Nhắc lại là sau thời kỳ đồ đá, trên lãnh thổ Việt Nam có 3 trung tâm văn hoá lớn, cũng là 3 trung tâm văn hóa đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, là Đông Sơn (miền bắc), Sa Huỳnh (miền Trung) và Đồng Nai ở miền nam ở giai đoạn từ 2000 năm TCN đến đầu CN.

Chúng ta đã có dịp tìm hiểu qua nền văn hoá Đông Sơn, Tiền Đông Sơn và mỹ thuật Hùng Vương trong MTVN 2 và 3, trong bài này chúng ta sẽ cùng đến với  văn hoá Sa Huỳnh, là tiền thân của nền văn hoá Chămpa ở khu vực miền trung Việt Nam về sau. Văn hóa Sa Huỳnh có lẽ đã tồn tại hơn 5.000 năm kéo dài từ hậu kỳ thời đại đồ đá mới cho đến đầu thời đại đồ sắt có địa bàn trải dài trên các tỉnh từ Quảng Bình đến Phú Yên, thuộc nguồn gốc văn minh lúa nước Đông Nam Á.

Sơ lược các giai đoạn trước văn hoá Sa Huỳnh

  • Thời kỳ Đồ Đá củ - Paleolithic
    • 20,000–12,000 BC - Văn hoá Sơn Vi
  • Thời kỳ Đồ Đá giữa - Mesolithic
    • 12,000–10,000 BC - Văn hoá Hòa Bình
  • Thời kỳ Đồ Đá mới - Neolithic
    • 10,000–8,000 BC - Văn hoá Bắc Sơn
    •  8,000–6,000 BC- Văn hoá Quỳnh Văn
    • 4,000–3,000 BC - Văn hoá Đa Bút
  • Thời kỳ đồ đồng - Bronze Age
    • 2,000–1,500 BC - Văn hoá Phùng Nguyên
    • 1,500–1,000 BC - Văn hoá Đồng Đậu
    • 1,000–800 BC - Văn hoá Gò Mun
    • 1,000 BC–100 AD - Văn hoá Đông Sơn
  • Thời kỳ đồ sắt - Iron Age
    • 1,000 BC–200 AD - Văn hoá Sa Huỳnh
    • 1–630 AD - Văn hoá Óc Eo

Bối cảnh phát hiện

Văn Hoá Sa Huỳnh được nhà khảo cổ ng­ười Pháp M. Vinet phát hiện lần đầu tiên vào năm 1909 là một bãi mộ chum khoảng 200 chiếc nằm cách mặt đất không sâu bên đầm An Khê ở Sa Huỳnh, Quảng Ngãi. Di tích khảo cổ đầu tiên này được đăng trên tập san Trường Viễn đông Bác Cổ (EFEO - École française d'Extrême-Orient) với tên gọi là Dépot à Jarres Sa Huỳnh (nghĩa là Kho chum Sa Huỳnh). Kể từ đó, hàng trăm di chỉ của nền văn hóa này đã được tìm thấy khắp các tỉnh ven biển miền Trung từ Quảng Bình đến Bình Thuận và lan cả sang một số địa bàn lân cận.

Tuy nhiên, phải đến năm 1923, những cuộc khai quật mới được tiến hành trên một địa bàn rộng lớn, dọc duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ mà nhiều nhất là Quảng Ngãi ở các địa điểm Gò Ma Vương (Đức Phổ) năm 1976, xóm Ốc (Lý Sơn) năm 1997, suối Chình (Lý Sơn) năm 2000, Bình Đông (Bình Sơn) năm 2005 và tại xã Đức Thắng (Mộ Đức) năm 2009.

