Mỗi người viết nhạc một cách khác nhau. Có người viết lời trước rồi đặt nhạc sau, chẳng hạn như Rogers và Hammerstein khi viết "The Sound of Music". Riêng với anh, anh có thể cho độc giả biết nhạc hay lời đến trước trong quá trình hoàn thành một bản nhạc, hay là mỗi bài mỗi khác. Khi sáng tác, anh thường dùng nhạc cụ nào, piano, violin, guitar...?

Ngô Thụy Miên : Tôi thường dùng piano và guitar để ghi lại cũng như hoàn tất những sáng tác của mình. Rất nhiều những ca khúc của tôi đã được bắt đầu với ý nhạc. Khi một ý nhạc đến (thường chỉ là một câu nhạc nào đó) tôi ghi lại, đặt lời nếu có cảm hứng, rồi sau đó tiếp tục phát triển thành bài hát. Một số bài thì lời ca đến trước. Nói chung thì tùy thôi, không gò bó trong bất cứ một quy luật hay kỹ thuật nào cả. Tuy nhiên trong những sáng tác của tôi, có thể chia ra làm ba khuynh hướng khác nhau:

1. Những bài phổ từ thơ: Áo Lụa Hà Đông, Paris Có Gì Lạ Không Em, Tình Khúc Buồn, Cần Thiết.

2. Những bài được hoàn tất nhạc trước rồi mới đặt lời sau: Mắt Biếc, Từ Giọng Hát Em, Dốc Mơ, Miên Khúc.

3. Và những bài còn lại là kết hợp của cả ý nhạc và lời ca.


Tiếp đến là Phương Cách Sáng Tác của nhạc sĩ Trịnh Nam Sơn. Mời nghe Trịnh Nam Sơn phát biểu:

Sau đây chỉ là những kinh nghiệm về cách học sáng tác khi tôi c̣òn ở trong trường...nó trở thành thói quen của riêng tôi. Quy luật sẽ cần phải thay đổi để phù hợp với từng khả năng, hiểu biết, hoặc cách suy diễn, cũng như cảm hứng của người sáng tác.

Cách sáng tác lúc tôi mới bắt đầu vào nghành: Thường thì tôi viết nhạc trước, rồi viết lời sau. Tuy nhiên ý tưởng của chủ thìđă có sẵn

· Tôi tập nhìn "tập trung" vào một chủ đề (thí dụ: cái ly, cái ghế, cây hoa...)
· Tôi ngâm nga cái câu giai điệu mà tôi "cảm" được

· Tôi viết cái câu nhạc đầu tiên theo cảm xúc của mình đối với chủ đề đó...tất cả bằng quarter note (note đen). Không bao giờ tôi dùng đàn để đánh mộṭ nốt nhạc giai điệu

· Hát đi hát lại câu đầu tiên đó cho thấm ý nhạc để có thể phát triển một cách liền lạc hơn

· Sau đó tôi viết tiếp các câu nhạc dựa theo câu nhạc đầu với những triển khai khác nhau

· Sau khi hoàn tất một bài nhạc theo lối trên, tôi bắt đầu mới dùng đàn để kiểm chứng lại nốt nhạc mà tôi viết xuống để khẳng định những nốt tôi nghe là chính xác. Nếu không đúng thì sửa lại

· Tôi bắt đầu thêm bớt trường độ của nốt cho đúng với nhịp điệu mà tôi đă nghe được

· Đặt hợp âm chính cho điểm chính của câu (thường là đầu câu hoặc cuối câu) một cách căn bản

· Tôi sửa lại tiến trình hợp âm nghe cho xuôi tai

· Thêm bớt thay đổi màu sắc của hợp âm để tăng hoặc giảm độ phức tạp của tiến trình hợp âm

· Bắt đầu đặt lời cho bài nhạc, vẫn giữ chủ đề củ, có thể thay đổi nhưng ý (chủ đề) vẫn còn

· Để đó vài ngày hoặc vài tuần sau, hát lại, nếu thấy hay thì giữ. Nếu không thì sửa, viết lại...vẫn có thể giữ những câu hay để có thể khai triển thành những bài mới khác

· Trình làng...

