1.4. Mỹ thuật thời kỳ văn hoá Đại Việt (938 - cuối thế kỷ XIX)
Thời kỳ văn hoá Đại Việt là thời kỳ tự chủ của đất nước qua các triều đại Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hậu Lê và nhà Nguyễn. Đây là thời kỳ phát triển văn hoá truyền thống Việt Nam mà tiêu biểu nhất là ý thức vừa đề kháng vừa tự chủ thâu hoá văn hoá Trung Hoa và các dân tộc khác, đồng thời phục hưng và phát triển bản sắc văn hoá Văn Lang - Âu Lạc.
1.4.1. Đặc điểm mỹ thuật các đời phong kiến Ngô, Đinh, Tiền Lê (938 -1009)
Năm 938, Ngô Quyền giành độc lập dân tộc với chiến thắng trên sông Bạch Đằng. Năm 967, Đinh Bộ Lĩnh lập nên nhà Đinh, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư. Năm 980, Lê Hoàn xưng đế lập nhà Tiền Lê, đánh quân Tống và bình được Chiêm Thành.
Đặc điểm mỹ thuật các thời Ngô, Đinh,Tiền Lê
Kiến trúc thành lũy: Các triều vua đã cho đắp 10 đoạn tường thành nối các núi đá dựng nên thành Hoa Lư thuộc xã Trường Yên (Ninh Bình) với diện tích hơn 300 ha gồm thành Đông là vòng thành ngoài, thành Tây là vòng thành trong. Thành Tràng An là thành Nam, là khu vực phòng thủ hậu cứ của kinh đô. Đời Nam Việt Vương Đinh Liễn năm 973 đã cho dựng 100 cột đá khắc kinh Phật.
Về điêu khắc có loại gạch vuông lát nền trang trí hoa sen hay chim phượng. Ngói mũi lá có tượng “uyên ương”, hoặc phù điêu đầu “linh thú”.
Mỹ thuật giai đoạn này rất phát triển, có giao lưu với Trung Quốc như gốm men ngọc Chiết Giang, gốm trắng Quảng Đông và Chăm Pa như ngói mũi lá.
1.4.2 - Mỹ thuật thời Lý
Năm 1009, Lý Công Uẩn lên ngôi, ông cho dời đô về Đại La và đổi tên là Thăng Long, chế độ phong kiến được xây dựng theo lối chính quy: đứng đầu là vua rồi đến các quan chức.
Hàng ngàn năm sau Thăng Long vẫn luôn được các triều đại vua các thời Trần,.. giữ làm kinh đô cho thấy nhãn quan vượt bậc của Lý Công Uẩn khi nhìn ra địa thế chiến lược của kinh đô Thăng Long
Hoạt động lập pháp phát triển, tăng cường tổ chức quân đội. Chính quyền đề ra những chính sách phát triển nông nghiệp, các nghề thủ công (dệt, gốm, luyện kim, mỹ nghệ) và khai thác mỏ. Giao thương giữa các địa phương trong và ngoài nước với thương cảng chính là Vân Đồn.
Về văn hoá xã hội: năm 1042 ban bố hình thư, năm 1054 đổi tên nước là Đại Việt, năm 1070 mở Văn Miếu Quốc Tử Giám, và năm 1075 mở khoa thi đầu tiên. Phật giáo giữ vai trò quan trọng.
Đặc điểm mỹ thuật thời Lý
Kiến trúc cung đình: Thăng Long bắt đầu được xây dựng quy mô, chia thành hai khu vực: Hoàng thành và kinh thành, giữa Hoàng thành là Tử Cấm Thành. Kiến trúc Phật giáo: thời Lý, Phật giáo là quốc giáo, nhiều chùa tháp lớn được triều đình xây dựng như chùa Một Cột, Báo Thiên, Thắng Nghiêm, Chân Giáo (Thăng Long), chùa Giạm, Chương sơn (Nam Định), Long Đọi Sơn (Hà Nam)... Núi Tiên Du trở thành trung tâm của Phật giáo đời Lý. Kiến trúc đền miếu có đền thờ cúng thánh thần như Tản Viên, Trấn Vũ, Voi Phục. Bạch Mã.. và đền thờ anh hùng dân tộc như đền Hai Bà Trưng, Phùng Hưng, Lý Phục Man, Lý Thường Kiệt ….
