Đã 4 năm sau ngày ông ra đi, tuy nhiên sự tiếc nuốt và ngưỡng mộ vẫn mãi mãi trong tim hàng triệu con người yêu công nghệ trên thế giới, và tôi là một trong số đó.
Lòng kính trọng của tôi không chỉ bởi những gì ông tạo dựng được, mà ở ông có những quyết định phi thường và những triết lý kinh doanh xuất chúng.
Điều 1: Sản phẩm đột phá không đến từ ý kiến khách hàng
Trong kinh doanh khách hàng là quan trọng, nhưng họ hoàn toàn không phải là "thượng đế". Câu nói "khách hàng là thượng đế" trong Marketing được tạo ra chỉ là hình thức chiêu dụ người mua hàng mà thôi, khi mà thế giới thương mại đầy cạnh tranh khốc liệt.
Tất nhiên khách hàng là người quyết định việc mua hay không 1 món hàng nào đó, nhưng họ không phải là người định hướng món hàng của mình 1 cách đúng đắn. Họ là người dùng cuối và vẫn luôn là đối tượng được quan tâm hàng đầu, nhưng những đặc điểm tuyệt vời của sản phẩm luôn là kết quả của một quá trình nghiên cứu nghiêm túc đầy sáng tạo từ đội ngũ thiết kế. Nói một cách khác là việc đem lại ấn tượng cho sản phẩm là việc của người thiết kế, việc của khách hàng là kiếm tiền để mua sản phẩm mà thôi.
Nếu để khách hàng góp ý hướng phát triển sản phẩm thì nhà sản xuất có được một hướng đi an toàn, nhưng sẽ không bao giờ tạo ra được một sản phẩm vượt ra suy nghĩ của khách hàng được, và như thế thị trường sẽ chẳng có được một bước cải tiến đột phá nào khác biệt cả. Tại sao thế? Đơn giản chỉ là vì khách hàng không phải là nhà thiết kế hay những người nghiên cứu sản phẩm, họ có thể là người chuyên nghiệp nhưng đa số ở những lĩnh vực khác mà và những ý kiến từ họ không thể đưa sản phẩm của bạn lên một cấp độ cao hơn. Điều đáng buồn là hầu hết khách hàng luôn tham gia góp ý một cách "nhiệt tình" và luôn đòi hỏi ý kiến mình phải được tôn trọng như một chuyên gia.
Nếu được hỏi ý kiến về sản phẩm, điều đầu tiên bạn nghe được từ người mua hàng đó là "giảm giá", càng rẻ càng tốt, rẻ một cách vô lý cũng mặt kệ mà không cần biết mặt trái của đòi hỏi này sẽ lấy mất đi giá trị sản phẩm, vì không thể có một món hàng CHẤT LƯỢNG TỐT mà có giá RẺ BÈO được. Trước khi iPhone ra đời, có bao nhiêu khách hàng cho biết điện thoại di động cần có màn hình cảm ứng, hay truyền tải dữ liệu không dây?
Tóm lại, người sản xuất không nên cố gắng đi tìm một lời khuyên nâng cấp từ những người không rành về lĩnh vực thiết kế sản phẩm? Hãy đặt khách hàng về lại đúng vị trí của người tiêu dùng và chỉ nên tham khảo họ về cảm giác trải nghiệm những tính đang đang có, hơn là hỏi về những thứ hay ho mà sản phẩm cần được thêm vào để trở nên tuyệt vời.
Khi iPad được giới thiệu, thị trường chỉ nhìn thấy được iPad đơn giản như là 1 iPod touch phóng to, nhưng qua 1 gian sử dụng thì dưới đây là 1 cảm nghĩ
"Không có ai – kể cả Jobs, khi tự cho phép mình – có thể chắc chắn rằng khách hàng sẽ dùng iPad để làm gì. Tôi mạn phép dự đoán nó sẽ trở thành chiếc máy tính đầu tiên cho mọi nhà.
Những chiếc máy để bàn cồng kềnh phải ở lỳ trong phòng học; máy xách tay đôi lúc được chạy ra phòng khách. Còn iPad sẽ là chiếc máy đầu tiên có thể du ngoạn khắp căn nhà, truyền tay từ người này sang người khác, dạo chơi thoải mái từ phòng khách đến nhà bếp, đến phòng ngủ và đến cả phòng tắm. Thoải mái mọi nơi, không bị ràng buộc với cái gì. Đó không phải là một cuộc cách mạng, nhưng đó là một thay đổi thực sự, một thay đổi khiến cho mọi người đều phải chú ý.
Đây là điều mà từ khi sử dụng ipad tôi cực kỳ tâm đắc. Có thể làm việc và giải trí bất kể đâu. Khi đi ngủ, đi làm , uống cf ,.. Thậm chí trong cả toilet nữa ... Là cái mà tôi chưa bao giờ làm được với laptop. Phải sử dụng thì bạn mới cảm nhận được"
Điều 2: Thiết kế quyết định sản phẩm
"Sản phẩm tốt là sản phẩm phải đẹp"
Trước khi đọc quyển "Steve Jobs", một quyển sách của Walter Isaacson xuất bản vội vàng sau ngày ông mất, tôi đã thấy được triết lý này qua các buổi ra mắt sản phẩm mới của Apple. Ở mỗi tập đoàn tầm cỡ luôn có riêng mình một nét văn hoá đặc thù, dựa trên những triết lý nền tảng làm kim chỉ nam cho cả công ty. Apple là một trong những tập đoàn như thế, với những triết lý mà như ông đã từng nói "..như nằm trong ADN của công ty".
