Nếu lần nào bạn gặp đâu đó một bia mộ với dòng chữ "OSHO - Kẻ không sinh không diệt
chỉ ghé thăm trái đất  từ ngày 11/12/1931 đến ngày 19/01/1990" thì bạn đang đối diện với một nhân vật bí ẩn nhất của TK 20.

Kẻ không sinh không diệt
chỉ ghé thăm hành tinh trái đất này
từ ngày 11/12/1931 đến ngày 19/01/1990

Tên thật của ông là Rajneesh Chandra Mohan Jain. Khoảng trong thập kỷ 70 người ta biết đến ông với tên Bhagwan Shree Rajneesh. Tháng 2 năm 1989, ông tự đổi tên là Osho. Osho vốn là danh xưng tiếng Nhật Bản cổ, có nghĩa là “đạo sư” của một dòng Thiền. Osho để lại một số lượng tác phẩm đồ sộ với hàng trăm cuốn sách và vô số các bài thuyết giảng. Ông là một người gây nên rất nhiều tranh cãi trong số những ai quan tâm đến triết học phương Đông, trong giới những người tầm cầu tôn giáo và đạo sư. Có thể nói, ông là một trong những người gây phân hoá cùng cực nhất về mặt đạo lý, nhưng cũng là người có sức thu hút mạnh mẽ nhất trong các bài giảng về tôn giáo và triết học. Nhưng có lẽ điều này nằm trong ý đồ đích thực của một con người “nổi loạn” như ông.

Osho (1931-1990) là một vị đạo sư hết sức kỳ lạ của thế kỷ hai mươi.

Nhân cách của Osho có một sức thu hút mãnh liệt, nó biểu hiện trong những bài luận giải xuất chúng của ông về mọi vấn đề tôn giáo và triết học, kể cả về các bộ kinh lâu đời nhất mà nhiều vị luận sư đã dày công trình bày. Những ai đã gặp ông đều thừa nhận Osho có một tài hùng biện đầy ma lực, một sự hấp dẫn cá nhân mà người nghe hầu như không thể cưỡng lại. Song song với những công trình luận giải vĩ đại đó thì tập thể quần chúng và đệ tử do ông hướng dẫn lại gây nên rất nhiều tai tiếng, thậm chí có kẻ trở thành tội phạm.

Sự thật về con người Osho nằm ở đâu? Thiết nghĩ khó có ai trả lời được và điều này có thể cũng lại nằm trong chủ đích của chính ông. Trước hết, trong những năm 60, Osho là giáo sư triết học tại đại học Jabalpur, Ấn Độ. Về bản thể luận, ông là người có một quan niệm Nhất thể (Monism) về vũ trụ. Đối với ông, Thượng đế nằm trong mọi vật, nằm trong mọi con người. Không hề có sự phân biệt nào giữa “Thượng đế” và “phi Thượng đế”. Toàn thể mọi con người, dù là người tồi tệ nhất, đều thiêng liêng cả. Mọi dạng xuất hiện của một thứ năng lượng mang tên là “Thượng đế” đối với ông đều đáng ngưỡng mộ và điều này sẽ thể hiện trong quan niệm hành trì mà ông muốn truyền bá.

Đối với đời người, Osho cho rằng giá trị cao cả nhất của cuộc đời là lòng yêu thương, sự vui cười và thiền định. Niềm ân thưởng vô giá nhất của cuộc đời là trải nghiệm được sự giác ngộ tâm linh (spiritual enlightenment). Sự giác ngộ đó được ông miêu tả là “nằm yên trong trạng thái bình thường của sự hiện hữu của tất cả mọi vật đang dựng xây vũ trụ”. Con người chúng ta lẽ ra ai cũng có thể trải nghiệm được trạng thái giác ngộ đó, nhưng sự thực là con người bị đánh lạc hướng do hoạt động tư duy cũng như do mong ước và dục vọng sinh ra bởi sự ràng buộc của xã hội. Vì thế, thay vì hưởng được niềm vui cao cả của sự hữu hiện, con người rơi vào một tình trạng của sợ hãi và ức chế. Ông quan niệm rằng, muốn trở lại trạng thái hồn nhiên và an lạc, con người phải tự mình giải thoát khỏi sợ hãi và ức chế.

