Tiếp tục với phần 2 của nghệ thuật Hình họa
NỘI DUNG
Hình họa là gì
Các thể loại hình họa
Lịch sử hình thành
Tại sao có tranh khoả thân?
Giai đoạn chuẩn bị
Kỹ thuật vẽ một bài hình họa
Các phương pháp đo đạc
Một số thế dáng mẫu người cơ bản
Bố cục trong hình họa
Phối cảnh trong hình họa
Các bước vẽ hình họa với chất liệu sơn dầu
Thế nào là một bài hình họa tốt
Những bức hoạ đầu tiên của nhân loại
Hình dáng con người qua nét vẽ được tìm thấy sớm nhất trên các bức tranh hang động thời tiền sử từ khoảng 17.000 TCN ở Pháp và Úc. Ở Pháp hình người theo dạng hình que ở hang động Lascaux, Dordogne cách đây 15,000 TCN.
Ở cách đó gần nửa vòng trái đất, một hình vẽ dạng người xuất hiện ở vùng Kimberley ở miền tây nước Úc. Được biết đến với cái tên "The Bradshaws”, phong cách nghệ thuật thổ dân độc đáo này có ít nhất là 17.000 năm TCN, bao gồm các hình người dạng que có chiều cao đến 183 cm được vẽ chi tiết với tỉ lệ cơ thể học chính xác. Mặc dù động vật được vẽ giống như ngoài đời thực, nhưng các bức vẽ về con người thời kỳ đồ đá củ được thể hiện theo một kiểu cách cứng ngắt, không tự nhiên. Chỉ khi đến thời kỳ đồ đá giữa (6000 năm TCN) chúng ta mới thấy thêm nhiều hình dạng con người được thể hiện tự nhiên hơn.
Ở Việt Nam, những hình vẽ mặt người được tìm thấy đầu tiên trên vách hang Đồng Nội (xã Đồng Tâm, Lạc Thủy, Hòa Bình) cách nay khoảng 1 vạn năm vào thời kỳ đồ đá giữa (Mesolithic age) nền văn hoá Hoà Bình. Đó là hình những khuôn mặt khắc sâu vào vách đá tới 2 cm, gồm đầu người đàn ông có khuôn mặt gần vuông cao 31 cm, rộng 34 cm, có đầy đủ mắt mũi miệng và lông mày. Hình đầu người phụ nữ có khuôn mặt hình bán nguyệt cao 13 cm, rộng 18 cm, có mắt mũi miệng nhưng không có lông mày nên trông dịu dàng hơn. Hình đầu người phía trong có kích thước nhỏ hơn, có lẽ đó là đầu một em bé. Đặc biệt cả 3 hình đều có gắn trên đầu một nhánh cây hình gần giống chữ Y (có lẽ là một cách hóa trang để đi săn hoặc cũng có thể là một nghi lễ gắn với hình thức thờ phụng của người Việt cổ) [1].
Nghệ thuật cổ đại đầu tiên từ những nền văn minh cổ xưa (Lưỡng hà, Ai Cập, Hy Lạp, Ba Tư, La Mã,..) cũng có những bức vẽ người nhưng chúng được vẽ trên vật liệu kém bền như là giấy papyrus hay các bản gỗ, chỉ rất ít trong số chúng còn lại đến ngày nay. Loại hình duy nhất của nghệ thuật hình họa cổ xưa còn tồn tại với số lượng đáng kể là tượng và các phù điêu thờ phụng tín ngưỡng.
Cách nay 3000 năm TCN. Người Ai Cập cổ đại đã vẽ nhiều tranh tường và phù điêu khổ lớn về Pharaon, hoàng hậu và các nàng hầu, cảnh có nhiều người đang đàn hát, nhảy múa... thường mặt ở góc nhìn nghiêng nhưng mắt và thân người thì được vẽ theo hướng chính diện.
Cùng với thời Ai Cập cổ đại, nhiều quốc gia châu Á cũng có nền mỹ thuật phát triển như lối vẽ quốc họa của Trung Hoa, tranh khắc gỗ ở Nhật Bản, quần thể đền đài chạm khắc cảnh sinh hoạt ở Ấn Độ, Indonesia, những nụ cười đá ở đền Angko Campuchia và hình người sinh hoạt trên mặt trống đồng Việt Nam,.…
Vẻ đẹp hình thể lên ngôi
Những người đưa cơ thể con người lên hàng nghệ thuật là những nhà điêu khắc Hy Lạp cổ đại. Họ không chỉ là những người đầu tiên phát hiện ra nét đẹp vĩnh cửu của hình thể mà còn truyền cảm hứng nghệ thuật hình họa cho ngàn đời sau trên các phù điêu trang trí đền đài kiến trúc Hy lạp cổ đại hoành tráng.