Về điêu khắc, những tượng còn lại đến nay đều bằng đá, một số bằng đất nung, như tượng Phật đá ở chùa Phật Tích (Bắc Ninh) và chùa Chương Sơn (Nam Định). Một số bệ đá ở chùa Bà Tấm (Hà Nội), chùa Hương Lãng (Hưng Yên), chùa Thày (Hà Tây), tượng Kim cương tại chùa Long Đọi và Phật Tích, tượng chim thần Kin na ri. Phong cách còn ảnh hưởng nghệ thuật Trung Quốc và Chiêm Thành.
Hoa văn được cách điệu và sắp xếp thành đồ án trang trí trong các mảng hình tròn, hình lá đề.... Đề tài chủ yếu là hoa sen, hoa cúc, rồng, sấu, sóng nước, nhạc công, vũ nữ... với mật độ dày đặc, đường nét chau chuốt, tỉ mỉ chi tiết và sinh động.
Về đồ gốm, các trung tâm sản xuất tập trung ở Thăng Long, Thanh Hóa và vùng phụ cận như Bát Tràng, Thổ Hà, Phù Lãng. Gạch trang trí lát nền hoặc xây ốp lên mặt tường được khắc chìm hoặc in nổi hình rồng, phượng, hoa lá. Các đồ gốm gia dụng quý và đẹp như gốm men ngọc, gốm đàn.. Đề tài phổ biến vẫn là hoa sen, phù dung, hoa cúc, người, vật, hoa lá, chim cá, ong bướm, sông nước…
1.4.3. Mỹ thuật thời Trần (1226 -1400) thời Hồ (1400-1407)
Dưới sự bố trí của Trần Thủ Độ, Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh, lấy hiệu là Trần Thái Tông mở đầu thời kỳ nhà Trần, tiếp tục phát triển quốc gia phong kiến tập quyền. Đặc biệt thành tích ba lần chống Nguyên- Mông đã ảnh hưởng sâu sắc đến toàn bộ đời sống tinh thần của nhân dân. Nền văn học đời Trần chứa đựng một tinh thần độc lập mạnh mẽ, ý thức tự hào dân tộc sâu sắc như Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn, thơ văn của Trần Nhân Tông, Trần Quang Khải, Phạm Ngũ Lão, Trương Hán Siêu, Phạm Sư Mạnh… Chữ Nôm bắt đầu được phổ biến và vận dụng trong văn học (Nguyễn Thuyên, Nguyễn Sĩ Cố). Tầng lớp nho sĩ đông đảo, đẩy lùi dần các thế lực tăng lữ trên lĩnh vực chính trị cũng như tư tưởng.
Đặc điểm mỹ thuật thời Trần
Kiến trúc cung đình nhìn chung kế thừa kiến trúc thời Lý. Năm 1239, nhà Trần cho xây dựng phủ Thiên Trường tại quê hương Tức Mặc (Nam Định), bề thế lộng lẫy như một kinh đô thứ hai thời bây giờ. Các dinh thự cá nhân cũng được xây dựng như trang ấp của Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Vương ở Vạn Kiếp (Hải Dương), trang ấp của Trần Nhật Duật ở Tức Mặc, Nhận Huệ Vương Trần Khánh Dư ở Vân Đồn… Đạo Phật vẫn quan trọng, nhiều cuộc trùng tu chùa tháp như chùa Một Cột (1240), tháp Báo Thiên (1258), chùa Khai Nghiêm, Yên Phong (Bắc Ninh, 1333 - 1335)… Xây dựng các chùa tháp mới như chùa Hương Tích (Hà Tĩnh), chùa Hoa Long, chùa Thông (Thanh Hóa), tháp Bỉnh Sơn (Phú Thọ), chùa Bối Khê, chùa Dương Liễu (Hà Tây), chùa Hào Xá (Hải Dương), chùa Thái Lạc (Hưng Yên), chùa Phổ Minh (Nam Định), chùa Tắm (Quảng Ninh) v.v… Núi Yên Tử được mở rộng và phát triển thành một trung tâm Phật giáo với hơn 20 công trình đồ sộ cho các sư phái “Trúc Lâm Tam tổ” như chùa Lân (Long Động), chùa Hoa Yên, chùa Giải Oan, chùa Bảo Sái, Am Van Tiêu, viện Thạch Thất Ngự Mị, viện Phu đồ…
Lăng mộ thờ “Bát Vị Hoàng Đế” nhà Trần ở khu đền An Sinh (Quảng Ninh), với nhiều tòa điện miếu lớn để làm nơi tế lễ bái yết.