Thích hay không còn tùy vào cách cũng như trình độ thẩm thấu của người nghe. Ý tôi là người mạch lạc nên nếu bạn đồng nghiệp không thích thì mình nên hỏi tại sao? và không thích ở chổ nào? Nếu tôi không đồng ý, tôi sẽ giải nghĩa tại sao tôi làm như vậy. Nếu cả hai không đồng ý thì hỏi người mình có nhiều tôn trọng về khả năng sáng tác hơn mình. Nếu vẫn không hài lọ̀ng thì "đường ai nấy đi" (cười). Đến bây giờ, tôi vẫn giữ cách sáng tác này, và tôi đều thực tập sáng tác mỗi ngày dù chỉ là một câu nhạc ngắn.

Ðó là những lời phát biểu của nhạc sĩ Trịnh Nam Sơn về phương cách viết nhạc.

Riêng về phần tôi, khi cơ hội đến, trong tay có phương tiện nào tôi xử dụng phương tiện nấy, rất tự nhiên, không gò bó, cứ theo âm thanh có trong đầu dẫn tôi đi theo lối mòn kỹ thuật viết nhạc mà tôi biết được, sau đó khi có thời giờ tôi ngồi xuống chải chuốt , gọt dũa và làm đẹp cho sáng tác của mình .Có bài tôi chỉ cần mươi mười lăm phút là xong, như bài "Mưa Đêm" , nhưng cũng có bài phải cần đến 3 tháng, như bài "Mẹ Việt Lưu Vong" hay bài "Mái Tóc Khoe Khoang" chẳng hạn, và có bài phải mất đến năm thứ 3 tôi mới hoàn tất như bài "Thu Tha Hương" Sự lâu mau của ca khúc tôi viết không phải bởi yếu tố hay hoạc dở, mà chỉ là thời gian cấu tứ ca từ, hoạc thời gian tìm ý nhạc mà thôi , chứ thực ra bài nhạc hay thì 15 phút khi hay nó vẫn haỵ

Tôi thường có thói quen tìm ý nhạc bằng "cây đàn môi của tôi" như Hummm, hay tính tính tang tang, hoạc la lá la la…có thể cùng lúc với việc tìm kiếm ca từ, hoạc chỉ là âm thanh không thôị …Tôi sáng tác trong mọi nơi , mọi lúc, ..có một lần, tôi hoàn tất một ca khúc trong giấc mơ…Khi tỉnh giấc , chỉ việc chép ra cả lời và nhạc, không sót một tí nào, bài này tuy không được hay lắm, nhưng cũng có đầu có đuôi đàng hoàng. Sau này , khi coi TV, tôi cũng thấy có nhiều ca sĩ Mỹ kể chuyện viết nhạc trong giấc mơ tương tự như tôi . Tóm lại, không ai dậy mình viết nhạc cả, là tự tôi mò mẫm tìm tòi, từ những bước chập chững đơn giản, đến thời kỳ vào khuôn thước phức tạp.

Ðó là những lời phát biểu của GS Trần Quang Hải, nhạc sĩ Ngô Thụy Miên và Trịnh Nam Sơn về phương cách của họ và cộng thêm phương cách của tôi. Tuy rằng phương cách của mỗi người có đôi chút cá biệt, nhưng tựu trung đều là những gợi ý rất trân qúi đáng cho những người viết nhạc tài tử như chúng ta học hỏi về phuơng cách sáng tác của họ.

II. Thành Phần Ca Khúc:
Ðể đi vào phần chính, chúng ta thử tìm hiểu xem một bản nhạc gồm những yếu tố nào. Nếu đem một bản nhạc ra khảo sát tỉ mỉ, ta sẽ thấy một bản nhạc được hình thành đã dựa trên những yếu tố căn bản sau đây:

Phần ngôn từ (Language) gồm:

1.Chủ đề (Title)
2.Ca từ (Lyric)

Phần nhạc (Music) gồm:

1.Giai điệu (Melody)
2.Tiết tấu (Rhythm)
3.Hòa điệu (Harmony)

Trên đây có thể coi như cái map mà ta sẽ dựa vào để bàn về chủ đề mà ta đã đặt ra ... "Làm cách nào để sáng tác 1 bản nhạc?"

A-Cách chọn chủ đề cho một ca khúc.

