Tranh dân gian là một phần quan trọng trong toàn bộ nền văn hoá Việt Nam, ở đó thể hiện những nét độc đáo trong sinh hoạt, vui chơi, lễ hội và truyền thống dân tộc…

Tranh vẽ dân gian có cội nguồn từ xa xưa và ra đời phục vụ cho nhu cầu người chơi tranh vào dịp Tết đến, xuân về và nhu cầu thờ cúng của đông đảo quần chúng nhân dân trước kia cũng như hiện nay. Dòng nghệ thuật dân gian do chính những người dân sáng tạo ra, mang theo những nội dung người dân yêu thích và được thể hiện bằng một ngôn ngữ dễ hiểu, đơn giản.

Tranh dân gian Đông Hồ

Tranh dân gian Đông Hồ, hay nói đầy đủ hơn là tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ, ra đời từ khoảng thế kỷ XVII, tại một làng nhỏ ven sông Đuống, thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Trước đây Đông Hồ còn có tên là làng Đông Mại, hay làng Mái. Nơi đây có một vùng đất trù phú, nông nghiệp phát triển, đời sống văn hoá cao… tất cả tạo thành cái nôi cho một dòng tranh chân quê, mang trong mình những nét tinh túy riêng với những giá trị văn hóa to lớn đậm đà bản sắc dân tộc. Tranh dân gian Đông Hồ là một trong những dòng tranh có truyền thống lâu đời nhất cùng với tranh Hàng Trống ở Hà Nội và Kim Hoàng ở Hà Tây.

Mùa tranh cũng là mùa tết

Tranh Đông Hồ thường là tranh Tết, là thú vui tao nhã, một phong tục đẹp của người Việt Nam xưa, đặc biệt ở các vùng đồng bằng Bắc bộ. Cứ mỗi dịp Tết Nguyên Đán, các gia đình dù giàu hay nghèo, ngoài bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành cũng không thể thiếu câu đối đỏ cùng những bức tranh tết. Những bức tranh dân gian màu sắc tươi tắn được dán lên tường nhà làm không khí thêm phần rộn rã, ấm cúng. Tranh tết Đông Hồ không phải là sự minh họa về ngày tết mà thông qua nội dung của các bức tranh này là sự gửi gắm, là lời chúc phúc cho những gì tốt đẹp nhất cho một năm mới, một năm phát tài, phát lộc bằng những hình ảnh biểu tượng dân dã, gần gũi nhưng lại chứa đựng những thông điệp ẩn ngữ đầy tính nhân văn. Với sự phong phú, đa dạng cả về mẫu mã, thể loại, chủ đề, tranh dân gian Đông Hồ phản ánh hầu như tất cả những gì diễn ra trong đời sống bình dị của người lao động như: Chăn trâu thổi sáo, Hứng dừa, Đấu vật, Đánh ghen... cho tới những ước mơ, khát vọng cuộc sống tốt đẹp hơn như Lễ trí, Nhân nghĩa, Vinh hoa, Phú quý, Lợn đàn, Gà đàn... Cái hấp dẫn của tranh dân gian Đông Hồ là không chỉ đề cập cuộc sống: thóc đầy bồ, gà đầy sân, ước mong vinh hoa phú quý mà còn đề cập đến cuộc sống lứa đôi, vợ chồng với cái nhìn hóm hỉnh mà sâu sắc. Tranh dân gian Đông Hồ càng xem càng cảm nhận thấy ý nghĩa văn hóa sâu sắc, chứa đựng những ẩn ý, nhắc nhở, răn dạy chi tiết, đầy đủ về mọi sự đúng sai, phải trái ở đời, mang đậm một cái nhìn lạc quan, trìu mến và tha thiết đối với cuộc sống.