Tuy nhiên, thời kỳ trung cổ ở Châu Âu 10 thế kỷ tiếp theo sau đó (TK5-TK15) đã hướng hầu hết các hoạt động nghệ thuật vào tôn giáo, và bóng dáng con người là điều cấm kỵ trong nghệ thuật vào những giai đoạn đầu của thời kỳ này theo quan niệm con người chỉ do chúa trời tạo ra.
Cái đẹp của cơ thể đến từ sự cân đối
Đến thế kỷ 16, nghệ thuật hình thể được hồi sinh bởi các bậc thầy thời kỳ Phục Hưng (Renaissance) ở Ý và bùng phát mạnh mẽ sau một thời gian dài cấm đoán. Thời kỳ này cũng khởi đầu những nghiên cứu giải phẫu học cơ thể người với những công cuộc mổ xẻ xác chết bí mật của Leonardo, làm cơ sở cho việc dựng hình chuẩn xác cho một vóc dáng khoẻ mạnh cân đối và hợp lý từ bộ khung xương, các mô cơ bên trong cơ thể.
Sự vĩ đại của hoạ sĩ thời phục hưng với đỉnh cao của nghệ thuật tạo hình đương thời đã đưa người nghệ sĩ từ vị trí người thợ vẽ lên hàng bậc thầy trong lĩnh vực nghệ thuật, khai sinh trường phái mỹ thuật cổ điển hàn lâm thể hiện tính nhân văn hoàn hảo đầy đủ ba yếu tố Chân, Thiện, Mỹ. Đáng chú ý trong thời kỳ này là ba hoạ sĩ Leonardo, Michelangelo và Raphael, đã vẽ rất nhiều bản vẽ hình họa, tuy nhiên lúc đó các công trình này chỉ được xem như là công việc chuẩn bị hơn là một loại hình hội họa độc lập, hoặc nó chỉ đơn giản được sử dụng để nghiên cứu hay sao chép các tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh gồm cả tranh và tượng.
Thời kỳ này giấy cũng trở nên phổ biến và nhanh chóng trở thành tấm nền lý tưởng tạo điều kiện cho các bản vẽ dễ dàng được tạo ra và dễ sưu tầm, lưu giữ hơn. Những họa sĩ như Leopold de Medici và Giorgio Vasari đều đã sưu tầm được một bộ sưu tập lớn các bản phát thảo.
Nét đẹp cơ thể sẽ càng đẹp hơn khi nó được tách khỏi những lớp vải che đậy thường ngày vốn dĩ đã bình thường do nhìn quen mắt là điều được các hoạ sĩ công nhận (bạn sẽ không thưởng thức hết được vẻ đẹp của thần vệ nữ trong bộ xiêm y thùng thình có phải không?). Dưới đây là 2 tác phẩm của danh họa Francisco Goya, trường phái Lãng mạn (Romanticism) vẽ cùng một đối tượng để minh chứng cho điều đó. Bạn thích quần áo sang trọng hay đường cong gợi cảm duyên dáng của cơ thể ??
Nghệ thuật Á Đông với tư tưởng phong kiến nặng nề thì đề tài khoả thân có một ma lực đặc biệt trong nghệ thuật tạo hình, vừa đầy chất nghệ thuật vừa khơi mở một thế giới dấu kín đầy cảm xúc nên nó trở thành trào lưu chờ cơ hội phun trào khi mà xã hội bớt thành kiến hơn. Nhiều quốc gia mở trường đào tạo mỹ thuật với Hình họa là môn học chính với chương trình giảng dạy bài bản, hệ thống và khoa học. Ở Việt Nam, trường Mỹ thuật Đông Dương được người Pháp mở từ năm 1925 đến 1945, giảng dạy theo chương trình có kế thừa những nét tiến bộ, bài bản, khoa học của thời Phục hưng châu Âu.
https://www.reddit.com/r/ArtefactPorn/comments/am26yg/the_shaft_of_the_dead_man_cave_painting_in/
http://www.bradshawfoundation.com/bradshaws/photographs/index.php
Phạm thị Chỉnh (2006), Lịch sử mĩ thuật Việt Nam (tái bản lần thứ hai). Nhà xuất bản đại học sư phạm.