Họa sĩ, nghệ sĩ điêu khắc bậc thầy Jean Philippe Arthur Dubuffet là người cổ vũ mạnh mẽ cho hội họa Art Brut - nghệ thuật xuất phát từ các giá trị thuộc về bản năng.

Họa sĩ, nghệ sĩ điêu khắc bậc thầy người Pháp Jean Philippe Arthur Dubuffet là người cổ vũ mạnh mẽ cho nghệ thuật xuất phát từ bản năng, và đánh giá cao các giá trị thuộc về bản năng như sự hoang dã, sự kỳ quặc và sự mãnh liệt.

Dubuffet cho rằng bản thân mỗi người là một họa sĩ. Vẽ cũng giống như hoạt động đi lại và nói năng. Theo ông, đối với con người, việc vẽ lên một bề mặt nào đó một hình thù nào đó hoàn toàn tự nhiên như khi họ cất tiếng nói. Bởi vậy, các tác phẩm của Dubuffet thường là graffiti, trần trụi, thô mộc, hoặc tựa như các bức vẽ lộn xộn tùy tiện của trẻ con hay của những người mất trí.

[caption id="" align="alignleft" width="250"] Jean Philippe Arthur Dubuffet sinh ngày 31/7/1901 tại thành phố Le Harve, Pháp.[/caption]

Jean Philippe Arthur Dubuffet sinh ngày 31/7/1901 tại thành phố Le Harve. Năm 1918, ông đến Paris và theo học hội họa tại Viện Julian, nhưng chỉ sau 6 tháng, ông rời Viện, tự học và nghiên cứu. Vào khoảng năm 1924, do hoài nghi về giá trị của nghệ thuật, ông từ bỏ hội họa và quay về đảm nhận công việc kinh doanh rượu của cha mình.

Vào đầu những năm 1930, ông trở lại với loại hình nghệ thuật này, nhưng một thời gian ngắn sau ông lại từ bỏ nó. Ông chỉ thật sự đến với môn nghệ thuật này vào năm 1942. Năm 1944, ông cho ra mắt buổi triển lãm cá nhân đầu tiên của mình tại phòng tranh Rene Drouin. Những năm sau đó, Dubuffet chịu ảnh hưởng bởi tác phẩm "Artistry of the Mentally III" của Hans Prinzhom và đã tạo ra thời kỳ Art Brut (còn gọi là "nghệ thuật thô"). Art Brut là kiểu hội họa tìm cách xóa bỏ không chỉ ranh giới khắt khe giữa sự cao cả và điều tầm thường, mà còn giữa cái đẹp và cái xấu.

Dubuffet đã từng nói: "Quan niệm cho rằng có đối tượng đẹp và đối tượng xấu, có người thì được phú cho cái đẹp, còn kẻ khác thì không, chắc chắn không hề có căn cứ, mà chỉ có một sự qui ước - một qui ước vô nghĩa, già nua và thiếu lành mạnh. Tôi muốn mọi người xem công việc của tôi như là một hành động khôi phục lại các giá trị từng bị rẻ khinh, đồng thời trong bất cứ trường hợp nào, xin hãy coi đây là một công việc của sự tán dương tha thiết. Tôi quả quyết rằng đối với mỗi chúng ta, bất cứ chiếc bàn nào cũng có thể là một phong cảnh mà ta không thể nào khai thác hết vẻ đẹp của nó, giống như dãy núi Andes vậy".

Dubuffet say mê graffiti và nghệ thuật của những người không được đào tạo bài bản về mỹ thuật. Graffiti là thuật ngữ chỉ những hình vẽ hay chữ viết trên các bề mặt của công trình hay còn gọi là tranh vẽ trên tường. Như một cách chống lại những lối thực thành mỹ thuật truyền thống, ông thường vẽ nhiều lớp sơn dày, rồi cào vào mặt tranh để tạo hiệu quả như tranh tường, ví dụ như bức "Làng bên đường" vẽ tại Vence vào năm 1957. Tác phẩm đã gây chấn động giới mỹ thuật vì phong cách rất ngây thơ, tự nhiên. Từ khoảng năm 1962, ông tạo nên hàng loạt tác phẩm mà trong đó ông chỉ giới hạn các màu sắc đỏ, đen, trắng và xanh.

[caption id="" align="aligncenter" width="500"] Một bức ảnh theo nghệ thuật hội họa Art Brut của Dubuffet[/caption]

Các tác phẩm nghệ thuật của Dubuffet là sự thể hiện nội tâm bên trong con người ông. Ông nói: "Tôi đã xao động trước một hình ảnh bình thường và dung dị nào đó, giống như hình ảnh tồi tàn bên ngoài khung cửa số đã được mở ra hàng ngày, và thời gian trôi đi, hình ảnh đó bắt đầu đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống của con người đứng bên khung cửa. Tôi thường cho rằng mục đích cao cả nhất mà một tác phẩm hội họa có thể hướng tới là hãy gánh vác trách nhiệm thể hiện điều đó trong đời sống".

[caption id="" align="aligncenter" width="462"]"Nhóm bốn cây" là tác phẩm điêu khắc kinh điển của Dubuffet.[/caption]

Năm 1972, Dubuffet tạo ra tác phẩm mang tên "Nhóm bốn cây" chưa từng có trong lịch sử hội họa trước đấy."Nhóm bốn cây" là tác phẩm điêu khắcsử dụng mầu đen và trắng, những tán cây được thể hiện như cánh của máy bay. Tác phẩm được làm bằng nhựa tổng hợp trên khung nhôm và một phần thép giữ các mảng với nhau. Tác phẩm được đặt ở trước của Ngân hàng Chase Manhatta. Nó đã gây náo động trong giới nghệ thuật, vì mối quan hệ giữa nghệ thuật và kiến trúc công cộng.

Jean Philippe Arthur Dubuffet mất ngày 12/5/1985 tại Paris. Nghệ thuật mà ông khởi xướng đến nay vẫn còn nguyên giá trị và được rất nhiều nghệ sĩ theo đuổi.

Thông tin Tư liệu/TTXVN


Nguồn: http://citinews.net/giai-tri/arthur-dubuffet-voi-kieu-hoi-hoa-art-brut-CVYLHTQ/

No comments

Leave your comment

In reply to Some User