Tranh Đông Hồ lên kệ
Chất liệu và màu sắc tranh Đông Hồ

Nét độc đáo đầu tiên thu hút người xem của Tranh dân gian Đông Hồ chính là màu sắc và chất liệu giấy in. Giấy dùng in tranh là một loại giấy được chế tạo thủ công từ cây Dó, có các đặc điểm như: mỏng, nhiều xơ, rất thấm màu mà không bị nhòe khi in. Loại giấy này được quét lên một lớp hồ điệp để tạo nét sáng óng ánh đặc thù, và cũng vì đó mà tranh Đông Hồ có thêm một tên gọi khác là tranh Điệp. Bột điệp được chế ra từ vỏ con sò điệp nung nóng, nghiền nhỏ rồi trộn với hồ được nấu từ bột gạo tẻ, hoặc gạo nếp, sau đó được quét lên giấy vẽ bằng một chiếc chổi lá thông sẽ để lại trên nền giấy những vệt màu không đều. Thậm chí có nhiều chỗ giấy không có màu. Vỏ điệp tự nhiên cho màu trắng với ánh lấp lánh của những mảnh điệp nhỏ dưới ánh sáng. Có thể nói trong tranh dân gian Đông Hồ, chỉ nguyên sự óng ả của nền điệp cũng đủ làm nên sự hấp dẫn, nếu điệp lại được lướt thêm một nước hòe, màu in lại được thay đổi màu một lần nữa, ngả sang màu óng ánh như màu tơ tằm, các màu hòa quyện với nhau tạo thành các màu kỳ diệu. Nền tranh Đông Hồ thường có ba màu: vàng chanh, trắng điệp và đỏ cam.

Bột Điệp làm nền tranh Đông Hồ

Bên cạnh đó, màu in cũng là một nét độc đáo trong quá trình sáng tạo. Tất cả màu đều được chế ra từ hoa, lá, quả, cây trong tự nhiên như màu đen lấy từ than xoan hay than lá tre; màu vàng lấy từ hoa hòe; màu xanh từ lá chàm, gỉ đồng.. Cách đặt tên màu cũng rất dân gian: màu đỏ được chế từ cây gỗ vang thì gọi là đỏ vang, màu đỏ mài từ son là đỏ son. Do đó chỉ cần đọc bảng màu tranh dân gian Đông Hồ ta sẽ biết được nguồn gốc của màu vẽ lên nó. Điều này phản ánh nét văn hoá làng xã, cuộc sống và tâm hồn gần gũi với thiên nhiên của con người Việt Nam.

In tranh Đông Hồ

Để có được tờ tranh, các nghệ nhân còn phải chế bản để in. Có hai loại bản khắc: khắc màu và khắc nét. Muốn có được bản khắc màu, người ta phải chọn loại gỗ thớ mềm, xốp và dễ hút màu. Các nghệ nhân làng Hồ thường chọn gỗ giổi, gỗ vàng tâm để làm bản khắc và in màu. Bản khắc nét phải được khắc trên loại gỗ bền, chắc, thớ dẻo, mịn như gỗ thị, gỗ mõ, gỗ lồng mực. Cách in tranh là lối in ván sấp và in theo dây chuyền. Mỗi người in một màu. Trong tranh có bao nhiêu màu thì phải có bấy nhiêu bản khắc màu và lần in. Cuối cùng và quan trọng là in nét. Nét in sẽ chặn các mảng.

Các bản in tranh Đông Hồ
Bố cục, mảng, nét, hòa sắc tranh dân gian Đông Hồ

Nếu hội họa phương Tây sử dụng phối cảnh không gian xa gần tạo ra bố cục theo quy luật thị giác của thì đối với tranh Đông Hồ thì lại rất khác, nó không có đường chân trời, không có tiền cảnh, hậu cảnh, không có chuyển sắc độ đậm nhạt v.v… mà chỉ có những mảng màu đơn sắc, được bao bằng đường viền thô, dứt khoát, các nhân vật được dàn lên hết mặt tranh. Bố cục của tranh thường được thể hiện đầy đủ, trọn vẹn theo lối vẽ “đơn tuyến bình đồ”, do đó xem tranh dân gian Đông Hồ ta thường bắt gặp cái thú vị ở những nét ngây ngô, đơn giản nhưng hợp lý hợp tình.