Chủ đề có thể chọn cho bài hát trước hay sau đều được, miễn là nó mang ý nghĩa tiêu biểu cho bài hát mà ta muốn diễn tả. Thí dụ khi viết về một bà mẹ Việt sông cô đơn trên đất Mỹ, tôi đặt tựa đề cho bài hát này là "Mẹ Viết Lưu Vong". Còn khi tả một em bé một mình sống lưu lạc trên xứ người tôi chọn chủ đề là "Ngấn Lệ Lưu Vong". Khi viết ca khúc tả những người đẹp thi Ảnh Hậu thì tôi đặt tên cho ca khúc này "Dáng Hoa" v.v...

B- Ca từ (lyric):

Ca từ là ngôn ngữ được dùng để kể một câu chuyện ngắn gọn của bài hát mà ta muốn thông đạt đến khán thính giả, nó có thể được viết trước hoạc sau khi có nhạc. Ca từ có thể là lời thường, là thơ, hoạc phóng tác theo một bài thơ. Tùy theo bài hát bạn muốn viết theo thể loại nào, chẳng như Dân-ca, Tiền-Chiến, Rock, Pop, hay là dùng để nói về thân phận con người, nương theo đó ta chọn ca từ cho thích hợp cho từng thể loại.

Một vài điều nên ghi nhớ khi viết ca từ :

1. Nên dùng lời lẽ trong sáng. Tránh những lời lẽ quá ủy mị, hoạc những chủ đề có tính cách khiêu khích, gay hấn
2. không nên quá riêng tư. Nên cho thính giả có cảm tưởng có phần của họ trong đó .
3. Mới mẻ. Ráng tìm kiếm ca từ sự mới mẻ trong ca từ, hoạc điều cũ nhưng nói theo cách mới .
4. Rõ ràng, mạch lạc. Dùng những từ mà người Mỹ gọi là "Say it in down-to-earth terms". Không dùng những từ một cách gắng gượng, không liên hệ đến chủ đề.
5.Gợi hình. Vẽ ra bức tranh tưởng tượng trong đầu người nghe, khiến họ nhìn thấy cũng như cảm được những gì đang xẩy ra.
6. Cao điểm. Kết thúc bất ngờ, chuyền biến, chơi chữ.
7. Gây ấn tượng. Ca từ nên có sức lôi cuốn sự chú ý của người nghe.
8. Hợp nhất. Mỗi phần của ca từ phải có sự liên kết chặt chẽ với nhau.

Bây giờ thử xét đến các yếu tố trọng yếu của ca từ.

1. Chủ điểm (theme). Bài hát của ta phải mang một chủ ý rõ ràng. Thí dụ trong khi viết bài hát "Mái Tóc Khoe Khoang"...là tôi muốn nói lên niềm kiêu hãnh dân tộc. Trong bài hát, tôi nêu ra tính hào hùng, kiên cường bất khuất của tổ tiên ta. Ðồng thời tôi cũng không quên ca tụng cái phẩm hạnh cao qúi nhất ở người phụ nữ là "đức hạnh đoan trang"...

Yêu /em màu tóc /đen da /vàng
yêu /em dòng máu đỏ em /mang
Yêu /em tiếng /nói Việt /Nam dịu /dàng
Dịu /dàng như nước /da em /mang
Dịu /dàng như "mái /tóc khoe /khoang"

Yêu /em dòng /máu em /mang
Yêu /em nền /nếp đoan /trang
Yêu /em trăm /họ Hồng /Bàng em /ơi

Yêu /em nết /đẹp hơn /người
Yêu /em ăn /nói vui /tươi hiền /hòa
Anh sẽ /về thưa với /mẹ cha /anh
Mang cơi /trầu sang /hỏi nàng dâu /ngoan
Nàng /dâu có tóc khoe /khoang
Nàng /dâu gốc /họ Hồng /Bàng anh /yêu./.

Mời nghe Mái Tóc Khoe Khoang

Thanh Tuyến trình bầy
Real Player
mp3
Còn khi viết ca khúc "Dáng Hoa" thì tôi muốn thính giả của tôi có thể hình dung đến từng góc cạnh nét đẹp khác nhau của người đẹp như ...mái tóc thoảng hương, làn môi ngoan, đôi mắt đẹp lung linh như vì sao,dáng đi dịu dàng tha thướt, giọng nói yến oanh và bàn tay thon ngón xinh xinh ngọc ngà .v.v..