Với nhận thức này, Osho hoàn toàn nằm trọn vẹn trong truyền thống của triết học Ấn Độ, nhất là trong Đại thừa Phật giáo. Nếu nhớ đến tư tưởng của Mã Minh trong Đại thừa khởi tín luận, hay Thiền ngữ “Tâm bình thường là đạo” của Nam Tuyền, hay các phép hành trì của Phật giáo Tây Tạng, hay tư tưởng của các vị đạo sư của thời hiện đại như Aurobindo hoặc Krishnamurti, ta dễ dàng thấy sự trùng hợp tuyệt đối về nhận thức luận giữa ông và các truyền thống đó. Chỉ có điều khác biệt là, Osho nói về các nhận thức này một cách hùng biện và mới mẻ. Nhất là với tính cách của một giáo sư triết học, trong các luận giải, ông phối hợp một cách tài tình những truyền thống của Phật giáo, Kỳ-na giáo (Jainism), Ấn Độ giáo, Lão giáo, Cơ-đốc giáo, Sufism (một truyền thống của Hồi giáo), và triết học cổ của Hy Lạp. Thế nhưng, cũng như mọi nhà đạo học khác, ông không quên chỉ rõ, không một nền triết học nào có thể diễn bày được chân lý, có thể thay thế được sự chứng thực cá nhân.

Do đó sự trải nghiệm, sự chứng thực của trạng thái giác ngộ là cốt tuỷ của mọi sự. Ông tự nhận mình đã đạt trạng thái này năm 21 tuổi. Phương pháp khả dĩ đưa đến giác ngộ là phép thiền định. Nhưng thiền định là gì và hành trì thiền định như thế nào? Theo Osho thiền định là một trạng thái “nằm ngoài tâm”. Thiền định không phải là sự tập trung. Thiền định không hề là một dạng của sự tư duy có tính tâm linh mà là một tình trạng vắng bặt tư duy. Mọi triết lý về thiền định có thể ví như to tiếng bàn luận về sự lặng yên, còn thiền định là bản thân sự lặng yên. Đó là một tình trạng có thể xảy ra bất chợt, một tình trạng mà ta có thể ở trong đó, chứ không phải là một sản phẩm do ta tạo ra. Quan niệm này về thiền của Osho không hề khác với các phát biểu xưa nay của các vị Thiền sư của miền Đông Á, trong đó có Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam. Nhưng cách hành trì thiền định do Osho đề ra thì khác hẳn.

Osho cho rằng con người hiện đại, nhất là người phương Tây rất khó áp dụng phép toạ thiền, tìm sự an tĩnh và ngưng bặt tư tưởng bằng cách ngồi yên. Vì thế ông đề xuất những phép thiền tích cực (Active Meditation) và cho rằng những phép hành trì của thiền tích cực sẽ đưa con người vào trạng thái thiền định một cách tự nhiên. Nội dung của các phép thiền tích cực này là cho phép con người rũ bỏ những gì ức chế mình bằng cách để cho chúng được thể hiện một cách tự nhiên. Trong các phép thiền tích cực do Osho đề ra, ta có thể kể phép thiền năng động (Dynamic Meditation), thiền Kundalini, Nadabrahma, Natajai, trong đó phép thiền năng động được chú ý nhiều nhất. Trong phép thiền năng động, thường thường thiền sinh bắt đầu với những hoạt động mạnh mẽ về thể chất, sau đó là sự lặng yên và cử hành tế lễ. Phép thiền này tin rằng, qua đó con người sẽ vượt thắng sự sợ hãi, giảm bỏ sự ức chế, phát sinh được một dạng của Không tính (state of emptiness) và đạt giác ngộ. Đối với Osho, muốn đối trị sự ức chế nào ta phải kích động nó lên, nếm trải, chứng nghiệm nó và cuối cùng trực nhận nó chỉ là “không” thì mới thực sự siêu việt được nó. Theo ông một con người giác ngộ sẽ là “phi quá khứ, phi tương lai, không ràng buộc, không tâm thức, vô ngã, vô bản chất”.

