BỨC THƯ CỦA HỌA SĨ NGUYỄN VĂN TỴ GỬI HỌA SĨ NGUYỄN GIA TRÍ VÀO THÁNG 10 NĂM 1990

Tạp Chí Mỹ ThuậtTheo dõi

BỨC THƯ CỦA HỌA SĨ NGUYỄN VĂN TỴ GỬI HỌA SĨ NGUYỄN GIA TRÍ VÀO THÁNG 10 NĂM 1990.
(Đây có lẽ là bản nháp của bức thư chính - bởi còn gạch xóa nhiều và vẫn còn lưu lại trong phần tư liệu do gia đình họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ gìn giữ. Trong thư đề cập đến một số vấn đề được coi là "nổi cộm" hiện nay: thật và giả... Khi các họa sĩ còn sống đã có nhiều vấn đề xung quanh các bức tranh do chính họ sáng tác. Hiện tại những nhân chứng sống ấy đã qua đời thì vấn đề ấy càng trở nên phức tạp hơn rất rất nhiều lần).
Trân trọng cảm ơn gia đình họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ đã cung cấp bản tư liệu quý giá này.

Hà Nội ngày 18 tháng 10 năm 1990
Thân gửi Anh Nguyễn Gia Trí

Lâu nay, tôi không vào Sài Gòn nên không lại thăm anh được. Chỉ năm 75, Cẩn và tôi có thăm anh một lần. Thế hệ bọn tôi, ít tuổi hơn anh, cũng đã yếu nhiều. Anh Tr V Cẩn hôm tháng 9 tưởng đã đi rồi, nhưng may lại khỏi. Hiện vẫn còn yếu lắm. Anh có khá hơn không? Liệu còn vẽ được không ?

Bảo tàng Mỹ thuật có bày lại một số bức tranh trước 1945 có mấy cái của anh và của tôi. Họ có ghi lầm tên tác giả trên một số tác phẩm có liên quan đến anh và tôi. Tôi gửi kèm ảnh vào mong anh đánh chú thích cho đúng. Và ngoài này tôi cũng có ảnh chứng minh để đính chính lại cho đúng. Mong anh cùng hưởng ứng:

Bức 1/ Là bức bình phong 8 tấm cỡ 1m70x4m (8 tấm) vẽ 2 mặt. Một mặt vẽ lá khoai gắn vỏ trứng và hoa lá có chữ ký Nguyễn Gia Trí 1937 – Mặt kia vẽ thiếu nữ và 2 em bé đang chạy. Dessin rõ là facture của anh, nhưng có nhiều chỗ exécution không rõ có phải của anh không? Anh có biết rõ có chỗ nào sai với nguyên bản của anh vì tôi nghi là một bản chép. Vì khoảng 1934 ở Bảo tàng Maurice Long, Hà Nội anh cũng có có bày một bức lá khoai nước gắn vỏ trứng nhưng có nhiều cánh dán hơn, hòa sắc đỏ hơn. Vậy anh cho biết ý kiến về tác phẩm này của anh.

Bức 2/ Vẽ về Hội Chèm trên sân giữa chùa là bài vẽ thi ra của tôi mà bảo tàng cũng ghi chú là tác giả là Nguyễn Gia Trí – tên của tôi người ta đã cạo sạch (…) rồi. Sở dĩ họ man trá thế để họ bán được nhiều tiền. Mong anh cùng tôi đính chính lại cho chính xác về một giai đoạn mỹ thuật đã qua. Anh ghi hộ rõ ý kiến sau tấm ảnh thứ 2 và gửi cho tôi – Rất cảm ơn.

Còn ảnh về tác phẩm của anh, tôi biếu anh để giữ làm kỷ niệm.

Thân
Nguyễn Văn Tỵ
42 Yết Kiêu Hà Nội

Tạp Chí Mỹ ThuậtTheo dõi

BỨC THƯ CỦA HỌA SĨ NGUYỄN GIA TRÍ GỬI HỌA SĨ NGUYỄN VĂN TỴ NĂM 1975, TRONG ĐÓ BÀN VỀ “SÁNG TẠO NGHỆ THUẬT” VỚI NHỮNG TÂM SỰ RẤT ĐỜI, RẤT CHÂN THÀNH…
(Cảm ơn gia đình họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ đã cung cấp bản thư quý giá này)

Ngày 11.10.75
Thân gửi bạn Nguyễn Văn Tỵ,

Tôi cũng tiếc anh Cẩn và anh vào đây chúng ta chẳng có dịp gặp nhau luôn để nói chuyện nhiều về nghề nghiệp của mình và trao đổi kinh nghiệm. Giờ đây lại mỗi người mỗi nơi rồi, tôi thấy vốn lười viết lách nay càng ngại thư từ quá, nên xin lỗi anh nếu chậm phúc đáp thư anh. Anh hỏi tôi về những ảnh chụp tranh, riêng tôi thì không bao giờ chụp những tác phẩm của tôi vì đặc tính của sơn mài là bóng, chụp ảnh rất khó lấy hết cái đẹp của nước sơn. Huống chi thú thật cùng anh, tôi rất ghét nhìn lại những gì tôi đã làm, làm xong tôi ráng quên đi là đằng khác. Quên đi, quên được hết ráo, càng sạch hết vết tích của những gì đã qua, càng tốt. Nhưng khổ thay, khách hàng phần nhiều đòi hỏi người nghệ sĩ làm đi làm lại những kiểu mình đã làm hàng chục năm về trước, hay năm ngoái, năm kia rồi! Sự thực thì vì nghề nghiệp phải sống, phải phát triển, mình vẫn phải bắt buộc chiều theo ý khách hàng đôi chút, cố giữ tự do của sự sáng tác phần nào, nhưng với cái nghề sơn mài, tuy tương đối vấn đề đó để đôi chút về mặt khách hàng bỏ tiền ra cho mình làm, mà cái khó lại ở chính mình tự trói buộc trong khuôn khổ chật hẹp của thói quen, của những ý niệm, những tư tưởng sách vở, những kinh nghiệm đã qua, quá quen thuộc như một con đường mòn. Tâm trí mình vì vậy gặp cái trở ngại lớn nhất cho sự sáng tác nghệ thuật, nó không phải là sản xuất, không dựa hoàn toàn vào kỹ thuật dù tinh xảo đến đâu, mà nó đòi hỏi tính cách tươi tắn, hồn nhiên, bén nhậy. Sống! Không giả tạo, không diễn tả, không dịch thuật, đó, tôi quan niệm sáng tác thực nó phải như vậy.

Thôi, đàm luận thì hết đời cũng không dứt được mà cũng không ích lợi gì, cho sáng tác. Tôi cũng ước mong anh em mình còn có dịp gặp nhau trong tương lai. Tôi xin gửi lời anh thân mến thăm hỏi tất cả anh em đồng nghiệp xa gần, và xin chúc anh em mọi sự may mắn tốt đẹp trong sáng tác nghề nghiệp.

Thân mến
Xin lỗi anh phải dùng máy chữ vì chữ tôi viết giờ xấu như gà bới vì tay run quá.

No comments

Leave your comment

In reply to Some User