Kỳ thực tôi vẫn chưa hiểu rõ các con số ẩn dụ 600 - 1500, nhưng có vẻ nó thể hiện khoảng cách trên 1 biển báo thường thấy ở các giao lộ trên nước Mỹ, và là mức độ ảnh hưởng của 2 yếu tố này lên sản phẩm Apple chăng?? Mỗi sản phẩm Apple là một tác phẩm nghệ thuật, là sự giao thoa giữa Công nghệ và đỉnh cao của sự Sáng tạo Tư Duy.
Ở tập đoàn này, kiểu dáng và đặc tính sản phẩm 100% từ bộ phận thiết kế và quá trình sáng tác không bị bất kỳ một áp lực nào từ khâu sản xuất và phòng kinh doanh. Như thế các sản phẩm được thoải mái sáng tạo với phần thiết kế bên ngoài bằng cách nào đó cho thật hoàn hảo, rồi làm sao để nhét được các linh kiện vào bên trong sẽ là việc của bộ phận kỹ thuật. Điều này nghe có vẻ không tưởng vì như thế sản phẩm được tạo thành sẽ vất vả hơn rất nhiều, nhưng bù lại.. sản phẩm luôn tạo được tính đột phá và tính thẩm mỹ và hoàn thiện luôn đạt ở mức cao nhất. Đúng với phương châm "sản phẩm tốt là sản phẩm chất lượng, chứ không phải sản phẩm phải nhờ vào các chiêu thị Marketing".
Tất cả các sản phẩm của Apple đều rất đẹp và tinh xảo, đặc biệt chất liệu phần cứng. Chúng đẹp và chắc chắn mà không rõ là làm từ hợp kim gì, ngay cả cọng dây tai nghe bằng nhựa trắng cũng rất mềm và dễ chịu khi đeo. Hầu hết bề mặt các sản phẩm được làm với hợp kim nhám hoặc nhựa trong sang trọng.
Sản phẩm Apple đầu tiên mà tôi mặc nhiên có được, khi nhận vị trí thiết kế từ công ty của Đức, là một chiết PowerBook G4 12" với vỏ bằng hợp kim Titan chạy hệ điều hành Mac OS X Panther version 10.3.. Sau một thời gian sử dụng, nó gây ấn tượng mạnh đến mức những vật dụng sau này của tôi đều mang thương hiệu apple, dù là phải mất một thời gian trầy trật sử dụng do đã quen với giao diện window từ lúc còn đi học.
Chỉ cần nhìn bên ngoài đã có thể yên tâm vào chất lượng sản phẩm
Power Mac G4 Cube được giải thưởng thiết kế công nghiệp và nó đẹp đến nỗi trưng bày tại Viện Bảo Tàng Mỹ Thuật Hiện Đại và Bảo Tàng Thiết Kế Kỹ Thuật Số
Điều 3: Sản phẩm hoàn hảo là hoàn hảo cả ở những nơi không nhìn thấy
Vào thời của ông, không có sản phẩm nào được xuất xưởng một cách vội vàng cho kịp thời hạn, mọi thứ phải đạt yêu cầu tuyệt đối, phần cứng và cả phần mềm. Tất cả các sản phẩm đều được trau chuốt đến từng con ốc ở cả bên trong. Và điều này đã dấy lên phong trào mổ xẻ máy Apple vào những ngày sản phẩm vừa ra mắt, một mặt để tìm hiểu thông số kỹ thuật các linh kiện, mặt khác để thoả mản chiêm ngưỡng cách mà chúng được sắp xếp gọn gàng thông minh và hợp lý.
Cho đến một ngày, máy iMac được thiết kế với vỏ trong suốt, thì phần linh kiện lờ mờ bên trong tạo nên một hiệu ứng thị giác ấn tượng như một tác phẩm nghệ thuật công nghiệp
Điều 4: Đỉnh cao của thiết kế là sự đơn giản
Khi đã là tín đồ của Apple, bạn sẽ nhận ra xu hướng thiết kế của sản phẩm càng lúc càng ít nút bấm và cổng kết nối hơn để đạt đến một khối hoàn hảo mà luôn đảm bảo đầy đủ các tính năng
Tuy nhiên đơn giản ở đây không có nghĩa là đơn điệu, buồn chán, mà là không DƯ và tham lam, rối rắm. Một khi đã đạt đến mức độ thẩm mỹ đơn giản, sản phẩm sẽ có được cái đẹp bền bỉ theo thời gian. Cũng vì điều này, mà vào thời của ông, Apple không có quá nhiều chủng loại sản phẩm.