Dáng Hoa

Trình bầy: Tấn Ðạt

1.
Ðẹp như muôn đóa hoa
Chớm nở trong nắng xuân
Thoảng hương tóc mây bay
Tràn ngập trong nắng ban mai

2.
Làn môi ngoan ước ao
Tình đầu như muốn trao
Dạt dào con sóng cao
Tình đầu như trái thơm ngon đầu mùa

dk:
Má em hồng như nắng ấm buổi sáng
Mắt em đẹp lung linh muôn vì sao
Tóc lả lơi ôm bờ vai mềm
Làn môi tươi thắm dáng hoa em cười

3.
Dịu dàng em bước qua
Lụa là ơi thướt tha
Nàng tiên trong dáng hoa
Ðường em đi tran hòa nắng mai

Giọng em như Yến Oanh
Ngọt ngào như suối trong
Tình em trong mắt xanh
Bàn tay thon ngón xinh xinh ngọc ngà

2. Bắt đầu và chấm dứt. Bài hát phải hợp nhất trước sau. Dẫu cho phần nhạc hay mà phần ca từ không ăn khớp với nhạc thì bài hát đó coi như hỏng. Do đó từ đầu tới cuối bài hát ta phải cho người nghe cái cảm giác thật mạnh( strong feeling).

3. Nội dung. Nội dung chủ yếu nên được diễn tả theo các cấu trúc (form) khác nhau. Bắt kể bạn chọn cách nào, nên viết ở dạng ca từ, chứ không ở dạng thơ.

Ngoài ra nên có những đoạn ca từ bắt tai (hook) được lập đi, lập lại để gây sự chú của khán giả. Và sau cùng ca từ nên được viết theo ngôn ngữ hiện dại.

Ta đã bàn qua phần chủ đề và phần ca từ của một bài hát. Phần kế tiếp ta sẽ bàn tới phần nhạc (music) của bài hát.

C. Phần nhạc của một bài hát gồm có :

-Giai điệu (melody),
-Tiết tấu (rhythm)
-Hòa điệu (harmony)

1.-Giai điệu (melody).

Giai điệu là chuỗi âm thanh được sắp xếp trong một thứ tự đặc biệt. Mỗi âm thanh cách nhau bởi quãng âm, gọi là quảng giai điệu ( khoảng cách lên hoạc xuống ở giữa hai nốt kế cận trong dòng kẻ giai điệu).

Một giai điệu có đường cong (contour) hay hình dáng (shape) với những nốt theo nhau uốn lượn lên xuống trong thang âm (scale) nghe bắt tai. Nó cũng gồm những nốt có quãng âm lớn hơn nhảy lên xuống tiếp cận các nốt khác, nhưng không lớn quá một bát độ (octave) (quãng âm 8 nốt cao hơn hoạc thấp hơn nốt nguyên thủy).

Có nhiều cách tìm giai điệu cho bài hát. Tùy theo ta muốn viết bài hát theo thể loại nào. Như phần trích đoạn phỏng vấn giáo sư Trần Quang Hải đã phát biểu: " Ý nhạc được thoát ra tùy theo chủ đề. Nếu ta nghĩ tới cảnh vật thì ta chọn âm giai trước khi viết. Thí dụ như cảnh miền Nam thì ta chọn một âm giai ngũ cung của miền Nam Việt Nam để dựa trên thang âm đó mà viết ra câu nhạc. Khi nhớ tới miền Trung thì ta chọn thang âm miền Trung. Khi mơ tới miền Bắc ta chọn thang âm phản ảnh nhạc miền Bắc."

Giai điệu của bài hát nên bắt tai và dễ nghe. Có vài luật thông thường cho giai điệu của một bài hát. Ðó là:

-Lập lại: giai điệu nên theeo một cái khuôn mẫu (pattern) hay cấu trúc (form) để có thể lập đi, lập lại một đân nhạc này tiếp theo đoạn khác
-Âm vực. Mỗi ca sĩ có một giới hạn về giọng lên cao, hoạc thấp của họ. Một giai điệu thông thường được viết trong giới hạn tối thiểu của một octave, nhưng không nên quá quãng âm 12 (perfect twelth),
-Bắt đầu sớm. Giai điệu nnên bắt đầu càng sớm càng tốt. Vì thính giả không đợi được lâu.
-Chuyển cung. Tùy theo dòng nh�ạc, ta nên thay đổi key khi cần để người nghe đỡ nhàm chán.
-Cao điểm. Cao điểm thườngg tìm thấy hầu hết gần cuối bài hát ở nốt cao và ngân dài

