Trong một chuyến đi thực tế của lớp Cao Học Mỹ Thuật năm 2016, nhờ quen biết với Phân Viện Văn Hoá Nghệ Thuật Huế mà mình mới được phép chụp những tấm hình này
trong nhà Bảo Tàng Cổ Vật Cung Đình Huế (Hue Museum of Royal Antiquities) ở số 3 Lê Trực, thành phố Huế.
Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế hiện có tới 700 hiện vật: gốm mộc, gốm tráng men từ thời nhà Lý đến thời nhà Nguyễn.
Ấn “Quốc gia tín bảo” bằng vàng thời vua Gia Long (1802-1819) dùng cho các văn kiện triệu tập các tướng lĩnh, phát động binh sĩ, trưng binh nhập ngũ và các văn kiện hành chính quan trọng. Ấn có cạnh 11,7 x 11,7 cm, cao 9 cm, dày 1,65 cm.
Các ấn vàng dành cho Hoàng Thái hậu mẹ vua Tự Đức; ấn vàng mạ bạc dành Hoàng hậu Nam Phương vợ vua Bảo Đại; ấn vàng mạ bạc dành cho Hoàng thái tử Bảo Long con vua Bảo Đại; ấn ngọc đời vua Thiệu Trị dùng cho những bản sắc mệnh ban cho các nước chư hầu, những việc ban bố cho thiên hạ.
Hai cây kiếm gồm cây An dân bảo kiếm (dưới) của vua Khải Định bằng vàng, đồi mồi dài 90cm – là biểu trưng của vương quyền, là trọng khí của quốc gia và cây kiếm bằng vàng, đồi mồi, ngọc phía trên
Cận cảnh nét tinh xảo của phần chuôi 2 thanh kiếm dành cho vua
Mũ bình thiên bằng vàng, đá quý, san hô. Chiếc mũ này được nhà vua đội vào dịp tế Trời – Đất hàng năm ở đàn Nam Giao, cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, thiên hạ thái bình
Mặt trước và sau Mũ thượng triều bằng vàng, đá quý, san hô, kim sa cao 28,6cm, đường kính 26,6cm. Mũ được nhà vua sử dụng mỗi khi thiết triều, giải quyết các vấn đề lớn của quốc gia, thực hiện các nghi lễ khánh tiết của Nhà nước hoặc yết kiến sứ giả các nước bang giao, thực hiện các nghi lễ tôn miếu, tổ tông
Những con rồng vàng được gắn vào mũ sống động như thật Kim sách Đế hệ thi bằng vàng với 13 tờ vàng, dài 23,2cm, rộng 13,7cm được đúc năm 1823 đời vua Minh Mạng. Sách chép 20 chữ bộ Nhật và bài ngự chế Đế hệ thi do hoàng đế Minh Mạng ban hành năm 1823. Với bài ngự chế này, vua mong muốn thế hệ sau truyền nối ngôi vua tới 20 đời, được 500 năm, nhưng cuối cùng chỉ dừng lại ở chữ Vĩnh tức đời thứ 5, do 11 vua nối tiếp thuộc cả chi khác hoặc thế hệ trước.
Hốt ngọc của nhà vua (nằm trên, là vật biểu trưng quyền lực của nhà vua, cầm trên tay khi thiết triều) và các thẻ bài Cơ mật đại thần bằng vàng dùng cho đại thần ở Viện Cơ mật – cơ quan đặc trách tham mưu những vấn đề quan trọng nhất của triều đình, đặc biệt là về quân sự thành lập năm 1834; thẻ bài Ngự tiền sắc mệnh bằng ngọc dùng cho quan Nội các ở bên dưới.
Đài thờ bằng vàng, ngọc, đá quý, san hô dùng đựng các lễ vật trong nghi lễ tế tự ở hoàng cung
Vẻ đẹp tinh xảo của các bảo vật hoàng cung
Chậu bằng ngọc bọc vàng, cẩn đá quý cao 10cm, đường kính 29cm dùng trong sinh hoạt của nhà vua
Bộ ấm chén và khay rượu bằng vàng dùng trong hoàng cung
Đỉnh thờ bằng vàng, cao 18 cm, đường kính 8 cm dùng để đốt trầm
Đỉnh thờ tinh xảo bằng bạc năm Khải Định thứ nhất 1916 dùng để đốt trầm trong các nghi lễ triều đình
Nghiên mực bằng ngọc và vàng, dùng để mài mực, mài son trong hoàng cung
Các bình và lọ ngọc dùng đựng hương liệu
Chân nến bằng vàng cao 25 cm đường kính 11 cm dùng trong hoàng cung
Bát bằng ngọc bọc vàng và đôi đũa bằng ngọc dùng trong bữa ăn cung đình.
Thìa bằng ngọc bọc vàng có cán bằng san hô dài 18,3cm dùng trong bữa ăn hoàng cung triều Nguyễn
Bộ đồ ăn trầu bằng vàng của vua hoặc hoàng hoàng hâu, gồm cối, chày giã, sêu, đinh ba…
Từ trái qua là lồng ấp bằng vàng dùng bỏ than vào sưởi ấm mùa đông, ống nhổ bằng vàng dùng đựng nước thừa và nước cốt trầu và hộp vàng dùng để đựng trầu cau.
Du khách đứng chôn chân trước những báu vật vàng son một thời tại kinh đô Huế
Vũ Xuân Tráng