Đó là những nét cơ bản về quan niệm của Osho về phép hành thiền. Thật ra thì phương pháp chủ động kích thích dục vọng của con người lên để chứng nghiệm, quán chiếu và siêu việt chúng không phải là một điều gì mới lạ. Trong truyền thống Ấn Độ, người ta vẫn còn nhắc đến 84 vị Đại Thành tựu giả (Mahasiddha), các vị được xem là sống trong khoảng thế kỷ thứ 8 đến thứ 12 sau công nguyên [1] . Đó là các vị hành giả lòng còn chất chứa đầy các loại dục vọng khác nhau, nhưng nhờ biết cách quán chiếu chúng, biết chúng chẳng qua đều là những dạng của Không tính mà đạt được thành tựu. Đọc tiểu sử các vị đó, ta sẽ thấy đó toàn là những người mang đầy thói hư tật xấu, thậm chí có kẻ là người chuyên đánh bạc hay ăn trộm, nhất là có rất nhiều vị đam mê tình dục. Thế nhưng, nhờ một cách hành trì thiền định, trong đó họ quán tưởng “đối tượng đam mê” và “người đam mê” đều chỉ là những dạng của “Không”, họ đạt giác ngộ ngay trong đời này. Các vị đó là những người tiên phong của một truyền thống được mệnh danh là Kim cương thừa. Trong thời đại gần đây hơn, các vị tu sĩ trong truyền thống Kim cương thừa của Tây Tạng cũng là những người chủ trương “chuyển hoá” năng lực của dục vọng thành động lực của sự giác ngộ. Thậm chí trong nền phân tâm học hiện đại của phương Tây người ta cũng biết đến phép chữa bệnh Gestalt Therapy, trong đó bệnh nhân được khuyến khích hãy sống thực với nền tảng tâm lý của mình, hãy tận lực khóc cười hay la hét với những ức chế của mình với mục đích giải thoát ra khỏi sự đè nén của chúng.

Dĩ nhiên phương pháp của Osho có một tầm cỡ hoàn toàn khác so với phép chữa bệnh tâm lý nói trên, vì ở đây nó có tính chất tôn giáo cao độ. Còn so với các truyền thống xưa thì điều kỳ lạ là ông dám đem ra áp dụng cho quảng đại quần chúng. Ở đây ta dễ dàng đoán biết điều gì sẽ xảy ra. Đó là khi con người bình thường được khuyến khích chủ động cho những ức chế của mình được vận hành thì một năng lực thuộc về bản năng sẽ vùng dậy, đó là tình dục.

Osho vốn là một con người “nổi loạn”, luôn luôn chống lại qui tắc của xã hội. Không những ông không hề sợ bị xã hội lên án, xưa nay ông chuyên khiêu khích sự ổn định của một định chế có sẵn, kể cả một nền đạo lý chung của con người. Nhất quán với quan niệm thiền định tích cực của mình, khoảng cuối những năm 60, ông bắt đầu thuyết giảng một số bài về tình dục, được ghi lại dưới nhan đề Từ tình dục đến ý thức siêu việt (From Sex to Superconsciouness), trong đó ông cho rằng “đối với phép Tantra thì mọi thứ đều thiêng liêng, không có gì không thiêng liêng” và mọi sự đè nén tình dục đều là sự tự huỷ vì người ta không thể chuyển hoá tình dục nếu không nếm trải nó “một cách đích thực và đầy ý thức”. Quả thực, trong phong trào của ông, môn đệ của ông thực hành lời dạy này một cách đầy hoan lạc. Liệu hành động của họ là “đích thực và đầy ý thức” như ông giảng giải, là một vấn đề khác. Thật ra phần nói về tình dục chỉ là phần nhỏ trong cuộc đời thuyết giảng của ông nhưng kể từ đó người ta gọi ông là “đạo sư tình dục” (sex-guru) và gọi chủ trương của ông là “tự do tình dục”.

