Phần trước chúng ta nói về "thời kỳ hình thành cơ tầng văn hóa nghệ thuật bản địa", tức là thời tiền sử, tiếp ngay sau thời kỳ này là "Thời kỳ xác lập bản sắc văn hóa Việt ", là thời kỳ định hình bản sắc văn hóa việt nam trước khi có sự xâm lăng từ phương bắc.
Bản sắc văn hóa Việt Nam được xác lập thời sơ sử (2000 năm TCN) đến đầu CN, là cái cội rễ cá biệt cùng với những vẻ bên ngoài độc đáo về nền văn hóa của một dân tộc. Có thể hiểu bản sắc văn hóa là cái tự thân văn hóa của một dân tộc, tức là đặc tính riêng biệt của một nền văn hóa mà chính bản thân nền văn hóa ấy nhận ra hoặc các dân tộc khác đánh giá. Lãnh thổ Việt Nam lúc này tồn tại 3 trung tâm văn hóa lớn: Đông Sơn (miền Bắc), Sa huỳnh (miền Trung ) và Đồng Nai (miền Nam).
- Văn hóa Đông Sơn (bao gồm cả giai đoạn tiền Đông Sơn) được xem là cốt của người Việt cổ với nhà nước Văn Lang - Âu Lạc.
- Văn hóa Sa Huỳnh (bao gồm cả giai đoạn tiền Sa Huỳnh) được coi là tiền nhân tố của người Chăm và vương quốc Chăm Pa.
- Văn hóa Đồng Nai lại là một trong những cội nguồn hình thành văn hóa Óc Eo của cư dân thuộc nhóm Mã Lai, Đa Đảo sinh sống vào những thế kỷ sau công nguyên ở vùng Đông và Tây Nam Bộ (vương quốc Phù Nam).
VĂN HÓA ĐÔNG SƠN
Văn hoá Đông Sơn được đặt tên theo di tích khảo cổ Đông Sơn tìm được năm 1924 ở xã Đông Sơn thuộc vùng sông Mã, tỉnh Thanh Hoá, Việt Nam. Những cuộc khai quật Đông Sơn đầu tiên được tiến hành từ năm 1924 đến năm 1932 dưới sự điều khiển của L. Pajot, một viên chức thuế quan và cũng là người sưu tầm cổ vật ở Thanh Hoá. Công cuộc nghiên cứu khảo cổ học Việt Nam từ năm 1954 đến nay đã xác định được rõ ràng Văn hoá Đông Sơn là nền văn hoá thuộc sơ kỳ thời đại đồ sắt, tồn tại khoảng gần một thiên niên kỷ, từ thế kỷ VIII trước Công Nguyên đến thế kỷ thứ I sau Công Nguyên. Tuy nhiên ở nhiều nơi thuộc khu vực nền văn hoá này còn có thể kéo dài tới thế kỷ II - III sau Công Nguyên.
Thành tựu Mỹ thuật thời kỳ văn hoá Đông Sơn
Nhiều học giả thừa nhận: văn hóa Đông Sơn hình thành trực tiếp từ ba nền văn hóa ở lưu vực sông Hồng, sông Cả, sông Mã với các nền văn hóa Phùng Nguyên - Đồng Đậu - Gò Mun thuộc giai đoạn đồng thau từ khoảng 2000 đến 700 năm TCN. Vào khoảng thế kỷ VII TCN, các văn hóa bộ lạc mất dần tính địa phương, tiến tới chỗ hòa chung vào một văn hóa thống nhất - văn hóa Đông Sơn. Đó cũng là lúc các nhóm bộ lạc liên kết lại trong một quốc gia, hình thành nhà nước Văn Lang trên một vùng rộng lớn từ biên giới Việt - Trung cho đến bờ sông Gianh (Quảng Bỉnh). Đến khoảng 253 trước công nguyên, trên cơ sở những thành tựu của thời Văn Lang, vua An Dương Vương xây dựng nhà nước Âu Lạc, là một quốc gia hùng mạnh có nền văn hóa phát triển cao về vật chất và tinh thần ở Đông Nam Á Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun ⟶ Văn Hoá Đông Sơn, nước Văn Lang ⟶ nước Âu Lạc
các giai đoạn phát triển văn hóa thời Hùng Vương
1. Giai đoạn Phùng Nguyên (Kinh Kệ, Lâm Thao, Phú Thọ - khoảng nửa đầu thiên niên kỷ thứ hai TCN) Đây là sơ kỳ thời đại đồng thau.