Làng tranh

Một nét độc đáo nữa trong tranh dân gian Đông Hồ, đó là bên cạnh các hình thể, trong tranh thường có chữ đề thơ, mảng chữ là một phần tạo nên sự chặt chẽ và hoàn chỉnh trong bố cục không gian của tranh bên cạnh việc thể hiện rõ ý tưởng về nội dung. Nét chữ cũng là nét vẽ trong tranh, hài hòa, ăn ý với nét vẽ ở các hình thể khác. Vì thế, trong tranh dân gian Đông Hồ, với chỉ vài nhân vật được tạo hình một cách đơn giản, không gian mang tính ước lệ cùng những chữ đề thơ nhưng người xem vẫn cảm nhận hết ý vị của tranh, dễ dàng nắm bắt được ý nghĩa cũng như tư tưởng mà nghệ nhân muốn truyền tải vào trong tác phẩm.

Ngày nay "nghề làm tranh dân gian Đông Hồ" đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và đang được lập hồ sơ trình UNESCO để xét tặng danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.

 

Ý nghĩa và triết lý trong một số tranh Đông Hồ

Bức tranh Ngũ Hổ

Tranh khai thác nét đẹp dũng mãnh, oai nghiêm từ những ánh mắt, chòm râu, vẻ mặt, cùng khí thế toàn thân đều toát lên sức sống mãnh liệt của loài chúa sơn lâm trong các tư thế hổ đứng, hổ ngồi, hổ cưỡi mây lướt gió… như các vị thần chuyên diệt trừ tà ma, điều xui xẻo.

Tranh Ngũ Hỗ

Tranh vẽ năm con hổ được bố cục chặc chẽ, cân đối trên mặt giấy. Màu sắc sử dụng trong tranh mang tính triết lý của học thuyết ngũ hành phương Đông: Bốn chú hổ ở bốn góc bố trí các màu trắng, đen, xanh, đỏ tượng trưng cho các hành Kim, Thuỷ, Mộc, Hỏa theo chiều tương khắc ngược kim đồng hồ theo thuyết Ngũ hành phương Đông. Chú hổ còn lại được bố trí ngay chính giữa tranh, được xử lý bằng gam màu vàng, là hành Thổ, tượng trưng cho mẹ của muôn loài.… tranh Đông Hồ thường sử dụng màu vàng làm nền, có ý nghĩa quan trọng trong tổng hòa quan hệ của bức tranh.

Bức tranh Lợn

Bức tranh diễn tả lợn mẹ và đàn lợn con trông thật sinh động, các nét cong của mông, lưng và đầu lợn con trông mềm mại và nhịp nhàng song không làm mất đi hình mảng cơ bản của nó. Để tăng thêm sự hài hòa, cân bằng của đường nét, trên mình lợn được điểm xuyết bởi các vòng xoáy âm dương, vừa khiến các mảng đỡ đặc, vừa thể hiện tính hài hòa trong trang trí. Lợn đàn – biểu hiện sự sinh sôi nảy nở – quy luật sinh tồn, tất thảy đều hoà hợp âm dương – đó là quy luật của cuộc sống.

Tranh Lợn - Đông Hồ

Triết lý âm dương được đúc kết từ xa xưa, qua trải nghiệm trong cuộc sống của xã hội phương Đông. Ban đầu là những khái niệm rất cụ thể: giống cái – âm, giống đực - dương, đất là âm (biểu tượng là hình vuông), trời là dương (biểu tượng là hình tròn), dần dần người ta đã suy ra nhiều cặp đối lập phổ biến khác: phía bắc, lạnh – thuộc âm, phía nam, nắng – thuộc dương; mùa đông – âm, mùa hạ – dương; đêm – âm, ngày – dương và còn rất nhiều cặp âm dương khác: mềm – cứng; tĩnh – động; chậm – nhanh; tối – sáng; đen – đỏ; thấp – cao… Nguyên lý âm dương có những quy luật cơ bản như:

  • Không có gì hoàn toàn âm hoặc hoàn toàn dương, trong âm có dương, trong dương có âm.
  • Âm và dương luôn gắn bó mật thiết với nhau, vận động và chuyển hoá cho nhau, âm phát triển đến cùng cực thì chuyển thành dương; dương phát triển đến cùng cực thì chuyển thành âm.