Nhìn chung kiến trúc thời Trần vẫn phát triển mạnh, giai đoạn đầu quy mô và bố cục mặt bằng kế thừa Lý nhưng về cuối triều Trần thì có ảnh hưởng Trung Quốc.
Điêu khắc thời Trần là tượng lăng mộ và các bệ tượng đá hình hộp chữ nhật bên trên có chạm khắc phù điêu, đài sen.. cho thấy một phong cách chuộng hình khối khỏe, đơn giản, hiện thực.
Hội họa thời Trần phát triển trong nhiều thể loại: tranh chân dung, tranh phong cảnh, tranh lịch sử, trang trí tiền, sắc phong, quạt, bình phong…. Năm 1253, triều đình lập viện Quốc học, đắp tượng Khổng Tử, Chu Công, Mạnh Tử và vẽ hình 72 học trò suất sắc của Khổng Tử. Thể loại tranh chân dung được vẽ nhiều nhất vào năm 1289, sau 3 lần chống giặc Nguyên-Mông, nhà Trần cho vẽ chân dung ban tặng công thần và ghi tên vào sách “Trung hưng thực lục”. Cuối thế kỷ XIV, Thượng hoàng Trần Nghệ Tông sai thợ vẽ bộ tranh “tứ phụ đồ” nêu gương công thần giúp vua dựng nghiệp lớn như “Chu Công giúp Thanh vương, Hắc Quang giúp Chiêu đế, Gia Cát Lượng giúp Thục hậu chúa, Tô Hiến Thành giúp Lý Cao Tông” ban cho Hồ Quý Ly để ngăn âm mưa phản loạn.
Về gốm trang trí kiến trúc có các hình đầu rồng, chim phượng chạm nổi trên các bờ nóc, đầu đao theo thủ pháp đơn giản, khỏe mập, không chau chuốt như thời Lý. Ngoài ra, còn có ngói mũi hài phủ men, gạch lát nền hình vuông được in nổi hoa sen, hoa cúc, hoa chanh cách điệu. Gốm gia dụng như gốm men ngọc, gốm hoa nâu, gốm hoa lam được tạo dáng chắc khỏe, thân đế cân đối vững vàng, cốt vuốt dày… Hoa văn trang trí trên gốm gồm hoa khắc, hoa in và đắp nổi với đề tài hoa sen, hoa cúc cách điệu. Đặc biệt xuất hiện họa tiết mới như hình xoắn vỏ ốc, vân mây tản, ngọc báu, sừng tê bắt chéo, chim, cò, voi, hổ, tôm cá và cả hình người.
Mỹ thuật nhà Hồ
Năm 1400, Hồ Quí Ly phế truất vua Trần lập ra triều Hồ, đổi tên nước là Đại Ngu, dời kinh về thành Tây Đô (Thanh Hóa). Nhà Hồ thi hành nhiều cải cách, nhưng do mất lòng dân nên năm 1407 bị quân Minh xâm lược. Tồn tại chỉ 7 năm nên các công trình mỹ thuật nhà Hồ không nhiều, về phong cách vẫn tiếp tục nghệ thuật thời Trần.
Năm 1397, Hồ Quý Ly cho xây dựng cung Bảo thanh và thành Tây đô (Thanh hóa), Yên Mô (Ninh Bình), Thanh Oai (Hà Tây) để đối phó với giặc Minh.
Địa thế xây dựng thành Tây Đô mang tính phòng thủ cao, phía Bắc dựa vào núi Voi, phía nam có núi Đôn Sơn che chắn, phía đông núi Hắc Khuyển cùng sông Bái bao bọc, phía tây sông Mã án ngữ. Hiện vật còn lại đến nay là đôi rồng cụt đầu có thân hình ống, mập, uốn sóng đều đặn, thân rồng phủ kín hoa văn hình vòng cung khép kín, cho thấy có sự kết hợp giữa cái khỏe mạnh, đơn giản vững chắc của thời Trần với cái mềm mại tinh tế của thời Lý.