Kỹ thuật làm đồ đá phát triển đến đỉnh cao, chủng loại phong phú
Đồ gốm: Bàn xoay đã được sử dụng khá rộng rãi, thành gốm mỏng, mặt ngoài thường tráng một lớp nước phủ nhẵn màu hồng xẫm, hồng nhạt hoặc nâu. Đồ đựng, đồ nấu có số lượng nhiều nhất. Được trang trí hoa văn phong phú. ngoài ra, có các loại khác như dọi xe sợi, đạn tròn, tượng gà, bò... Đặc biệt tìm thấy tượng người đàn ông tại Văn Điển bằng đá ngọc, cao 6 cm, thân thon dài, mặt trái xoan, mũi thẳng, mắt là hai lỗ nhỏ, hai tay tượng được lược bỏ, xong bộ phận sinh dục được nhấn mạnh.
2. Giai đoạn Đồng Đậu (Minh Tân, Yên Lạc, Vĩnh Phúc - thuộc nửa sau thiên niên kỷ thứ hai TCN) Thành tựu nổi bật là kỹ thuật luyện đúc hợp kim đồng thau đã phát triển, tạo ra nhiều đồ đồng phong phú với hình dáng tương đối ổn định và chất lượng khá cao. Như những loại rìu hình chữ nhật, giáo hình búp đa, dao phạng, bàn chải (dũa), mũi nhọn (mũi phóng), dao khắc, mũi tên, lưỡi câu, kim và dây nhỏ.
Về đồ đá, ngoài những kiểu loại hiện vật thường thấy trong giai đoạn Phùng Nguyên, xuất hiện một số dạng trang sức mới. Đó là các loại vòng tay cỡ lớn, những hoa tai có 4 núm, những hạt chuỗi hình gối quạ được làm rất chau chuốt, công phu. tỉ mỉ..
Đồ gốm đã cho thấy một phong cách mới xuất hiện với xương gốm tương đối dày, nặng, bớt cao, chiều ngang lớn dần cùng với những đường gãy góc ở cổ và thân tương đối rõ ràng. Những thể loại hoa văn men được vẽ bằng bút khắc vạch (nhiều đường song song) như kiểu làn sóng, kiểu hình sâu đo, hình dây thừng, hình chữ S nằm uốn lượn, nối tiếp hoặc lồng vào nhau, hình xoáy trôn ốc, hình tam giác, hình thoi, rẻ quạt....tạo cảm giác phóng khoáng, uyển chuyển. Đặc biệt xuất hiện nhiều tượng súc vật nhỏ bằng gốm (kích thước từ 4 đến 5 cm) như chim, gà, đầu bò sừng nhọn trên u đầu có khía nhiều vạch tượng trưng cho vết giáo đâm trong nghi lễ tế thần. 3. Giai đoạn Gò Mun (Tứ Xã, Phong Châu, Phú Thọ, tồn tại vào nửa đầu thiên niên kỷ thứ nhất TCN). Kỹ thuật luyện đúc hợp kim đồng thau đã khá phát triển, đã thấy xuất hiện các loại lưỡi hái, rìu hình lưỡi xéo, chứng tỏ công cụ bằng đồng đã được dùng trong sản xuất nông nghiệp.
Đáng chú ý ở di chỉ Vinh Quang (Hà Tâỵ) tìm thấy tượng người đàn ông ngồi bằng đồng, đầu chít khăn, hai tay bó gối và tượng gà trống bằng đồng rất sinh động.
Đồ gốm đã nung với độ lửa khá cao (trên 800 oC), nên thành gốm rắn chắc, mặt ngoài cùa thành gốm không nhẵn bóng, do có pha vào xương gốm những hạt đá được đập nhỏ. Đặc trưng kiểu dáng gốm Gò Mun là các loại đồ đựng, đồ nấu thường có miệng gãy gập ra phía ngoài, nằm ngang, rộng bản, mặt trên của miệng được trang trí hoa văn, chân đế thấp dần, đáy bằng, hình dáng thanh thoát, loại hình phong phú. Hoa văn trang trí tuy có khởi đầu từ các giai đoạn trước, nhưng đã được hình học hóa. Đã thấy xuất hiện hoa văn hình cá, chim và có thêm một số tượng thú vật khác như chó, đầu rùa.
