Đây là phần lược trích trong công trình nghiên cứu bậc Thạc sĩ
Khái niệm về hội hoạ kỹ thuật số
Trước hết chúng ta hãy tìm hiểu tranh KTS là gì và nó xuất hiện từ đâu? Trong quyển Mastering Digital 2D and 3D Art xuất bản năm 2005 đã mô tả khá nhiều về khái niệm
Hội họa KTS, có thể nói, bắt đầu từ một điểm ảnh trên màn hình (pixel). Điểm ảnh là một chấm màu nhỏ nhất, thường là hình vuông. Hình ảnh hiển thị trên màn hình máy tính là do nhiều điểm ảnh kết hợp lại mà tạo thành, mỗi điểm ảnh có giá trị riêng của nó về màu sắc và sắc độ. Bằng cách thay đổi các giá trị lên từng điểm ảnh riêng lẻ mà người nghệ sĩ có thể thay đổi toàn bộ bức tranh trên màn hình máy tính.
Thuộc tính của điểm ảnh được quy định theo ba giá trị trong hệ màu RGB là Đỏ (Red), Xanh lá cây (Green) và Xanh dương (Blue) dùng trong tranh vẽ KTS pixel, hoặc màu xanh Cyan, hồng cánh sen (Magentta) và vàng (Yellow) trong hệ màu CMY dùng trong thiết kế in ấn. Các giá trị màu sắc của một điểm ảnh là các con số trên những thang đo cụ thể và thuật ngữ tranh KTS nói về một lĩnh vực hội họa được tạo thành dựa trên việc điều chỉnh từ những con số như thế.
Tranh KTS (digital painting) là nghệ thuật tạo ra tác phẩm hội họa bằng các công cụ như con chuột máy tính, bút vẽ chuyên dụng hay ngón tay để giả lập các nét cọ, chì, phấn tiên... tạo ra các đường nét, các mảng màu hiển thị trên màn hình điện tử của máy vi tính, máy tính bảng hay các dòng điện thoại thông minh. Tranh KTS sau khi tạo thành sẽ được lưu giữ dưới dạng các tập tin ảnh số trong bộ nhớ của thiết bị hay trên hệ thống máy chủ.
Lược sử tranh kỹ thuật số
Hầu hết các nhà nghiên cứu đều cho rằng tranh KTS xuất hiện đầu tiên vào năm 1963. Đó là thời điểm Ivan Sutherland, một kỹ sư máy tính người Mỹ, phát minh ra bảng vẽ và bút ánh sáng cho phép người vẽ tạo ra các đường vector lên một màn hình điện tử đơn sắc. Một thời gian sau đó, ảnh số pixel ra đời tạo ra khái niệm độ phân giải là mật độ điểm ảnh trên màn hình máy tính biểu hiện cho độ nét của hình ảnh. Tuy nhiên lúc đó các hình ảnh vẫn còn hai màu đen trắng trên màn hình máy tính đơn sắc [26, tr.04].
Những năm tiếp theo sau đó, màn hình màu ra đời đã đưa máy tính thâm nhập vào mọi tầng lớp trong xã hội. Ở những giai đoạn đầu của con đường phát triển, máy tính có cấu hình không mạnh lắm, chúng chủ yếu dùng để phục vụ các công việc kinh doanh, học tập và nghiên cứu với các phần mềm soạn thảo văn bản và quản lý dữ liệu, tuy nhiên các phần mềm đồ họa cũng phát triển theo kể từ đó. Khi máy tính có mặt trong hầu hết mọi gia đình thì cũng là lúc cuộc đua phần mềm đồ họa bắt đầu vì lúc này cộng đồng họa sĩ sáng tác trên máy tính đã phát triển mạnh, mở đường cho các phần mềm vẽ KTS chuyên nghiệp ra đời [26, tr.05]. Một trong những bức tranh KTS đầu tiên là bức The Woman of Rock vẽ bằng phần mềm Photoshop CS mà cho đến nay vẫn chưa xác định được ai là tác giả [37].
A. Micheal Noll, giáo sư danh dự trường Annenberg Communication and Journalism ở Nam California, là một trong những nghệ sĩ KTS đầu tiên trên thế giới khẳng định về nghệ thuật KTS trong bài viết của mình với tiêu đề “The digital computer as a creative medium” (tạm dịch Máy vi tính số trong vai trò là một phương tiện sáng tạo):
Con người tạo ra máy vi tính không phải là một công cụ vô tri vô giác mà nó là một “đối tác” giúp tăng cường hoạt động trí tuệ và sáng tạo của con người. Khi được khai thác tốt, nó có thể được sử dụng để “sản xuất” ra các loại hình nghệ thuật hoàn toàn mới và có thể đem tới những trải nghiệm thẩm mỹ mới [25, tr.89].