Mới đây nhất là cuộc khai quật khảo cổ ở di tích Bãi Cọi (Hà Tĩnh) vào cuối năm 2008 đầu 2009 đã phát hiện những hiện vật đặc trưng của văn hóa Sa Huỳnh như khuyên tai hai đầu thú, mộ bình, mộ nồi chôn đứng, mộ chum... và rất nhiều hiện vật gốm như chum, vò, bát bồng, nắp nón cụt, khuyên tai ba mấu bằng thuỷ tinh và đất nung... Chum chủ yếu có nắp hình chóp cụt hoặc hình nón và có đáy bằng hoặc đáy nhọn, và tùy vào đối tượng mộ táng mà chum có kích thước khác nhau, chủ yếu cao 1m8 và đường kính 50-60cm.

4 mộ chum ở huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) được phục chế từ 2000 mảnh gốm vỡ .

Đặc điểm mỹ thuật  trong nền văn hoá Sa Huỳnh

Xuất hiện cách nay khoảng 3.000 năm và kết thúc vào thế kỷ thứ 1, cư dân văn hóa Sa Huỳnh có kỹ thuật chế tạo đồ sắt khá độc đáo là sử dụng phương pháp rèn (thay vì phương pháp đúc như cư dân Đông Sơn ở ngoài Bắc) với nhiều chủng loại như lao, giáo, kiếm ngắn, mai, liềm, dao và đồ trang sức. công cụ phổ biến nhất là những lưỡi cuốc sắt có họng tra cán, bản lưỡi hình tam giác với các độ xòe khác nhau. Ngoài ra còn phổ biến loại công cụ gọi là dao rựa.

Đồ đồng tuy số lượng không nhiều như ở Đông Sơn hay Dốc Chùa (văn hóa Đồng Nai) nhưng cũng có những nét riêng độc đáo, tập trung bộ di vật Phú Hòa (Quảng Nam-Đà Nẵng) và Bàu Hòe (Bình Thuận).

Nghề gốm cũng rất phát triển, gốm đẹp nhất là gốm Long Trạch, Bàu Trám, sự thống nhất trong phong cách địa phương độc đáo thể hiện ở cách dùng những quan tài gốm là những chiếc nồi hình cầu, những chiếc chum hay vò hình trứng, bình lọ có vai hơi gãy. Hoa văn trang trí thường là văn thừng, văn răng sói hay tam giác đối đỉnh.

Mộ Chum hình trứng và mộ nồi chôn đứng

 

Bình con tiện và hoa văn trang trí trên bình tìm thấy tại khu di tích Bãi Cọi (Hà Tĩnh)

Cư dân Sa Huỳnh có khiếu thẩm mỹ cao, rất khéo tay, rất ưa đồ trang sức. Ngoài đồ trang sức bằng đá, sắt, đồng thì đồ trang sức bằng thủy tinh có số lượng nhiều và loại hình phong phú nhất. Đặc biệt khuyên tai hai đầu thú là một chế phẩm Sa Huỳnh đặc thù, không nơi nào trong nước cũng như ở Đông Nam Á tìm thấy nhiều loại khuyên này. Đặc biệt sự tương đồng trong phong cách thiết kế gốm giữa miền trung Việt Nam và miền trung Philippines (mà ông gọi là truyền thống Sa Huynh-Kala-nay) được ghi nhận.

Khuyên tai 2 đầu Thú - bicephalic earrings
Khuyên tai 3 chấu
Đồ trang sức bằng thuỷ tinh - nephrite