Kết luận: thế kỷ 13 - 14 là giai đoạn thịnh nhất về mọi mặt trong xã hội, thể hiện tinh thần đoàn kết, tự cường, tự hào dân tộc cao. Nghệ thuật chủ yếu vẫn phục vụ cung đình với phong cách mập khỏe, thoáng đạt, gần gũi với hiện thực. Tuy vẫn còn ảnh hưởng Chăm Pa, Trung Quốc nhưng màu sắc dân gian ngày càng đậm nét.
1.4.4. Mỹ thuật thời Lê Sơ (1427-1525)
20 năm bị quân Minh thống trị, đất nước bị tàn phá nặng nề. Khởi nghĩa Lam Sơn trong mười năm (1417-1427) đã thắng lợi vẻ vang. Lê Lợi lên ngôi, lập ra triều đại nhà Lê, xây dựng chế độ phong kiến tập quyền chuyên chế với nhiều chính sách canh tân khá toàn diện, nước Đại Việt phục hồi nhanh chóng. Đến đời Lê Thánh Tông 1460-1497 bộ máy hành chính, quân đội và hoạt động lập pháp đã đạt đến mức hoàn bị. Nhà nước chú trọng nông nghiệp, xóa bỏ điền trang thái ấp, lập nhiều trung tâm thủ công nghiệp, xưởng đúc vũ khí, chiến thuyền và nghề khai mỏ...
Nho giáo được sử dụng làm khuôn mẫu dựng nước trị dân, hạn chế Phật giáo, Đạo giáo. Đề cao chữ Hán nhưng chữ Nôm vẫn phát triển trong văn học, phản ánh chủ nghĩa yêu nước như “Quốc âm thi tập”, “ Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi. Địa lý, y học, toán học cũng phát triển, về sử học có Ngô Sĩ Liên, Phan Phu Tiên, về toán học có Lương Thế Vinh, Vũ Hữu, về y học có Nguyên Trực…
Đặc điểm mỹ thuật thời Lê sơ
Kiến trúc cung đình: Đổi tên Thăng Long thành Đông Kinh và tu sửa theo cấu trúc cũ vào năm 1430. Năm 1433 xây dựng cung điện Lam Kinh ở Lam Sơn (Thanh Hóa) có ba lớp nền cao dần trên đồi. Về kiến trúc tôn giáo, các chùa vẫn được trùng tu nhưng không phát triển. Khuyến khích xây dựng các đền miếu thờ người có công với đất nước và Khổng Tử. Kiến trúc lăng mộ có quần thể lăng mộ của sáu vua đầu triều Lê và các hoàng hậu, công chúa ở sau điện Lam Kinh.
Điêu khắc lăng mộ thời Lê có kích thước không lớn so với thời Lý, Trần, gồm các tượng như người, lân, tê giác, ngựa, hổ... Thể hiện đơn giản ở cách tạo dáng, khối, đường nét, tỷ lệ các phần chưa thật chính xác.
Chạm khắc trang trí nổi bật thời này là nghệ thuật chạm khắc trang trí bia cũng như trên các thành bậc đá, bệ tượng.. tuy mềm mại, nhưng không tỉ mỉ như thời Lý mà mạch lạc hơn, bố cục thoáng hơn. Con rồng thời Lê Sơ tượng trưng uy quyền vua nên trông dữ tợn, rối rắm... thiếu sức uyển chuyển như rồng Lý, Trần, có phần rập khuôn theo rồng thời nhà Minh (có sừng, râu dài, mắt lồi, mồm to…)
Hội hoạ thời Lê Sơ có hai thể loại là tranh phong cảnh và tranh chân dung như bức chân dung Nguyễn Trãi tại làng Nhi Khê. Các hình vẽ trên gốm có bút pháp phóng khoáng, bố cục chặt chẽ, đường nét sinh động cho thấy hội họa Lê Sơ rất phát triển.
Về đồ gốm nổi bật nhất là gốm men trắng ngà được trang trí bằng cách đắp nổi và vẽ bằng màu men lam với nét bút thoáng đạt, tự do.