Tranh Lợn cũng chứa đựng ý nghĩa phồn thực. Phồn nghĩa là nhiều, thực là biểu hiện cho sự sinh sôi, nảy nở. Quan niệm về tín ngưỡng phồn thực vốn có mối gắn kết chặt chẽ với tín ngưỡng nông nghiệp, với ước vọng cầu được mưa thuận gió hòa, cơm no áo ấm từ ngàn đời của người dân, tín ngưỡng thể hiện niềm tin của con người trong nguyện cầu được sinh sôi nảy nở, phát triển giống nòi, ước mong được sản xuất phồn thịnh, mùa màng bội thu. Lợn được khai thác nét đẹp căng tròn, béo mũm mĩm, bầy đàn, đông đúc, sum vầy trong một bố cục hình chữ nhật chặt chẽ.

Bức tranh gà

Ở đây tranh gà cũng theo triết lý âm dương và tín ngưỡng phồn thực như tranh lợn như cách thể hiện hơi khác.

Tranh Gà - Đông Hồ

Gà mẹ và mười chú gà con được bố cục gọn ghẽ trong một hình chữ nhật nằm ngang, mỗi chú gà con một vẻ, con nào cũng nghịch - đang rỉa lông rỉa cánh hay đang nghỉ ngơi trên lưng mẹ – bỗng dỏng cổ sau tiếng cục cục của gà mẹ, hướng về phía con mồi của mẹ. Cái “động” của gà con kết hợp với cái “tĩnh” của gà mẹ, lại đặt trong cái tĩnh của hình chữ nhật. “Động” biểu thị  cho “dương”, “Tĩnh” biểu thị cho “âm”. Tông màu nóng (đỏ, vàng) là chủ đạo, khiến cho đàn gà thêm rực rỡ trong bầu trời tràn ngập nắng. Tranh khai thác cái đẹp sum vầy hạnh phúc

Bức tranh em bé ôm gà
Tranh Em bé ôm gà - Đông Hồ

Nhìn khuôn mặt bầu bĩnh, rạng rỡ của các em bé và con gà, con ngan béo mập, người xem đã hình dung ra cảnh được mùa, thóc đầy bồ, gà đầy sân của nhà nông. Mong tăng thêm hạnh phúc cho họ, tác giả đề chữ “Vinh hoa, phú quý”. Bé trai ôm con gà, bên cạnh là những bông cúc (kê – cúc) – ước nguyện  một tương lai vinh hiển sẽ đến.

Bức tranh Lý ngư vọng nguyệt

Vẻ đẹp toát lên ngay từ hình tượng độc đáo với một bố cục rất ấn tượng nhưng hài hòa và cân đối. Chính biểu tượng của bức tranh đã làm nên sự vi diệu, sâu lắng và sự minh triết trong bức tranh này. Con cá chép được tả tỉ mỉ, trau chuốt đến từng ô vảy cho thấy sự hoàn thiện về nhân cách và tài đức. Mặt trăng tròn vành vạnh biểu tượng của sự hoàn thiện, viên mãn đích thực, là mục đích vươn tới của đời người.

Lý Ngư Vọng Nguyệt

Theo văn hóa dân gian, cá chép là biểu tượng cho ý thức, nghị lực vươn lên trong cuộc sống, trong thi cử, là ước nguyện trong chốn quan trường với mong muốn "vượt vũ môn hóa rồng” (rồng là biểu tượng cho vua chúa).

Trăng là biểu tượng của trí tuệ (ánh sáng trong đêm). Trên thực tế, không có bóng trăng soi đáy nước, mà chỉ có bóng trăng soi mặt nước. Bóng trăng soi đáy nước trong tranh chỉ là một hình tượng qui ước. Hình tượng bóng trăng đáy nước là biểu tượng cho ảo ảnh của một giá trị đích thực của mặt trăng trên không gian. Hình tròn của mặt trăng là biểu tượng của sự hoàn thiện, viên mãn.

Con cá chép trong tranh lại không tìm về giá trị đích thực của mặt trăng trên cao, mà lại tìm những ảo ảnh của cuộc đời. Hàm ý của bức tranh muốn nhắn gửi “hãy tìm về sự hoàn thiện, viên mãn của con người”.