Điểu 5: Cứ tạo ra sản phẩm tuyệt vời trước đã, lợi nhuận sẽ tự động theo sau
Ngày iPad ra mắt, thế giới đã chứng kiến cảnh hàng dài người đứng chờ mua sản phẩm từ các đêm hôm trước, dù rằng lúc đó báo chí đã có nhiều bài viết dè bỉu, chê bai.
Điều gì đã làm người dùng háo hức khi mà iPad vẫn còn chưa từng được sử dụng? nhất là hiệu năng iPad lúc ấy vẫn còn nhiều nghi ngờ. Như là .. liệu rằng iPad có thể mở được các file PDF có dung lượng hàng trăm MB? khi mà các file này, vốn mở trên máy tính vẫn còn ì ạch?
Các sản phẩm mới của Apple được đón chào nồng nhiệt là do chất lượng và uy tín công ty đã được khẳng định từ những sản phẩm trước đó.
Trong kỷ nguyên truyền thông, áp lực doanh số nặng nề, gay gắt nên rất ít công ty công nghệ nào có đủ bản lĩnh tạo nên những sản phẩm mới, mà đa số chỉ chọn hướng đi an toàn là ăn theo các sản phẩm đang hút khách trên thị trường để trước mắt bảo đảm doanh thu.
Điều 6: Trở nên lớn mạnh từ con đường khác
Đã từ lâu, cho đến tận hôm nay vẫn tồn tại 2 hệ điều hành lớn cạnh tranh khốc liệt trong thị trường máy tính cá nhân: Window và Mac OS. Window vẫn là hệ điều hành chiếm đa số nhưng chưa hẵn là hệ điều hành tốt nhất, Mac OS vẫn giới hạn ở trên các máy tính Mac mà không vượt xa hơn. Nếu xét về mặt cạnh tranh thì hệ điều hành Mac OS khó chiếm ưu thế khi mà nó được viết ra chỉ chạy trên máy Mac của hãng còn Window thì chạy trên .. phần còn lại của thế giới với phần cứng được sản xuất từ hàng ngàn công ty.
Nếu nói về tính tương thích và hiệu năng thì Mac OS là số 1 do phần cứng và phần mềm đều được sản xuất từ 1 công ty, điều này đã được người dùng khẳng định cho đến mức máy Mac được xem là máy tính chuyên dùng cho giới thiết kế đồ hoạ và biên tập phim ảnh, thế nhưng vẫn còn thua xa Window về mặt số lượng người dùng vì lý do đã nêu ở trên.
Sự thành công của iPod, và tiếp nối là iPhone, iPad như một đòn bẩy kéo theo lượng người sử dụng máy tính Mac gia tăng do sự tương thích trao đổi dữ liệu tối ưu trên các thiết bị trong cùng 1 hệ sinh thái
Điều 7: Khác biệt là chìa khoá của sự thành công
Các sản phẩm bắt đầu bằng chữ i, tín hiệu nhận diện thương hiệu độc đáo
Apple lần đầu tiên sử dụng tiền tố “i” trên các sản phẩm của mình vào năm 1998 trên máy tính iMac. Steve Jobs cho biết, chữ “i” có thể là biểu tượng của nhiều thứ bao gồm Internet, individual (cá nhân) hay inspire (truyền cảm hứng).
Sau đó, Apple đã liên tục sử dụng tiền tố “i” trên các sản phẩm mới như iTunes, iWork, iPhone, iPad, iCloud. Thậm chí, Steve Jobs còn được giới công nghệ yêu mến gọi là “iCEO” của Apple. Ông rất thích biệt danh này.
Ngày nay hễ cứ nhắc đến 1 từ gì đó mà có thêm chữ "i" phía trước là biết ngay là 1 sản phẩm của Apple. Rất tiếc là đặc điểm này giờ đây đã bị lợi dụng trong việc tranh thủ cơ hội kiện cáo bảng quyền.
Màu trắng cho sản phẩm
Thế kỷ 20 là thế kỷ màu đen cho các sản phẩm công nghệ, đặc biệt là các sản phẩm từ các công ty Nhật Bản. Thế nhưng ở Apple lại có những dòng MacBook bằng nhựa trắng tinh khôi và sang trọng. Đặc biệt tai nghe màu trắng của Apple nỗi tiếng và trở thành một tín hiệu sản phẩm dễ nhận thấy dù ở khoảng cách từ rất xa.
Điều 8: Che dấu khuyết điểm một cách tinh tế
Ngày xưa Apple dùng phong cách tả thực cho thiết kế icon cũng như giao diện chung trên các sản phẩm của mình với các hiệu ứng shadow, reflect,... và font chữ dày là để che bớt nhược điểm do giới hạn công nghệ màn hình khi đó chưa đủ độ nét mong muốn, nhưng sau iPhone 4 với màn hình retina ra mắt và sự phát triển cực nhanh của độ phân giải màn hình cũng như khả năng xử lý đồ họa, phong cách thiết kế tả thực nhiều chi tiết ngày xưa không phô diễn được hết những ưu điểm mới của công nghệ nên mới chuyển sang phong cách mới tối giản hơn, font chữ mảnh hơn, các đối tượng đồ họa nét và trực quan hơn.