Trên quan niệm đạo học phương Đông, tình dục là một dạng vận hành của năng lượng. Năng lượng hàm chứa trong con người biểu hiện dưới nhiều dạng của ái dục mà dạng ái dục quan trọng nhất là hữu ái (bhavatrsna), tức là sự khao khát được tồn tại. Trong sự khao khát đó thì tình dục là dạng ái dục cụ thể nhất, mang nặng tính vật chất nhất. Tình dục do đó là bản năng cơ bản nhất của mọi loài, nó không dính líu gì đến các giá trị do xã hội loài người đặt ra như thiện-ác, xấu-tốt, phải-trái. Sở dĩ tình dục hay bị lên án là vì mọi hoạt động xuất phát từ nó thường sinh ra những hậu quả phiền toái cho đời sống xã hội của con người. Cũng chính vì thế mà con người thường bị ức chế về tình dục, tuy luôn luôn nhớ nghĩ về nó nhưng cũng luôn luôn phải đè nén nó. Do đó tình dục là một trong những ức chế lớn nhất của con người, thật ra là ức chế chủ yếu của đời làm người. Nền tâm lý học phương Tây cũng đã có những phát hiện tương tự.

Vì vậy khi Osho chủ trương con đường giải thoát là phải đối diện, nếm trải mọi năng lực bị ức chế để có thể siêu việt và chuyển hoá chúng, thật ra ông không thể không nói đến tình dục, nếu ông thật sự nhất quán với chính mình. Và thực ra mỗi kẻ tầm đạo, một khi đã đi vào con đường tích cực và chuyển hoá, cũng phải tìm cho mình một phương thức riêng để chuyển hoá năng lực của tình dục. Đó là một con đường chứa nhiều hiểm nguy. Nhưng muốn “chuyển hoá” thì đó là con đường không thể tránh né, cũng như hoa sen không thể toả hương thơm nếu không bám chặt vào bùn đất để rút tỉa tinh hoa của năng lực nằm trong bóng tối. Và đó chính là con đường Kim cương thừa mà từ thế kỷ thứ 8, con người đã thực hành để đạt đến sự thành tựu.

Osho chỉ là người muốn thực hiện rộng rãi Kim cương thừa trong thế kỷ 20 tại phương Tây, nhưng có lẽ ông đã phạm một sai lầm. Đó là Kim cương thừa chỉ dành cho những bậc thượng căn, không phải cho quần chúng. Nếu Osho nghe những lời này, hẳn ông sẽ nói “tất cả là thượng căn” vì ông quan niệm ai cũng là Thượng đế cả, không có gì là không thiêng liêng.

Chúng ta sẽ không ngạc nhiên về câu trả lời của một người được mệnh danh là “nổi loạn” như ông, nhưng những gì ông hứng chịu trong cuối đời do chính đệ tử của ông gây ra cho thấy nhiều học trò của ông xem ra không hề “thiêng liêng” gì cả. Phần lớn môn đệ của ông tìm đến vì tò mò, không ít người phản bội ông, làm giàu trên lòng tin ngây thơ của người khác. Trong quá khứ người ta cũng chỉ biết vỏn vẹn có 84 vị Thành tựu giả trong số hàng triệu người tu học tại Ấn Độ thì tại sao ngày nay lại có thể khác. Hơn thế nữa, con người của thời đại này lại càng vô cùng khó khăn hơn nữa khi muốn chuyển hoá một năng lực gắn liền với thân vật chất để thăng hoa, tiến gần với cái thiêng liêng. Thời đại này là kỷ nguyên của chủ nghĩa duy vật, những người tưởng như muốn tìm đến cái thiêng liêng thực chất cũng là môn đệ của chủ nghĩa duy vật tâm linh (spiritual materialism) như Chogyam Trungpa đã nói. Thời nào cũng thế, con người chỉ thấy những gì họ muốn thấy, chỉ tìm những gì họ khao khát. Vì thế khi ông đã lỡ nổi danh là một “sex-guru”, ta có thể đoán biết thành phần và mục đích của những người hướng về ông. Quả thực sau khi ông mất, không có ai đủ sức trình bày một bài thuyết giảng cho xứng đáng là người đã từng theo học với ông.