Hình Ảnh Ông Đồ Làng và Lý Ngư Vọng Nguyệt

Cá chép nhìn trăng dưới ao, quẫy đuôi vào ánh trăng thật. Lời chú của bức tranh "Lý ngư vọng nguyệt" (Cá chép trông trăng), thể hiện tính minh triết sâu sắc đã được khái quát thành triết lý sống cao đẹp. Trong tranh, ta thấy thấp thoáng hình ảnh của các nho sỹ ẩn dật, không màng công danh phú quý, trở về với làng quê, ruộng đồng. Đây là bức tranh đấu tranh sâu sắc nhất của người Việt Nam chống lại thế lực ngu dốt của triều đình phong kiến thời bấy giờ.

Tranh đánh ghen (Phong dao huê tình)

Dưới chế độ phong kiến, người phụ nữ phải tuân theo lễ giáo “tam tòng tứ đức”. Tứ đức gồm “công, dung, ngôn, hạnh” là một trong những nét đẹp của Nho giáo. Tam tòng là “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” (ở nhà theo cha, lấy chồng theo chồng, chồng chết theo con). Điều này thật lý tưởng với một người chồng mẫu mực, song trong thực tế cuộc sống lại có những ông chồng bê tha, đàn đúm. Bức tranh nói lên khát vọng và sự phản kháng của người phụ nữ dưới chế độ phong kiến Nho giáo nặng nề.

Yếu tố biếm họa thể hiện ở sự cường điệu hóa các hình thể và đường nét trong tranh, tạo nên sự sôi động, nét hài hước, vui nhộn trước một tình huống bi kịch gia đình. Xem “Đánh ghen”, ta thấy yếu tố tĩnh và động được kết hợp hài hòa, dù cái động có phần trội hơn. Những hình ảnh tĩnh trong tranh là hình tượng cây tùng, bức bình phong, tường hoa, cây cảnh…. đối lập là các hình tượng nhân vật rất động với dáng điệu quyết liệt trong sự giằng co giữa hai bà vợ mà hai nhân vật trung gian là ông chồng và đứa con.

Đánh Ghen - tranh Đông Hồ

Các hình ảnh được khắc họa một cách chắt lọc về đường nét, tỉ lệ hình ước lệ theo một sự hợp lý của bản năng nghệ thuật và cảm thức trong sáng, dí dỏm: bà vợ xắn váy quai cồng xông tới, cầm kéo đòi cắt tóc (theo tục xưa, bị cắt tóc là một hình phạt với phụ nữ lẳng lơ) cô nhân tình hớ hênh (ngực trần), thách thức, chanh chua. Ông chồng thì bị bắt quả tang rõ rành rành nhưng một tay vẫn đặt lên ngực cô nhân tình ra điều không chịu ăn năn hối lỗi, ôm cô nhân tình vào lòng để bảo vệ, còn tay kia thì để hòa hoãn với bà vợ, vừa như van nài qua 2 câu thơ đề phía trên: “Thôi thôi bớt giận làm lành - Chi đừng sinh sự, hại mình nhục ta”. Bên cạnh hình tượng các nhân vật và không gian ước lệ được hình tượng hóa gia cảnh của các nhân vật bằng các mảng tường hoa, bình phong... khiến người xem cảm nhận được cái dư vị bi hài muôn thuở của đời sống "chồng chung vợ chạ” thường xảy ra trong các gia đình khá giả.

Tranh Hứng dừa

Tranh thể hiện quan niệm về một gia đình hạnh phúc viên mãn của người dân quê Việt Nam gồm một vợ, một chồng cùng hai người con. Người chồng với công việc nguy hiểm và khó nhất là trèo cây hái dừa, thể hiện vai trò trụ cột trong gia đình, như người cha luôn dũng cảm vượt qua mọi thử thách bươn chải trèo tới đỉnh cao sự nghiệp, gặt hái tiền bạc danh vọng. Người vợ hứng dừa thể hiện vai trò hậu phương, luôn ở phía sau nâng đỡ chồng lúc cần thiết. Trong tranh người vợ không dùng tay hứng mà lại dùng váy làm cho khung cảnh có nét gì đó hài hước. Hai đứa con bấu chặt vào gốc cây như muốn chia sẻ nỗi vất vả hoặc quyết noi gương cha trèo lên vượt mọi hiểm nguy, làm rạng rỡ thêm truyền thống gia tộc.

