Nguồn gốc tạo thành thế giới, vũ trụ cũng được giải thích bằng nhiều cách, rất phong phú trong các hệ thống thần thoại các dân tộc nhưng đều nói về một hoặc nhiều vị sáng thế nhào nặn tạo ra thế giới muôn loài từ lúc mà vũ trụ còn là một mớ hỗn độn được gọi là thời kỳ hỗn mang (chaos).
Người Ai Cập cho rằng thế giới hình thành từ một gò đất khô ráo tràn đầy ánh sáng “Maat” nổi lên trên một vùng nước hỗn độn “Nu” tối tăm. Vị thần Atum xuất hiện kết nối mặt trời và gò đất là khởi nguồn của thời đại Cổ Vương Quốc Ai Cập cổ đại. Thần thoại này có được có lẽ do người Ai Cập xưa luôn phải đối mặt với các cơn lũ của sông Nile hàng năm.
Thần thoại Hy lạp cho rằng thế giới muôn loài được tạo thành từ một vị thần hỗn mang ban đầu là thần Khaos. Sau đó vị thần nguyên thủy này tạo ra các thần như thần Đất Gaia, thần bóng đêm Nycx, thần Erebos, thần không khí và thần ánh sáng Aithe, nữ thần ban ngày Hemera, thần bầu trời Ouranos và thần biển cả Pontos mang nước về tạo nguồn sống cho vạn vật, muôn loài.
Các câu chuyện thần thoại Ấn Độ được ghi chép trong bộ kinh Veda gồm nhiều vị thần nhưng các thần là biểu hiện của một đấng duy nhất là Thượng Đế. Người Ấn Độ cho rằng khí dương Dyaus là cha tinh thần, kết hợp với khí âm Privithi, Aditya là mẹ vật chất, cùng giao hoà nhau mà tạo tác và nuôi dưỡng muôn loài
Theo sách Lão tử Trung Quốc cho rằng ban đầu Trời và Đất còn hỗn độn, chưa có sự phân tách cho đến khi ông Bàn Cổ, xuất hiện từ sự tích tụ khí âm dương, dùng búa để chia trời xẻ đất.
Nguyên nhân hình thành thế giới trong thần thoại việt nam từ thần Trụ Trời: Một vị thần xuất hiện từ trong tối tăm, mịt mù.. thần trụ trời đã đào đất, khuân đá, đắp các cột chống trời. Cột càng cao trời càng được nâng lên. Chỗ giáp nhau giữa trời và đất gọi là đường chân trời. Khi vòm trời đã được nâng lên cao đến tận mây xanh và khô cứng, thần phá tan cột đá đi, các hòn đá văng tung tóe thành các hòn đảo và rặng núi. Điều này giải thích tại sao mặt đất ngày nay không còn bằng phẳng mà có chỗ lồi, chỗ lõm. Chỗ thần đào sâu để lấy đất đá đắp cột, ngày nay là biển cả mênh mông. Cột trụ trời ngày nay được cho là ở núi Thạch Môn, vùng Hải Dương. Núi ấy còn gọi là Kình Thiên Trụ tức Cột chống Trời.