Chúng ta thường nghĩ ích kỷ là một tính xấu. Nhưng ích kỷ đôi khi thực sự có ích trong một số tình huống để bảo vệ quyền tự do của cá nhân.
Ai đó có thể nói bạn ích kỷ khi bạn lên tiếng đòi quyền lợi. Việc yêu cầu những gì mà bạn đáng được hưởng/bạn có quyền có mà không cảm thấy ngại ngùng, e dè hoàn toàn là chính đáng. Bất kể đối phương nghĩ gì thì sự ích kỷ lành mạnh là hoàn toàn cần thiết, để giữ được quyền lợi của chính bạn.
Sự ích kỷ thường được gán ghép cho một người, khi họ từ chối những việc không nằm trong trách nhiệm. Đôi khi chúng ta làm những việc trái ngược mong muốn của bản thân, chỉ vì người khác áp đặt chúng lên ta. Trong trường hợp này, tốt nhất là bạn nên dừng lại và suy nghĩ xem liệu mình có thực sự muốn dành thời gian cá nhân cho công việc đó không. Nếu câu trả lời của bạn là "Không", hãy từ chối một cách thẳng thắn. Sự ích kỷ lành mạnh này là cần thiết, vì thời gian và cảm xúc của chính bạn.
Ích kỷ thường được định nghĩa là từ chối những yêu cầu đi ngược lại lợi ích cá nhân. Đôi khi chúng ta hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích của người khác, vì chúng ta sợ làm rạn nứt mối quan hệ. Sau những điều này, người khác bắt đầu lợi dụng chúng ta.
Đừng quên trong những tình huống bạn thấy các yêu cầu được đưa ra đi ngược với lợi ích cá nhân bạn, hãy dùng từ "Không". Đó không phải là một từ xấu, nó là sự từ chối trung thực và mạnh mẽ. Không có gì là xấu hổ khi nói "Không" với những người có ý định nhờ cậy bạn không chỉ một lần, mà còn biến bạn thành công cụ lợi dụng. Ví dụ người đó biết bạn đi làm về muộn, mệt lử vì quá nhiều công việc... mà vẫn nhờ bạn trông con, thì đã đến lúc nên suy nghĩ nghiêm túc về mối quan hệ đó.
Đôi khi chúng ta bị trách móc rằng thật ích kỷ khi không dám hứa hay cam kết. Nhưng thực tế, việc buộc một người phải hứa hẹn chính là thủ thuật thao túng tâm lý và bạn không bao giờ nên để mình bị rơi vào cái bẫy đó.
Một người tự tin sẽ không hứa và không làm những điều đi ngược lại ý chí của họ. Cái họ nghĩ đến chỉ là làm thế nào để có thể làm tốt nhất những gì mình sẽ làm cho đối phương thay vì chỉ đơn giản là nói ra lời hứa để làm vừa lòng người khác.
Sự thờ ơ của chúng ta trước những lời rủ rê, sự lạnh nhạt của chúng ta trước những cuộc hội họp, gặp gỡ... có thể khiến chúng ta bị buộc tội có một lối sống ích kỷ, chỉ biết cho riêng mình. Nhưng thực tế lại khác. Người theo chủ nghĩa ích kỷ lành mạnh biết rõ mình cần gì và sẽ chuyên tâm vào mục tiêu đó, ngay cả khi họ có những việc thú vị khác lôi kéo, cuốn hút đi chăng nữa. Và điều này là hoàn toàn cần thiết, nếu bạn muốn đạt được một kết quả công việc như ý.
Một số người lợi dụng tuổi tác, vị trí của họ để đạt được điều mà bản thân mong muốn, bất chấp việc người khác khó chịu thế nào đi nữa. Ví dụ, việc nhường chỗ cho người già, trẻ em là cần thiết, nhưng khi người già đó bắt đầu đi quá giới hạn của mình để đưa ra những đòi hỏi, yêu cầu quá quắt, thì sự ích kỷ lành mạnh của bạn là cần thiết.
Khi bạn nhún nhường, dễ dãi quá mức, bạn bè hay những người xung quanh thường lấn lướt bạn. Để tránh điều này, sự ích kỷ lành mạnh ngay từ đầu là cần thiết. Khả năng bảo vệ bản thân kịp thời là vô cùng giá trị. Chẳng có gì là xấu hổ trong việc đưa một người quá quắt nào đó về đúng vị trí của họ, thay vì xâm phạm cuộc sống của bạn.
Những người yêu thương bản thân, chấp nhận con người của mình từ nội tâm đến hình thức, đôi khi cũng bị đánh giá là ích kỷ. Nhưng sự thật, đó là một sự ích kỷ lành mạnh. Sống thực với cảm xúc của chính mình và tôn trọng nó cũng là điều cần thiết, thay vì để người khác cố gắng áp đặt các chuẩn mực hay khuôn phép lịch sự lên chúng ta, và khiến chúng ta dần cảm giác rằng minh đang sống cuộc sống của ai đó.
Ích kỷ đôi khi được giải thích là không làm theo số đông. Nhưng "hòa đồng" nhiều khi không phải là một cách tốt, đặc biệt như trong trường hợp này. Nếu bạn không muốn mua chuộc để ai đó thích mình chỉ vì lợi ích cá nhân của bạn, thì điều đó chẳng thể nào gọi là ích kỷ.
nguồn: vnexpress.net