Cái đẹp của một gia đình hạnh phúc được thể hiện may mắn đủ đầy. Một gia đình viên mãn của cái tam giác nhân quả: vợ - chồng - con cái trong một gia đình nề nếp, gia phong như thân cây dừa thẳng, vững chãi trong vẻ đẹp yên bình và thơ mộng của làng quê Đại Việt.

Hứng Dừa - Tranh Đông Hồ

Tác phẩm như nhấn mạnh gia đình là tế bào của xã hội, trong đó vợ chồng thương yêu giúp đỡ bao dung lẫn nhau, cùng nhau trồng cây phúc cho con cháu ăn quả... là mối quan hệ cơ bản trong đạo “Tam Cương” (vua tôi - cha con - chồng vợ). Xét hai mối quan hệ này thì quan hệ vợ chồng thuộc phạm trù nguyên nhân, quan hệ cha con thuộc phạm trù kết quả.

Tranh thể hiện một gia đình hạnh phúc với một vợ, một chồng cùng hai người con, và một cây dừa vút cao chắc chắn trong một bố cục chặt chẽ với hai câu thơ tham gia trong bố cục của tranh:

“Khen ai khéo dựng nên dừa,
Đấy trèo đây hứng cho vừa một đôi"

Tranh “Đám cưới chuột”

Bức tranh gồm hai mảng hình, mảng trên gồm 4 con chuột đang tiến đến trước mặt con mèo: con chuột già đi đầu, hai “tay" đưa chim bồ câu ra dâng lễ nhưng sợ rụt cả cổ, quặp cả đuôi, co rúm người lại. Con chuột già thứ hai tuy đầu có ngẩng cao hơn nhưng vẫn khom cong lưng, hai “tay” run run, móng vuốt lóng ngóng, làm tuột cả lễ vật cá chép là những thứ mà mèo ta rất thích. Con chuột thứ ba cũng là chuột già, thổi kèn, mắt vẫn liếc xem thái độ của mèo già. Con thứ tư là chuột non cũng thổi loại kèn sâu, còng lưng, khúm núm. Bốn con chuột ở hàng trên có hình dáng, đường nét và các mảng màu sắc khác nhau đã tạo nên một sự đa dạng cho người xem.

Những hàng chữ Hán được thêu ở phía trên, từ trái sang phải: Thủ thân (giữ thân), Lão thử (chuột già), Tác lạc (thổi kèn); giữa con chuột đi đầu và mèo có chữ cống Lễ (đem đồ biếu) phía góc phải là chữ Miêu (mèo) đã giúp cho người xem tranh biết rõ thêm là họ nhà chuột đem đồ cống lễ đến biếu mèo già. Góc phải là hình một con mèo già, thật lớn, ngồi chồm chỗm một phía, được phóng to lên vượt cả con ngựa ở góc phải phía dưới. Con mèo già độc ác được tạo bởi những đường cong vặn vẹo, lắt nhắt, giơ một "tay" trước như để giao tiếp, những nét, vẻ dáng mặt, chân và vuốt được khuếch đại làm nổi bật bản chất tâm địa độc ác với bộ điệu giả dạng nhân từ hiền lành.

Đám Cưới Chuột - Tranh Đông Hồ

Trong xã hội phong kiến suy đồi, nạn mua quan bán chức, tham ô trở thành tệ nạn trong hệ thống quan lại triều đình, đời sống người dân lao động vô cùng cực khổ, quanh năm làm ăn vất vả, muốn được yên thân phải đút lót bọn cường hào, quan lại.

Là một bức tranh có ý nghĩa châm biếm, đả kích sâu cay, chống lại những thói hư tật xấu trong nội bộ chính quyền xã hội đương thời. Ngày nào xã hội còn tham nhũng, ngày đó bức tranh dân gian Đông Hồ “Đám cưới chuột” vẫn còn giá trị nhân văn, hiện thực, giàu tính chiến đấu.


Nguồn: tiểu luận cao học "Mối Quan Hệ Văn Hóa - Mỹ Học - Mỹ Thuật Qua Dòng Tranh Dân Gian Đông Hồ"

No comments

Leave your comment

In reply to Some User

Các bài liên quan