Ở châu Á, họa sĩ thiết kế đồ họa Kagaya Yutaka sinh năm 1968 tại Saitama, Tokyo, Nhật bản, là một trong những người tiên phong về tranh KTS, các tác phẩm của anh được vẽ hoàn toàn trên máy tính Macintosh. Mỗi bức tranh là một câu chuyện về bầu trời đêm với những chòm sao, dải ngân hà lấp lánh và các thiên thần đầy cảm hứng. Trong đó nổi tiếng nhất là bộ ảnh The Zodiac năm 1999 về 12 cung hoàng đạo theo truyền thuyết Hy Lạp. Để ghi nhận những đóng góp to lớn cho ngành hội họa và thiên văn học, tên của anh đã được đặt cho hành tinh nhỏ 11949 - Hành tinh Kagayayutaka [39].
1.2.1. Tranh kỹ thuật số trên các thiết bị công nghệ
Sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ đã sản xuất ra nhiều thiết bị thông minh có hiệu năng mạnh mẽ, tạo điều kiện cho người nghệ sĩ được trải nghiệm sáng tác trên những môi trường chất liệu hiện đại. Các thiết bị công nghệ phổ biến ngày nay như những chiếc máy tính bảng, điện thoại màn hình cảm ứng là các công cụ đa năng đang được cộng đồng nghệ sĩ quan tâm và phát huy mạnh mẽ. Trên màn hình điện tử công nghệ, người họa sĩ có thể sáng tác bất cứ lúc nào, miễn là có cảm hứng và ý tưởng, mọi thứ luôn được chuẩn bị sẵn sàng mà người vẽ không phải bận tâm về việc chuẩn bị dụng cụ, họa phẩm như trong hội họa truyền thống trước đây nữa.
Máy tính bảng phổ biến nhất hiện nay là iPad với màn hình cảm ứng 9,7 inch của tập đoàn công nghệ Apple được giới thiệu lần đầu tiên vào ngày 3 tháng 4 năm 2010. Thiết bị này sở hữu màn hình cảm ứng điện dung cực nhạy mà các ứng dụng đồ họa chuyên nghiệp cho phép thực hiện các thao tác cảm ứng như chạm, quẹt, di ngón tay,… làm cho việc vẽ một bức tranh KTS trên màn hình iPad trở nên quen thuộc thân thiện như các thao tác vẽ tay truyền thống. Theo từng chặng đường phát triển, các thế hệ iPad tiếp theo lần lượt ra đời với thiết kế và hiệu năng được nâng cấp mạnh mẽ và các ứng dụng đồ họa ngày càng chuyên nghiệp hơn. Ngày 11 tháng 11 năm 2015, dòng máy tính bảng iPad được bổ sung thêm bút vẽ Apple Pencil và phiên bản iPad Pro sở hữu màn hình lớn 12,9 inch riêng dành cho người dùng là các họa sĩ KTS. Bút vẽ Apple pencil có độ nhạy cao mà đặc biệt hơn hết là có thể tạo ra các nét vẽ dày mỏng tùy theo lực nhấn và độ nghiêng của người cầm viết. Ưu thế màn hình lớn 12.9 inch với độ phân giải 264 ppi, iPad Pro cung cấp cho người họa sĩ một mặt nền rộng hơn để tự do sáng tác thoải mái [29, tr.66].
1.2.2. Các loại hình vẽ kỹ thuật số trên thiết bị iPad
Căn cứ theo tính chất tạo hình và định dạng các tập tin tạo thành mà có thể phân chia tranh KTS theo ba loại hình cơ bản như sau:
Tranh KTS 3D tạo ra tác phẩm ở dạng khối từ các phần mềm giả lập không gian ba chiều trên máy tính như 3Ds Max, Maya, Blender, SketchUp và trên iPad có uMake, Shapr 3D, Sketch 3D. Ưu thế dựng hình 3D là có thể mô phỏng những mảng khối ba chiều, cho phép người xem quan sát đối tượng ở nhiều góc độ khác nhau. Tranh KTS 3D được ứng dụng nhiều trong phim và game trong khâu tạo hình nhân vật, vũ khí, xe cộ, đền đài và cả những quang cảnh sông ngòi, núi non hùng vĩ.