Ông mất đi trong sự tan rã của phong trào theo học giáo phái Osho, nhưng có lẽ một con người như ông không có gì để tiếc nuối vì như ông nói, ông “chỉ là một đám mây”, đến chơi với trần thế trong một thời gian ngắn ngủi. Thế nhưng, hơn 15 năm sau ngày ông mất, người ta vẫn tìm đọc Osho vì trong sách báo của ông để lại, quả thực có một điều gì có giá trị nội tại, quả thật đây là những lời nói của một con người phi thường. Nhưng mặt khác, người ta cũng thấy phương pháp thiền định của ông không phải dành cho tất cả mọi người. Nếu xét Kim cương thừa và những vị tu sĩ cao cấp đã tu luyện theo phép này, người ta phát hiện lại một câu nói giản đơn của một người hẳn đã biết mức độ chọn lọc đối với người hành giả có thể theo học phép tu này. “Chỉ những ai đã xả bỏ tâm phân biệt, những ai mà đối với họ một đĩa thực phẩm sang trọng và một đĩa phân là như nhau, thì kẻ đó mới được theo học Kim cương thừa”. Đó là lời của Đạt-lai Lạt-ma thứ V (1617-1682). Các đệ tử của Osho không hề là những người như thế. Một số đến với ông vì tính cách nổi loạn như ông nhưng một cái khác thì họ không có, một số khác vì tò mò, vì thất bại, vì ưu phiền cá nhân. Dĩ nhiên, nếu thảng có ai trong số đó đã đạt giác ngộ như ông thì điều đó chúng ta không bao giờ biết.

Chỉ Osho mới biết mình thành công hay thất bại, nhưng ông lại không màng đến nó. Ông chỉ thấy phải nói phải làm những cái đáng nói đáng làm. Nếu đọc cuốn sách này, ta sẽ biết tính khí của ông và đoán có thể tất cả đều nằm trong chủ đích của ông. Có thể ông đã thấy rõ đời mình phải làm ầm ĩ lên như một người điên thì mọi người mới chịu chú ý nghe những gì mình nói, nếu không tất cả sẽ chìm trong quên lãng trong một thế giới quá nhiều thông tin. Và tác phẩm đang nằm trong tay bạn đọc có lẽ đang chứng minh điều đó.

[1] Xem Keith Dowman, Master of Mahamudra, Songs and histories of Eightyfour buddhist Siddhas, NY 1985.

Dưới đây là đoạn phỏng vấn ông về cái chết

Ngài có biết rằng ngài sẽ sống dưới một hình thức nào đó ngoài cuộc sống này?
Vô hình tướng. Tôi sẽ sống mà không có hình thức.

Luôn luôn?
Luôn luôn. Tôi đã ở đây mãi mãi và tôi sẽ ở đây mãi mãi.

Bạn sẽ có ý thức ngoài cái chết?
Vâng, bởi vì cái chết không liên quan gì đến ý thức.

Bạn sẽ có danh tính ngoài cái chết?
Không có danh tính


Nguồn: https://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/osho_la_ai.html
https://www.quora.com/What-were-Oshos-last-words

No comments

Leave your comment

In reply to Some User

Các bài liên quan