a. Cấu trúc (structure).
Một bài hát thành công là có thể nhớ, không quá phức tạp. Có một cái dạng hay
cấu trúc để làm cho dẽ nhớ. Cấu trúc của bài hát được lập đi, lập lại và có sự tương phản. Phần lớn cấu trúc của bài hát có dạng AABA. Cấu trúc này chứa hai phần (A) có cùng một ý nhạc (musical idea) gọi là Phiên Khúc (verse), Phần (B) có một ý nhạc khác gọi là Ðiệp Khúc (bridge), và rồi trở lại ý nhạc phần (A). Thông thường mỗi phần gồm 8 trường canh (measures), làm thành 32 trường canh . Có một số bài hát có thêm phần (C) với ý nhạc khác với các phần kia.

Từ cấu trúc AABA có thể biến đổi sang nhiều dạng khác nhau thông thường là: AB, ABAC, và AA.Phần B của bài hát luôn nên phụ họa cho phần A, như thể ca từ phụ họa cho giai điệu vậy.Nó có thể được chuyển cung (modulation) sang âm giai trưởng (major) hay thứ (minor), việc làm này cho giai điệu có cơ hội thay đổi, đồng thời ta có thể thay đổi tempo cũng như tiết tấu để tạo thêm cảm súc mới

Mặc dầu cấu trúc ba-mươi-hai-trường-canh (AABA) đã trở thành cấu trúc phổ thông, nhưng bạn không nên qua câu nệ dùng nó, nếu bạn không cảm thấy nó không thích hợp với bài hát của bạn. Hoạc giả bạn cũng không nên buộc bạn phải miễn cưỡng thời nhịp (time signature) cho toàn phần bài hát của bạn.Ðây chỉ là luật thông thường, và luật có thể uyển chuyển thay đổi.

b. Âm vực (Range) và Thang âm(Key)
Ta nên viết ca khúc có thể hát với giọng hát trung bình của một người. Vì thế ta nên viết bài hát trong giới hạn quãng thang âm (key) cũng âm vực (range) mà môt giọng trung bình có thể hát. Một giai điệu thông thường được viết trong giới hạn tối thiểu của một octave, nhưng không nên quá quãng âm 12 (perfect twelth),

Thí dụ:


Trong thí dụ trên, G là perfect fifth ở trên octave của C thấp, ta nên giữ cho cho bài hát của ta trong giới hạn âm vực này, nếu không các ca sĩ sẽ khó khăn khi trình bầy ca khúc của ta.

2. Tiết tấu (rhythm). Tiết tấu bao gồm: Tiết nhịp (time signature) và Tiết điệu (nhịp điệu).
Âm nhạc thuộc loại nghệ thuật chuyển động trong thời gian, có âm thanh trước, âm thanh sau nối tiếp nhau từ đầu bài cho đến cuối bài. Các âm thanh chuyển động từ đầu bài cho đến cuối bài, không phải một cách lộn xộn như trong một đám đông vô trật tự, mà có một sự sắp xếp thành từng nhóm nhỏ, nhóm lớn khác nhau. Tiết tấu chính là sự sắp xếp các âm thanh ngắn dài khác nhau, thành từng nhóm nhỏ, nhóm lớn theo tình ý của người soạn nhạc.

Tóm lại, tiết tấu là linh hồn đem lại sức sống cho giai điệu. “Ai cũng cảm nghiệm được tiết tấu : rất nhiều người không biết hoà âm, một số người không biết giai điệu, nhưng không ai là không biết tiết tấu”. Chính tiết tấu xử lý trường độ âm thanh, tạo nên những bước tiến bước lui gợi ý cường độ cho âm thanh, làm cho các âm thanh nối kết với nhau có ý nghĩa.

a.Tiết nhịp (time signature)
chúng ta đã biết phách là đơn vị thời gian trong âm nhạc. Nhờ phách mà ta cảm nhận được sự chuyển động của âm thanh trong thời gian, giống như các bước chân chuyển động trong không gian. Có loại phách chia chẵn cho 2, thí dụ như 2/4, 4/4... Có loại phách chia chẵn cho 3 tỉ như 3/4 6/8.v.v...