1.4.5. Mỹ thuật thời Mạc (TK XVI)
Năm 1527 Mạc Đăng Dung phế truất triều Lê lập nhà Mạc. Nhiều phe phái nổi lên, trong đó có Nguyễn Kim, một viên tướng nhà Lê, chạy vào Thanh Hóa tập hợp các thế lực phong kiến, lập một chính quyền mang danh nghĩa triều Lê Trung Hưng, chống lại nhà Mạc. Về kinh tế đây là thời kỳ tan vỡ hoàn toàn điền trang thái ấp. Xã hội cởi mở tạo điều kiện cho Phật giáo phục hồi và phát triển vào làng xã.
Đặc điểm mỹ thuật thời Mạc
Về kiến trúc cung đình: Thăng Long ít được xây cất, tu bổ do chiến sự xảy ra liên tục, các vua Mạc nhiều lần phải rút về Dương Kinh trước sự uy hiếp của Nam triều. Công trình quan trọng thời Mạc chủ yếu ở Dương Kinh (Hải Dương), quê hương nhà Mạc. Tại đây, Mạc Thái Tổ sai xây dựng điện Phúc Huy, điện Hưng Quốc, điện Sùng Đức… Kiến trúc chùa, đạo quán thời Mạc có 142 công trình được tôn tạo như chùa Bà Tấm, chùa Bối Khê, chùa Trăm Gian (Hà Nội), chùa Cập Nhất (Hải Dương), chùa Phổ Minh (Nam Định). Ba đạo quán có dấu tích thời Mạc là quán Hưng Thánh, quán Hội Linh và quán Linh Tiên (Hà Nội). Về kiến trúc đình làng, trước kia đình là trạm dừng chân, đến thời nhà Mạc đình làng trở thành trung tâm hành chính, sinh hoạt cộng đồng của làng xã như đình Lỗ Hạnh, đình Tây Đằng, đình Thổ Hà (Bắc Giang), Thanh Lũng, Thụy Phiêu và La Phù (Hà Nội). Đình làng có bố cục khá đơn giản, gồm toà Đại đình có gian giữa là nơi hành lễ, hai bên là nơi hội họp và làm lễ hội. Đình thường được làm bằng gỗ, chạm khắc tinh xảo với các hình rồng, phượng, hoa sen hoặc cảnh sinh hoạt, hội hè dân gian.
Điêu khắc thời Mạc khá phát triển về chất liệu và phong phú về loại hình như tượng Thích Ca Mâu Ni Phật ở chùa La Khê (Hà Đông), tượng Tam thế Phật ở chùa Nanh, chùa Lệ Mật, chùa Thầy (Hà Nội), tượng Bồ Tát Quan Âm nhiều tay tại các chùa Đông Ngộ (Hải Dương), chùa Thượng Chủng (Vĩnh Phúc), chùa Đa Tốn, chùa Bối Khê (Hà Nội)... xuất hiện tượng Ngọc Hoàng ở chùa Ngô Sơn (Hà Tây), tượng Thích Ca Sơ Sinh và tượng người có công xây chùa như tượng Mạc Thái Tổ ở chùa Trà Phương (Hải Phòng), tượng bà chúa Mạc ở chùa Phổ Minh (Nam Định).
Nghệ thuật chạm khắc trang trí chuyển từ trang trí chạm khắc nông trên mặt phẳng đến trang trí chạm khắc sâu nhiều lớp tạo nên một hệ thống phù điêu đình làng dày đặc, chủ đề hướng về đời sống thế tục làng xã.
1.4.6. Mỹ thuật thế kỷ XVII-XVIII (Thời vua Lê chúa Trịnh, Trịnh - Nguyễn phân tranh và Tây Sơn)
Năm 1592 Nam triều thắng Bắc triều, chiếm Thăng Long. Họ Trịnh xưng vương biến vua Lê thành bù nhìn. Năm 1558, Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa thành lập cơ sở cát cứ mới. Chiến tranh xảy ra liên miên giữa hai tập đoàn phong kiến Trịnh- Nguyễn và kết thúc bởi chiến thắng Tây sơn vào năm 1791.