Tranh KTS thứ hai là đồ họa vector, là các ứng dụng tạo hình từ các đường nét, mảng khối bằng các phương trình toán học trên mặt phẳng 2D. Người vẽ dựa trên các điểm neo và các tiếp tuyến để tạo ra các nét vẽ và mảng vẽ. Hội họa vector được sử dụng nhiều trong thiết kế đồ họa như thiết kế bao bì, tờ gấp, rờ rơi, áp phích phục vụ cho quảng cáo, dàn trang sách, tạp chí. Các phần mềm đồ họa vector chuyên nghiệp trên máy tính là Adobe Illustrator, CorelDraw, Affinity Designer, Autodesk Graphic, XDesign, GravitDesigner… Ứng dụng đồ họa vector trên máy tính bảng iPad thì có Vectormator, Graphic for iPad, iDesign, Affinity Designer [34].
Tranh KTS pixel được tạo hình từ các điểm ảnh pixel trên các phần mềm đồ họa, máy scan và máy chụp ảnh. Do lợi thế xử lý tốt các mảng màu gradient chuyển sắc phức tạp mà tranh KTS pixel thường được sử dụng xử lý ảnh chụp ở giai đoạn hậu kỳ và dùng để tạo ra tác phẩm hội họa trên màn hình máy tính. Các phần mềm vẽ KTS pixel nổi tiếng trên máy tính có Adobe Photoshop, Gimp, Pixelmator, Corel Painter, Affinity Photo,… còn trên máy tính bảng iPad có các ứng dụng như Procreate, Sketch Book, Artrage, SketchClub, Affinity Photo…
1.2.3. Các công cụ tạo hình trong tranh kỹ thuật số
Nếu như trong hội họa truyền thống, người họa sĩ thường hay sử dụng các công cụ như than chì, cọ, bay, phấn tiên với các chất liệu cổ điển để vẽ tranh trên giấy hay trên toan thì trong tranh KTS người họa sĩ vẽ trên màn hình điện tử với các công cụ và chất liệu chuyên biệt được lập trình trong các ứng dụng đồ họa chuyên nghiệp.
Các công cụ tạo hình trong tranh kỹ thuật số 3D
Các công cụ vẽ nét trong KTS 3D bao gồm các công cụ vẽ đường thẳng như Line, Pen tool, công cụ vẽ đường cong như Curve, Arc, và công cụ Bezier, Pen tool vẽ các đường uốn lượn tùy ý dựa trên sự phân bố các điểm neo và tiếp tuyến. Các công cụ vẽ mảng bao gồm các công cụ vẽ hình phẳng cơ bản như hình vuông, hình tròn, hình thang, hình đa giác… từ đó dựng lên các khối cơ bản như khối lập phương, khối cầu, khối trụ, hình nón… Các hình khối phức tạp có thể được tạo ra bằng các công cụ nhào nặn, gọt cắt từ một hay nhiều khối cơ bản tùy vào mục đích sử dụng [32, tr.78].
Công cụ tô màu và áp chất liệu lên bề mặt khối như các kiểu cọ quét màu, các công cụ đổ màu lên mảng, công cụ gradient áp màu chuyển từ màu này sang màu khác. Những công cụ tạo hiệu ứng bề mặt như hiệu ứng nhám sần, hiệu ứng mờ đục, hiệu ứng giả lập chất liệu bề mặt thủy tinh, kim loại, hoặc công cụ áp ảnh pixel để tạo ra các hiệu ứng phức tạp đặc sắc [22, tr.83].
Các công cụ tạo hình trong vẽ kỹ thuật số Vector
Bao gồm các công cụ vẽ vector như công cụ vẽ đường thẳng, đường cong và các đường đóng kín tạo mảng như Line tool, Pencil tool, Pen tool. Những công cụ chỉnh sửa đường nét, mảng miếng qua các thao tác xử lý điểm, xử lý tiếp tuyến như Node tool, Curve tool, Corner tool. Về màu sắc có các công cụ đổ màu lên mảng như Bucket fill, Flood fill, công cụ tạo hiệu ứng chuyển màu Gradient hoặc công cụ Brush tô màu như cọ.
Các công cụ tạo hiệu ứng mảng như hiệu ứng lồng ảnh vào mảng kiểu mặt nạ, hiệu ứng pattern, hiệu ứng nhiễu hạt, hiệu ứng trong suốt, hiệu ứng nhòe hình, hiệu ứng bóng đổ, hiệu ứng viền sáng [33, tr.196].