Khi tiết tấu gồm toàn những phách đều nhau và cùng loại, người ta có thể chia tiết tấu chung ra thành từng phần nhỏ đều nhau bằng các vạch nhịp, tạo thành những ô nhịp. Phần tiết tấu được chia đều trong các ô nhịp là tiết nhịp. Để chỉ rõ mỗi tiết nhịp có bao nhiêu phách, mỗi phách trường độ ra sao, thì người ta ghi ở đầu đoạn nhạc một phân số gọi là số tiết nhịp (hoặc số nhịp). (Người ta thường gọi ô nhịp thay thế cho tiết nhịp, nhưng khi gọi tiết nhịp thì ta chú trọng đến phần tiết tấu nằm trong ô nhịp, tức chú trọng đến âm hình tiết tấu nằm trong mỗi ô nhịp). Nhìn vào số nhịp, ta có thể nhận ra được loại nhịp.

b.Tiết điệu (nhịp điệu hoặc điệu nhạc) :
Tiết điệu là một công thức tiết tấu dựa trên một loại tiếp nhịp nhất định nào đó, thường được dùng để đệm bằng nhạc khí, thí dụ nhịp điệu Marche, Fox, Valse, Boston, Rumba, Chachacha, Boléro, Tango, Slow, Twist, Su

3.Hòa điệu (harmony):
Hòa điệu là tập hợp một số nốt nhạc gọi là hợp âm đệm theo giai điệu và làm đẹp thêm cho giai điệu. Hòa điệu đóng một vai trò rất quan trọng đối với sáng tác phẩm của người viết nhạc. Người viết nhạc thiếu kiến thức hòa điệu bị giới hạn trong việc mang lại thành công cho sáng tác của mình. Cũng giống như người viết ca từ thiếu ngữ vựng vậy. Tuy có một số ngưòi viết nhạc giỏi, dù chẳng biết lấy một nốt nhạc, nhưng có rất ít những người thuộc loại này. Trừ phi bạn rơi vào trong nhóm này, bạn sẽ cần huấn luyện như chúng tôi, bao gồm cả Mozart, Gershwin, và Bacharach.
Nhạc cũng như sinh ngữ. Lấy đoạn này làm thí dụ. Nó được làm thành câu bởi một số tiếng, gồm một nhóm chữ. Chữ được lấy từ mẫu tự alphabet. Nhạc cũng có alphabet, nhưng chúng ta gọi là thang âm (scales) Mỗi nốt giống như một chữ. Ta đặt những nốt của thang âm (scales) lại với nhau làm thành hợp âm (chords), rồi ta đặt nhiều hợp âm (chords) lại làm thành mệnh đề (phrases)...tức là musiccal sentences. Một khi bạn biết cách làm thế nào để tạo ra một đọan nhạc (musical sentences) nghe hay là bạn đã thành công trên bước đường viết nhạc của bạn.

Vậy thì hợp âm (chords) là ngữ vựng của bạn. Bạn cần biết hợp âm. Nhưng chỉ biết có hợp âm(chords) thôi thì chưa đủ. Ðó tựa như biết nói từng tiếng một nhưng không biết nói đủ câu. Bạn cần phải biết các hợp âm vận hành và tiếp cận với nhau như thế nào để có thể tạo ra giai điệu hay.

III.-Phần Áp Dụng.

Ðem tất cả những phần vừa bàn trên đây, ta thử áp dụng viết một ca khúc xem sao.

1.Thứ nhất về chủ đề: Trong chuyến về thăm quê hương năm 2000, tôi có dịp thăm Cố Ðô Huế. Trong lúc tham quan, tôi đã thuê một du thuyền xuôi dọc giòng Sông Hương, từ Ðập Ðá tới chùa Thiên Mụ, vì vậy đã có dịp lênh đênh trên Sông Hương và được ngắm thành phố Huế một cách rất ngọan mục và thơ mộng. Tôi đã cảm tác ca khúc Hương Giang ngay giây phút đó. Vậy tôi chọn chủ đề cho bài hát này là Hương Giang.

2.Ca từ: Câu chuyện của bài hát được phối hợp giữa cảnh đẹp thiên nhiên của Cố Ðô Huế dưới nắng hè và những hoài niệm về một mối tình thơ ngây ngày nào, đầy tính lãng mạn nên thơ như sau:


Hương Giang.
Trìng bầy: Vân Khánh
Hòa âm: Quang Ðạt
Nắng đón ta về thăm lại Hương Giang
Thấp thoáng đôi bờ Vĩ Dạ nên thơ
Trời với nước xanh xanh lơ một mầu
Hàng cây xanh bóng rập in lặng lờ
Sóng vỗ đôi bờ vang vọng câu thơ

Em có hay rằng ta về tìm em
Xa cách bao ngày thương vẫn còn thương
Giòng Hương Giang còn đây như đợi chờ
Thuyền ai trôi trên giòng sông lững lờ
Tiếng hát năm nào bây giờ về đâu?