Đặc điểm mỹ thuật thế kỷ XVII-XVIII
Ở đàng ngoài, vào đầu thế kỷ XVII, chúa Trịnh cho xây 52 cung điện lớn hướng về phía hồ Hoàn Kiếm. Đến thế kỷ XVIII, xây Ngũ Long Lầu gần hồ Hoàn Kiếm mang hình 5 con rồng dát bằng mảnh sứ và đá cẩm thạch. Năm 1728 Trịnh Giang xây một cung diện ở dưới đất gọi là Thưởng trì cung ở phía Nam Hồ. Hồ Tây cũng được chúa Trịnh cho xây Trúc Lâm viện và lập hành cung.
Ở đàng trong, từ năm 1558 đến 1648, các chúa Nguyễn đóng quân lần lượt ở Ái Tử (Quảng Trị), làng Trà Bát, làng Phúc Yên, Kim Long. Đến năm 1691, Ngãi vương di chuyển bản doanh tới làng Phú Xuân, huyện Hương Trà, đặt tên là Chánh Dinh và bắt đầu xây dựng với quy mô to lớn lộng lẫy. Cung điện chúa Nguyễn ở Phú Xuân được xếp đặt theo hình vuông, có ba vòng tường bao bọc, có bảy cổng, cổng chính có viễn vọng đài nhìn ra sông Hương.
Kiến trúc Phật giáo phát triển trở lại do tình trạng tiêu cực vua quan đưa Nho giáo vào khủng hoảng. Phật giáo trở thành cứu cánh cho hệ tư tưởng xã hội. Nhiều tông phái Lâm tế và Tào Động và các nhà sư Trung Quốc du nhập vào nước ta.
Ở đàng trong, dưới sự ủng hộ của các chúa Nguyễn, nhiều ngôi chùa lớn được xây dựng như chùa Thiên Mụ (Huế), Sùng Hóa (Phú Vang), Đảo Châu (Trà kiệu),… Ở đàng ngoài, với sự tham gia của tầng lớp nên nhiều ngôi chùa được trùng tu như chùa Côn Sơn (Hải Dương), chùa Keo (Nam Định), chùa Ngọc Khám, chùa Bút Tháp (Bắc Ninh), chùa Thày, chùa Mía (Hà Tây). Vào thế kỷ XVIII, kinh tế suy giảm, chiến tranh nông dân triền miên, sự phát triển chùa gặp trở ngại… Đến vương triều Tây Sơn, xã hội ổn định, ngôi chùa dần phát triển trở lại. Nhiều người trí thức quay trở về với Phật giáo như Ngô Thời Nhiệm, Phan Huy ích. Các ngôi chùa được xâỵ dựng dưới thời Tây Sơn là kết quả dung hòa giữa hai hệ tư tưởng Phật giáo và Nho giáo như chùa Tây Phương và chùa Kim Liên.
Cuối thế kỷ XII, đình làng đạt đến đỉnh cao, tập trung nhiều ở đồng bằng Bắc bộ như đình Cao Thượng, đình Thắng, đình Phù Lão (Bắc Giang), đình Diềm (Bắc Ninh), đình Chu Quyến, đình Đông Lỗ, đình Hoàng Xá, đình Liên Hiệp (Hà Tây), đình Hương Lộc (Hà Nam), đình Thổ Tang (Vĩnh Yên)….
Kiến trúc đền thờ, lăng mộ cũng phát triển như đền Lý Bát Đế (Bắc Ninh), đền vua Lê Đại Hành, đền Đinh Tiên Hoàng (Ninh Bình), đền bà chúa Mụa (Hưng Yên), đền lăng, lăng họ Ngọ (Bắc Giang).