Các công cụ tạo hình trong tranh kỹ thuật số Pixel
Trong ba loại hình tranh KTS đang đề cập, KTS pixel gần với hội họa truyền thống nhất do các thao tác tô vẽ, tẩy xóa trên canvas tương tự như các kỹ thuật vẽ lên giấy hoặc toan. Tranh KTS pixel được thực hiện trên màn hình của nhiều loại thiết bị như máy vi tính, máy tính bảng iPad, các thiết bị Android với nhiều ứng dụng đồ họa chuyên nghiệp như Adobe Photoshop, Affinity Photo, Procreate,… Nhưng nhìn chung, giao diện của chúng có các nhóm công cụ và các hiệu ứng như sau:
Nhóm công cụ vẽ Pixel: đây là nhóm công cụ được sử dụng nhiều nhất trong kỹ thuật vẽ tranh KTS mà đứng đầu là Brush (PL2, H.1.5) là công cụ tạo ra các nét cọ mềm như trong hội họa giá vẽ. Những cây bút vẽ công nghệ cao cấp hiện nay hỗ trợ nhiều mức độ lực nhấn và độ nghiêng khác nhau tạo cảm giác tương tự như thao tác cầm viết vẽ trên mặt giấy trong hội họa giá vẽ. Hơn nữa, các ứng dụng đồ họa chuyên nghiệp được trang bị bộ thư viện cọ phong phú mà có thể giả lập được các chất liệu truyền thống như sơn dầu, than chì, phấn tiên, acrylic [22, tr.26]… và người dùng hoàn toàn có thể tự tạo ra kiểu cọ cho riêng mình và dễ dàng chia sẻ chúng với cộng đồng họa sĩ xung quanh [31, tr.82]. Tiếp theo là công cụ Pencil (PL.2, H.1.7) dùng để vẽ các nét cứng như nét viết chì lên mặt giấy thường được sử dụng trong các thao tác viền mảng, phác thảo hay tô bóng đan xen. Công cụ Erase (PL.2, H.1.8) có chức năng là cục gôm dùng để tẩy xóa các nét hoặc các mảng màu lỗi và công cụ này cũng có thể tạo ra những chất liệu bề mặt độc đáo giống như Brush. Công cụ Smudge (PL.2, H.1.6) được sử dụng để di màu trong các trường hợp cần hòa trộn hai mảng màu lại với nhau hoặc tạo hiệu ứng màu loang như màu nước chảy trên mặt giấy.
Nhóm công cụ chỉnh sửa: đó là các công cụ chọn vùng như Lasso (PL.2, H.1.2), Marquee (PL.2, H.1.3), Pen (PL.2, H.1.13) được sử dụng trong những trường hợp cần xử lý tách biệt với mảng nền xung quanh. Các công cụ Stamp (PL.2, H.1.11), Healing (PL.2, H.1.12), Content Aware, Inpainting… dùng để dặm vá các chi tiết lỗi hoặc nối thêm khung hình để tranh có một bố cục trọn vẹn hơn.
Các công cụ biến đổi: bao gồm các công cụ như Move (PL.2, H.1.1) di chuyển, sắp xếp đối tượng, công cụ Scale (PL.2, H.1.16) điều chỉnh kích thước, công cụ Rotate (PL.2, H.1.17) xoay tròn và công cụ Skew, Shear (PL.2, H.1.18) làm xiên đối tượng theo các độ nghiêng khác nhau. Linh hoạt hơn nữa là công cụ Distort làm biến dạng đối tượng và Flip, Mirror (PL.2, H.1.19), Flip canvas là các công cụ lật đối xứng đối tượng hoặc cả canvas khi người vẽ cần kiểm tra bố cục tác phẩm ở những góc nhìn khác nhau.
Nhóm công cụ hoàn tác: đây là nhóm công cụ linh hoạt nhất, có mặt trong cả ba loại hình tranh KTS mà nhờ đó người vẽ có thể phục hồi trạng thái vào bất cứ giai đoạn nào trước đó bằng các công cụ Undo, Redo và bảng lệnh History. Tuy nhiên, khi bị lạm dụng quá mức, chúng sẽ là một trở ngại cho người họa sĩ trong những trường hợp mạo hiểm cần những bứt phá mới.
Các công cụ hỗ trợ vẽ chính xác: đây là nhóm công cụ giúp người vẽ định vị chính xác đối tượng trên canvas một cách nhanh chóng. Ví dụ như là công cụ Grid tạo nền lưới, Ruler hiển thị thước đo, Guide tạo ra các đường gióng, Align cân chỉnh vị trí nhiều đối tượng lại với nhau và công cụ Snap để bắt dính đối tượng vào các vị trí đặc biệt. Ngoài ra còn có bộ công cụ Perspective giúp họa sĩ KTS dựng hình đối tượng trong không gian phối cảnh theo các điểm tụ và đường chân trời một cách chính xác.