ĐK:
Đây Hương Giang, vẫn giòng sông đợi chờ
Bao năm qua vẫn buồn trôi lững lờ
Vang đâu đây câu hò xưa hẹn thề
Áo trắng năm nào bây giờ về đâu?

Em có hay rằng ta về tìm em
Xa cách bao ngày thương vẫn còn thương
Giòng Hương Giang còn đây như đợi chờ
Thuyền ai trôi trên giòng sông lững lờ
Tiếng hát năm nào bây giờ về đâu
3.Giai điệu (Melody):
Trong khi viết lời cho ca khúc này, việc thứ nhất tôi liên tưởng đến giai điệu có âm hưởng Miền Trung và thứ đến giọng ca Duy Khánh. Vì thế tôi chọn thang âm Ngũ Cung với chút âm hưởng Huế để bài hát dễ dàng thông đạt đến thính giả.
4.Tiết tấu (Rhythm):
Tôi chọn nhịp khoan thai, tempo=70
5. Cấu trúc:
Tôi chọn dạng thức AABA là dạng thức thông thường của một ca khúc.
6.Hòa điệu (Harmony):
a. Phiên khúc: Tôi chọn tiến trình hợp âm (chord sequences) cho phiên khúc A1 và A2 là:
C, F, G, Dm, Am, Dm, G, Dm, G7 và C.
b. Ðiệp khúc: Tiến trình hợp âm cho phần điệp khúc khác với chuỗi hợp âm ở phiên khúc gồm các hợp âm:
C, F, Am, D7, Am G,
C, F, G, Dm, G7 và C
7. Âm giai (key signture):
Tôi chọn thang âm Ngũ Cung trong C tức âm giai Do trưởng (C Major).

Trên đây là những giai đoạn từng bước, từng bước một, công việc làm của tôi từ khởi sự cho đến hoàn tất khi viết một ca khúc.

Ðể sáng tác phẩm của ta mỗi ngày mỗi thăng hoa, người viết nhạc nên dành nhiều thời gian học hỏi và trao dồi kỹ thuật sáng tác của mình. Ngày nay nhờ hệ thống internet, với thông tin nhanh chóng, chúng ta có thể tìm đọc những tài liệu liên quan đến âm nhạc, trong đó có những tài liệu rất hữu ích cho người viết nhạc như " Music Theory for Songwriters by Steve Mugglin", chẳng hạn.

Ðã đến lúc phải hạ bút, tôi nghĩ những phần vừa trình bầy trên đây đã phần nào giải đáp thắc mắc cho anh bạn trẻ của tôi. Tôi cũng không quên cám ơn bạn đã nêu ra câu hỏi nên tôi mới có cơ hội viết bài này. Và cũng nhờ trong khi đi tìm tài liệu tham khảo, tôi đã được nghe những lời phát biểu rất trân qúi và thực dụng về phương cách sáng tác của Giáo sư Trần Quang Hải, nhạc sĩ Ngô Thụy Miên và nhạc sĩ Trịnh Nam Sơn. Xin chân thành cảm ơn Giáo sư Trần Quang Hải, nhạc sĩ Ngô Thụy Miên và nhạc sĩ Trịnh Nam Sơn về những đóng này của qúi vị. Ý kiến của qúi vị có thể ví như một "Cẩm Nang" trân qúi cho những người đam mê viết nhạc nói chung, Và nhất là cho người bạn trẻ của tôi đã nêu câu hỏi: "Làm cách nào để sáng tác 1 bản nhạc?

Nhật Vũ
Arlington, TX. Dec 22, 2005

Tài liệu tham khảo:
Nhạc lý căn bản by Lan Ðài.
The Songwriters's Handbook by Harvey Rachlin.
Music Theory for Songwriters by Steve Mugglin.
Hồn Quê: Phỏng Vấn.

Nguồn: http://www.geocities.ws/nhatvu_mid/phuong_cach_sang_tac_ca_khuc_HC_2.htm

No comments

Leave your comment

In reply to Some User