Về điêu khắc ở thế kỷ XVII có sự đan xen về loại hình, kiểu thức từ sự hỗn dung tôn giáo. Đây là giai đoạn rực rỡ và phong phú của điêu khắc cổ Việt Nam, loại hình kiểu thức đạt tới trình độ giáo khoa, có một nền tảng triết học và nghệ thuật sâu sắc. Điêu khắc Phật giáo ngoài các tượng thời Mạc, có thêm bộ Di Đà Tam Tôn, Hoa Nghiêm Tam Thánh, Di Đà Phát Quang, Tứ Bồ Tát, tượng sư tổ. Vào đầu thế kỷ XVIII, có thêm tượng Tuyết Sơn, Di Lặc tam tôn, Bát Bộ Kim Cương, Tổ Truyền Đăng, Quan Âm Tống Tử…. Nghệ thuật điêu khắc thế kỷ XII có hai hình thái: 70 năm đầu là đỉnh cao của nghệ thuật tạc tượng Phật gịáo, những năm còn lại là đỉnh cao của nghệ thuật dân gian với mảng chạm khắc đình làng, nội dung chủ yếu phản ảnh cuộc sống dân dã như cảnh chèo thuyền, chọi gà, chơi cờ, uống rượu, múa nhạc, đá cầu, tích truyện cổ và truyện lịch sử, trai gái tình tự đùa vui… bằng các kỹ thuật chạm nổi, chạm bông, chạm lộng xen kẻ nhau. Tượng đền thờ thế kỷ XVII không nhiều, nhưng có sắc diện lý tưởng và sinh động như tượng bà chúa Mụa, tượng Trần tướng công, tượng quan hầu đá, tượng Huyền Thiên Trấn Vũ ở Hà Nội. Tượng mồ thời này khá to lớn so với thời Lý Trần như hai tượng đá canh mồ ở mộ quận Đăng (Thanh Hóa) và tượng ở miếu mộ Đinh Hương (Bắc Giang)
Về đồ hoạ có hai dòng tranh: tranh Đông Hồ (Bắc Ninh), mỗi màu một ván khắc, in trên giấy dó theo một quy trình đồ họa khép kín, hình có viền đen, bố cục đăng đối như các tranh “gà đàn", “lợn độc”, "đánh vật”, “đánh ghen”, “hứng dừa”, “chăn trâu thổi sáo”.. Dòng tranh Hàng Trống (Hà Nội) in nét đen trước rồi tô vờn màu lên sau nên màu sắc phong phú, gợi được khối và không gian như “lý ngư vọng nguyệt”, “ thất đồng”, “ngũ hổ”, “tố nữ”, “tam tòa thánh mẫu”, “tứ phủ”....
Thế kỷ XII - XIII, hội họa rất phát triển. Triều đình có cơ quan chuyên trách vẽ trang trí cho cung đình, trang trí chiến thuyền, tạc vẽ văn bia. Tiêu biểu như tranh chân dung cụ Nguyễn Chu Ái, quan hữu tư giảng Nguyễn Quý Cảnh. Trong đền chùa có các tranh màu vẽ trên ván gỗ, màu sắc sặc sỡ, gần gũi với tranh dân gian.
1.4.7. Mỹ thuật thời Nguyễn
Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi, niên hiệu Gia Long, định đô ở Phú Xuân, duy trì chế độ phong kiến Nho giáo lỗi thời và thi hành chính sách bế quan tỏa cảng. Kinh tế nông nghiệp ngày càng sa sút. Phong trào đấu tranh của nhân dân nổi lên mạnh mẽ. Chế độ giáo dục và thi cử lạc hậu, bỏ chữ Nôm, dùng chữ Hán.
Triều Nguyễn tồn tại qua ba giai đoạn: giai đoạn từ 1802-1858 tương đối độc lập tự chủ; từ 1858-1885 mất dần chủ quyền; năm 1885-1945 mất hẳn chủ quyền.
Nhà Nguyễn có một số đóng góp như thống nhất đất nước từ Mục Nam quan tới mũi Cà Mau, phát triển kiến trúc đô thị và hệ thống giao thông. Thời này xuất hiện các nhà văn thơ lớn như Nguyễn Đình Chiểu, nhà kỹ thuật, nhà canh tân như Nguyễn Văn Tú, Nguyễn Tường Tộ.
Đặc điểm mỹ thuật thời nhà Nguyễn
Giai đoạn này có ba dòng mỹ thuật đan xen nhau: nghệ thuật “Bắc bộ” tiếp nối truyền thống thế kỷ XII-XIII, nghệ thuật Huế như một phong cách riêng biệt và nghệ thuật “thuộc địa” là giai đoạn sơ khởi giao lưu với nghệ thuật Pháp.