Bảng lệnh Layer (PL.2, H.1.4): là công cụ cao cấp hỗ trợ người vẽ quản lý các đối tượng trong những tác phẩm KTS phức tạp. Các thành phần trong tranh sẽ được tách rời thành từng lớp theo chiều sâu không gian như lớp nền cỏ, lớp lá cây, lớp thân cây, lớp mây, lớp sông nước, lớp hậu cảnh nền trời… để từ đó người vẽ có thể áp hiệu ứng lên một lớp cụ thể mà không bị ảnh hưởng đến các lớp khác. Người vẽ còn có thể sử dụng bảng lệnh Layer để chỉnh lại nét phác thảo trên một lớp trong suốt, hoặc tạo hiệu ứng tổng hợp từ nhiều lớp kế cận nhau qua đặc tính của các chế độ hòa trộn đặc sắc.
Các hiệu ứng nâng cao: nếu như trong hội họa truyền thống cần có kỹ năng đặc biệt để tạo ra những hiệu ứng độc đáo thì trong tranh KTS điều đó được thực hiện một cách dễ dàng với những hiệu ứng đã được thiết lập sẵn. Ví dụ như hiệu ứng Opacity, Transparency làm mảng trong suốt khi muốn giảm độ nét của layer hoặc để hiển thị nội dung layer nằm bên dưới, hiệu ứng Noise tạo bề mặt nhám sần, hiệu ứng Gaussian Blur, Feather làm nhòe mờ đối tượng, Motion Blur tạo ra hiệu ứng chuyển động với vận tốc cực nhanh.
1.2.4. Những ứng dụng vẽ chuyên nghiệp trên iPad
Một khi các máy tính bảng iPad trở thành công cụ hỗ trợ hữu ích cho người nghệ sĩ, chúng ngày càng phổ biến và được liên tục nâng cấp mạnh mẽ về phần cứng cả lẫn hệ điều hành iPadOS, thì tiếp theo sau đó là sự xuất hiện hàng loạt các ứng dụng đồ họa chuyên nghiệp được tạo thành một cách nhanh chóng từ các lập trình viên trên khắp thế giới.
Procreate của công ty Savage từ nước Úc là ứng dụng vẽ chuyên nghiệp đạt giải Apple Design Award, App Store Essential năm 2013 và được đánh giá là ứng dụng vẽ tốt nhất trên iPad ở 50 quốc gia. Hiện nay ứng dụng này đang được các họa sĩ KTS từ các hãng chuyên về game, truyện tranh và phim hoạt hình danh tiếng sử dụng như Pixar Animation Studio, Disney, Mattel, Ubisoft, DC Comics và Blizzard Entertaiment [41].
Affinity Photo của hãng Serif từ Anh Quốc, đạt giải Winner of Apple App năm 2017, là ứng dụng chuyên xử lý ảnh và vẽ KTS trên iPad tương tự như Adobe Photoshop trên máy vi tính. Ứng dụng này sở hữu thư viện cọ đồ sộ với trên 120 bộ cọ, nhiều hiệu ứng cao cấp, thư viện Filter phong phú và được lập trình ra ba phiên bản chạy trên iPad, hệ điều hành máy tính Windows và MacOS [35].
Ứng dụng ArtRage, của hãng Ambient Design từ New Zealand, là một trong các ứng dụng vẽ xuất hiện sớm nhất trên iPad với khả năng giả lập xuất sắc các nét cọ nổi của chất liệu sơn dầu trên mặt toan và các mảng loang của màu nước trên nền giấy thấm một cách ấn tượng. Hiện ArtRage có rất nhiều phiên bản trên nhiều nền tảng phổ biến như Android, iOS trên iPhone, iPad và trên máy tính như Windows và MacOS [47].
Ứng dụng Tayasui Sketches, của công ty Tayasui tại Paris nước Pháp, có giao diện đơn giản hiện đại, có khả năng xuất layer thành những file ảnh riêng biệt, lập bảng màu nhanh chóng và bộ cọ chuyên về hiệu ứng loang của màu nước tuyệt đẹp. Hiện Tayasui Sketches có phiên bản miễn phí và phiên bản Pro trên tất cả các nền tảng phổ biến hiện nay [30].
Ứng dụng Sketch Club không chỉ là ứng dụng vẽ KTS chuyên nghiệp trên iPad mà còn có cả một phòng tranh khổng lồ dành riêng cộng đồng họa sĩ vẽ KTS sử dụng ứng dụng Sketch Club triển lãm các tác phẩm vừa hoàn thành, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ các tác phẩm, thi thố tài năng và mua bán các tài nguyên trên diễn đàn trang chủ của Sketch Club [58].