4. Giai đoạn Đông Sơn (khoảng TK VII TCN đến đầu CN) Kỹ thuật đúc đồng, luyện kim đã đạt đến trình độ tinh xảo, điêu luyện. Ngoài những công cụ vũ khí, đồ trang sức, hiện vật nổi tiếng chính là những chiếc trống đồng, thạp đồng... Đồ gốm, tuy vẫn còn lưu giữ những truyền thống kỹ thuật xưa - nhưng đã cho thấy xuất hiện xu hướng thực dụng rõ rệt. Thời kỳ này đã phát minh và sử dụng đồ sắt với kỹ thuật đúc rèn khá phát triển.
Tiêu biểu nhất đồ đồng thau cùng với nghề đúc luyện đồng thau đã phát triển đến đỉnh cao. Trong hợp kim đồng có thiếc và chì, kỹ thuật khuôn và rót hoàn hảo cho phép sản xuất rộng rãi đồ ứng dụng, vũ khí và đồ nghi lễ. Trong sản xuất nông nghiệp (các loại lưỡi cày, cuốc, mai, thuổng....), trong thủ công nghiệp (đục bẹt, đục vũm, nạo, bàn chải, dao...), trong chiến đấu và săn bắn (các loại rìu chiến, dao găm, giáo, bủa, mũi tên, áo giáp che ngực...), trong sinh hoạt hàng ngày, trong nghi lễ, lễ hội (trống thạp, thố, bình, lọ, vòng đeo tay...) và rất nhiều đồ đồng minh khí.
Trống đồng loại 1, các loại thạp đồng là những loại di vật thể hiện một cách tập trung nhất, cao độ nhất trình độ luyện kim cũng như trình độ văn hóa và xã hội của người Đông Sơn. Bên cạnh đó, nhiều loại hình đồ đồng thau mới được xuất hiện và ổn định thành một bộ di vật rất điển hình, rất độc đáo, thể hiện một sắc thái riêng biệt của nền văn hóa dân tộc: đó là các loại rìu xẻo (hình bàn chân, hình hia, hình thuyền....), rìu xòe cân, rìu hình chữ nhật; các loại giáo (hình búp đa, hình lá mía, hình thoi...); đó là những loại lưỡi cày, hình cánh bướm, hình tam giác, hình trái tim,...
5 chặng đường Lsmt Việt Nam
Mỹ thuật thời kỳ hình thành cơ tầng văn hóa nghệ thuật bản địa (thời nguyên thủy) Mỹ thuật thời kỳ xác lập bản sắc văn hóa Việt (Đông Sơn - Sa Huỳnh - Đông Nam Bộ)- Mỹ thuật thời kỳ văn hoá Đông Sơn
- Các giai đoạn phát triển văn hóa thời Hùng Vương
- Phùng Nguyên ⟶ Đồng Đậu ⟶ Gò Mun ⟶ Đông Sơn
- Thành tựu mỹ thuật thời Hùng Vương
- Nhận xét chung về mỹ thuật thời Hùng Vuơng
- Đặc điểm mỹ thuật nền văn hóa Sa Huỳnh
- Đặc điểm mỹ thuật nền văn hóa Đông Nam Bộ
- Mỹ thuật thời Bắc thuộc
- Từ Sa Huỳnh đến Mỹ thuật Chăm Pa
- Mỹ thuật văn hoá Óc Eo (Phù nam)
- Mỹ thuật Thánh địa Cát Tiên
- Mỹ thuật các đời phong kiến Ngô, Đinh, Tiền Lê (938 -1009)
- Mỹ thuật thời Lý
- Mỹ thuật thời Trần (1226 -1400), thời Hồ (1400-1407)
- Mỹ thuật thời Lê sơ (1427-1525)
- Mỹ thuật thời Mạc (thế kỷ XVI)
- Mỹ thuật thế kỷ XVII-XVIII (thời vua Lê chúa Trịnh, Trịnh - Nguyễn phân tranh và Tây Sơn)
- Mỹ thuật thời Nguyễn
- Sự hình thành và phát triển mỹ thuật Việt Nam hiện đại
- Mỹ thuật Việt Nam hiện đại từ 1925 - 1945
- Mỹ thuật Việt Nam hiện đại 1945-1975
- Mỹ thuật giai đoạn kháng chiến chống Pháp 1945 -1954
- Mỹ thuật giai đoạn 1954-1975
- Mỹ thuật Việt Nam hiện đại từ năm 1975 đến nay
- Mỹ thuật Việt Nam hiện đại giai đoạn 1975-1985
- Mỹ thuật Việt Nam hiện đại từ 1986 đến nay