Như vậy không gian văn hoá Sa Huỳnh mở rộng từ vùng Quảng Bình – nơi tiếp xúc với văn hoá Đông Sơn kéo dài đến vùng Ninh Thuận, Bình Thuận- nơi tiếp xúc với văn hoá thời đại kim khí Đông Nam Bộ; đồng thời còn mở rộng không gian từ vùng trung du miền núi đến các đảo gần bờ. Văn hóa Sa Huỳnh có đặc điểm văn hóa thời đại Đồng Thau rất đặc trưng với phong cách riêng thể hiện qua các hiện vật như rìu, dao và đồ trang sức. Việc định tuổi theo phương pháp phóng xạ carbon đã xếp văn hóa Sa Huỳnh đồng thời với văn hóa Đông Sơn, tức khoảng thiên niên kỷ thứ nhất trước Công nguyên. Những nhóm cư dân liên hệ với văn hóa Sa Huỳnh là những tộc người từ Nam Đảo ở biển và ven biển thuộc ngữ hệ Malayo – Polynesien và từ Nam Á ở đồi núi và rừng thuộc ngữ hệ  Môn- Khmer  từ sau thời kỳ đá mới sang thời kỳ sơ kim khí. Qua đó có thể thấy chủ nhân văn hóa Sa Huỳnh nói tiếng ngữ hệ Malayo – Polynesien pha trộn ngữ hệ  Môn- Khmer. Về sinh hoạt kinh tế,  họ đã biết sử dụng các công cụ, đồ trang sức, vũ khí bằng đá, xương động vật, thủy tinh, mã não, gốm…, kể cả các công cụ bằng đồng thau và sắt sớm; biết đánh cá để làm thức ăn, biết làm đẹp cho mình bằng những vật trang sức phong phú, chú ý tạo dáng cho các vật dụng, sáng tạo nhiều dạng hoa văn độc đáo, giàu tính thẩm mỹ, đặc biệt là trên đồ gốm.

5 chặng đường Lsmt Việt Nam
Mỹ thuật thời kỳ hình thành cơ tầng văn hóa nghệ thuật bản địa (thời nguyên thủy) Mỹ thuật thời kỳ xác lập bản sắc văn hóa Việt (Đông Sơn - Sa Huỳnh - Đông Nam Bộ) Thời kỳ giao lưu văn hoá hình thành văn hoá truyền thống Việt Nam
  • Mỹ thuật thời Bắc thuộc
  • Từ Sa Huỳnh đến Mỹ thuật Chăm Pa
  • Mỹ thuật văn hoá Óc Eo (Phù nam)
  • Mỹ thuật Thánh địa Cát Tiên
Mỹ thuật thời kỳ văn hoá Đại Việt (938 - cuốiTK XIX)
  • Mỹ thuật các đời phong kiến Ngô, Đinh, Tiền Lê (938 -1009)
  • Mỹ thuật thời Lý
  • Mỹ thuật thời Trần (1226 -1400), thời Hồ (1400-1407)
  • Mỹ thuật thời Lê sơ (1427-1525)
  • Mỹ thuật thời Mạc (thế kỷ XVI)
  • Mỹ thuật thế kỷ XVII-XVIII (thời vua Lê chúa Trịnh, Trịnh - Nguyễn phân tranh và Tây Sơn)
  • Mỹ thuật thời Nguyễn
Mỹ thuật Việt Nam hiện đại
  • Sự hình thành và phát triển mỹ thuật Việt Nam hiện đại
  • Mỹ thuật Việt Nam hiện đại từ 1925 - 1945
  • Mỹ thuật Việt Nam hiện đại 1945-1975
  • Mỹ thuật giai đoạn kháng chiến chống Pháp 1945 -1954
  • Mỹ thuật giai đoạn 1954-1975
  • Mỹ thuật Việt Nam hiện đại từ năm 1975 đến nay
    • Mỹ thuật Việt Nam hiện đại giai đoạn 1975-1985
    • Mỹ thuật Việt Nam hiện đại từ 1986 đến nay

Nguồn: http://baoquangngai.vn/channel/2028/200907/van-hoa-sa-huynh-dong-chay-100-nam-1712972/ http://baothainguyen.vn/trang-in-48906.html https://sachgiai.com/Ngoai-khoa/Vai-net-ve-van-hoa-Sa-Huynh-2719.html https://www.tienphong.vn/cong-nghe/giai-ma-bi-an-cua-mo-chum-sa-huynh-nghin-nam-903228.tpo http://baotanglichsu.vn/vi/Articles/3099/14802/di-tich-bai-coi-nghi-xuan-ha-tinh-noi-hoi-tu-cac-nen-van-hoa-co.html https://tago.vn/dia-danh-du-lich/3867-bao-tang-van-hoa-sa-huynh.html

No comments

Leave your comment

In reply to Some User

Các bài liên quan