Kinh thành Huế được xây dựng mặt quay về hướng Nam, dùng núi Ngự Bình làm tiền án và hai hòn đảo cồn Hến, Dã Viên làm "Tả Thanh Long, Hữu Bạch Hổ” chầu vào trước mặt kinh thành. Gần chân thành có hệ thống hào chạy quanh 4 mặt, mặt thành xây 24 pháo đài, giữa mặt tiền kinh thành có dựng kỳ đài ba cấp, trên có cột cờ. Đại Nội gồm có Hoàng Thành và Tử cấm Thành với hàng chục công thự. Đặc biệt trong Đại Nội có 5 ngôi miếu thờ các “Tiên vương liệt thánh” của các triều đại. Nhà Nguyễn đề cao Nho giáo, Quốc Tử Giám được xây ngay trong kinh đô, Văn miếu được xây ở các địa phương. Kiến trúc Phật giáo ngoài Bắc chủ yếu là những đợt trùng tu chùa như chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang), chùa Keo (Thái Bình), chùa Trấn Quốc (Hà nội)…. Chùa do nhà nước xây dựng tập trung chủ yếu ở Huế. Tín ngưỡng thờ Mẫu, thờ Thần vẫn tiếp tục phát triển, các công trình kiến trúc điện thờ được tu bổ và xây dựng thêm như Phủ Giầy (Nam Định), điện Hòn Chén (Huế), đền Quan Thánh (Hà Nội), đền Cờn (Nghệ An)… Thời Nguyễn, Thiên chúa giáo được công khai truyền đạo, nhiều nhà thờ được xây dựng như nhà thờ Đức Bà (Sài Gòn), nhà thờ Lớn (Hà nội), nhà thờ Phát Diệm (Ninh Bình)…. Kiến trúc lăng tẩm triều Nguyễn có 7 khu của các vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Dục Đức (ở đây có mộ vua Thành Thái, Duy Tân), Đồng Khánh và Khải Định. Thành phần lăng gồm: tượng chầu, bái đình, nhà bia, trụ biếu, tấm điện.
Về điêu khắc cung đình Huế tiêu biểu là hệ thống tượng người, voi, ngựa trong các lăng tẩm. Tượng lăng mộ so với các thời trước ít nét đau buồn hơn, nhưng vẫn đầy suy tư. Khối hình đơn giản, song trang trí trên mũ áo rất được chú trọng. Điêu khắc Phật giáo tiếp tục phát triển, xuất hiện nhiều tượng mới như tượng Hoa Nghiêm, Thích Ca kết ấn chuẩn đề, Cửu Long Thích Ca Sơ Sinh, Phạm Thiên, Đế Thích, Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu, Đức ông, Thánh Tăng, Thổ địa, Thập điện Diêm Vương… kết hợp với tín ngưỡng thờ Mẫu.
Về đồ họa- hội họa, ở miền Bắc ngoài tranh Đông Hồ và Hàng Trống, xuất hiện thêm dòng tranh Kim Hoàng (Hà Tây) có nét khắc thanh mảnh, tỉ mỉ hơn tranh Đông Hồ, màu sắc tươi chói như tranh Hàng Trống. Tại Huế có dòng tranh Làng Sình, là tranh thờ, tranh cúng lễ, phục vụ tín ngưỡng dân gian. Tranh giấy Sình in bản khắc gỗ lấy nét và những mảng đen, xong tô màu.
Về hội họa có tranh vẽ trên tường ở các chùa, tranh vẽ trên kính, trên vải với đề tài Phật giáo hoặc minh họa thơ các hoàng đế, quý tộc trong cung đình, lăng tẩm.
Nghệ thuật trang trí ứng dụng có 4 loại: a/ Gốm trang trí kiến trúc và gia dụng vẫn phát triển mạnh, ở miền Bắc có Bát Tràng, Thổ Hà, Phù Lãng, ở Huế có các lò gốm “Nội Phủ” phục vụ cung đình, miền Nam có gốm Cây Mai (Sài Gòn), Lái Thiêu (Bình Dương), Biên Hòa (Đồng Nai). b/ Pháp lam được dùng trang trí mặt ngoài kiến trúc như nghi môn, tam quan,.. trong nội thất như chân cột, bình phong, lư hương, mâm bồng; khay trà, bình rượu, thạp lọ. c/ Kỹ thuật đúc đồng và trang trí đạt đến đỉnh cao, tiêu biểu là chuông đồng, Cửu vị Thần công, Cửu đỉnh nâng đồ đồng ứng đụng lên mức tượng đài hoành tráng, d/ Kỹ thuật tạo dáng, chạm khảm và sơn thiếp đồ gỗ cầu kỳ tinh vi như Ngai vàng, Bửu tán ở Thái Hòa điện