10 năm qua, Mark Zuckerberg luôn công khai mục tiêu trên Facebook vào đầu năm mới để thay đổi, nâng cấp bản thân.
Từ năm 2009, CEO Facebook Mark Zuckerberg luôn thử thách bản thân làm điều mới mẻ vào năm mới để mở rộng tầm nhìn, học hỏi về thế giới bên ngoài Facebook. Những năm đầu tiên, anh tập trung vào mục tiêu cá nhân nhưng vài năm qua lại tập trung cho công việc. Năm 2020, anh không còn công khai mục tiêu hàng năm nữa. Trong bài viết mới nhất, Zuckerberg nhìn lại các thử thách trong quá khứ và cảm thấy vui mừng vì đã làm được nhưng "giờ là lúc làm điều khác". Trong thập kỷ mới, anh muốn tập trung vào mục tiêu dài hạn hơn là mỗi năm. Anh cũng đưa ra một vài dự đoán cho thế giới vào năm 2030 như nhiều học viện do người trẻ điều hành hơn, kính thực tế tăng cường trở thành đột phá. Dưới đây là các thử thách cá nhân của Zuckerberg trong 10 năm qua:
2009: Đeo cà vạt mỗi ngày
Zuckerberg nổi tiếng nhất với chiếc áo phông và áo chui đầu có mũ. Dù vậy, năm 2009, anh quyết định thay đổi: đeo cà vạt hàng ngày. Lý giải điều này, người đứng đầu Facebook cho biết 2009 là năm kinh tế suy thoái nặng nề và họ cần nghiêm túc trong việc đảm bảo Facebook có mô hình kinh doanh bền vững. Vì vậy, anh đeo cà vạt hàng ngày như một lời nhắc nhở.
2010: Học tiếng Trung
Mục tiêu đầu năm 2010 của Zuckerberg là học tiếng Trung. Hai năm sau, anh thể hiện khả năng tiếng Trung của mình trước khán giả Trung Quốc và giải thích anh học để giao tiếp tốt hơn với gia đình bạn gái (nay là vợ) và để nói với bà của bạn gái rằng họ sắp cưới nhau.
2011: Ăn chay hoặc chỉ ăn thịt con vật mình tự giết
Zuckerberg đã nhờ hàng xóm của mình, một đầu bếp, giúp thực hiện mục tiêu năm 2011. Thời điểm đó, anh viết: "Tôi nghĩ nhiều người quên rằng một sinh vật phải chết để họ được ăn thịt, vì vậy mục tiêu của tôi là để bản thân không quên điều này và thấy biết ơn vì những gì có được… Cho đến nay, đây là trải nghiệm khá tốt. Tôi ăn nhiều thực phẩm có lợi cho sức khỏe hơn và học được nhiều về trang trại bền vững, chăn nuôi động vật".
2012: Lập trình hàng ngày
Từ năm 2006, Zuckerberg không còn lập trình nữa để tập trung vào quản lý, phát triển Facebook. Anh nói mình đã quên mất "sự tinh tế khi viết code" nên không bất ngờ khi lập trình hàng ngày là mục tiêu của anh vào năm 2012.
2013: Gặp một người không làm cho Facebook hàng ngày
Zuckerberg muốn mở rộng quan hệ xã hội ngoài Facebook. Anh nói với tạp chí Fortune rằng đã làm được nhiều thứ cùng mọi người.
2014: Viết lời cảm ơn mỗi ngày
Zuckerberg tiếp tục mục tiêu kết nối con người vào năm 2014. Anh thừa nhận bản thân luôn muốn thấy mọi thứ tốt hơn, không hài lòng vì mọi việc hay vì dịch vụ đang cung cấp hay chất lượng của các nhóm. Tuy nhiên, nếu nhìn lại, họ thực ra đang làm rất tốt và cần phải biết ơn vì điều đó.
2015: Đọc sách mỗi hai tuần
Năm 2015, Zuckerberg nhờ cộng đồng mạng "hiến kế" cho mục tiêu năm mới. Sau cùng, anh quyết định thử thách đọc sách và gợi ý những cuốn sách mà mọi người nên đọc. Với mục tiêu đọc 25 cuốn sách trong năm, anh còn mở trang Facebook riêng để thảo luận với độc giả khác.
2016: Phát triển AI cho gia đình, chạy 587km
Năm 2016, Zuckerberg lại thử thách bản thân viết code, lần này là phát triển AI hỗ trợ gia đình, công việc. Anh muốn dùng giọng nói điều khiển nhạc, nhiệt độ, đèn… Tháng 7/2016, anh hoàn thành mục tiêu chạy 365 dặm (587km).
2017: Gặp mọi người từ tất cả các bang
Sau thảm họa PR Facebook đến từ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, Zuckerberg lên kế hoạch gặp gỡ mọi người đến từ tất cả các bang. Anh cùng vợ đã bắt đầu cuộc hành trình qua 30 bang chưa từng đặt chân đến. "Công việc của tôi là kết nối thế giới, cho mọi người tiếng nói. Tôi muốn tự mình nghe thấy nhiều tiếng nói hơn trong năm nay".
2018: Giải quyết các vấn đề lạm dụng Facebook
Năm 2018, Zuckerberg đặt mục tiêu lớn là giải quyết vấn nạn tấn công và lạm dụng trên Facebook. Anh thừa nhận "đang phạm nhiều sai lầm khi thực thi chính sách và ngăn cản lạm dụng các công cụ". Anh muốn đưa nhiều nhóm chuyên gia ngồi lại cùng nhau để thảo luận và hỗ trợ giải quyết các vấn đề này.
2019: Tổ chức các cuộc tranh luận công khai về tác động của công nghệ tới cộng đồng
Sau những tiến triển của bê bối Cambridge Analytica năm 2018, Zuckerberg muốn tổ chức các cuộc tranh luận về thách thức và hứa hẹn của công nghệ. "Có nhiều câu hỏi lớn về thế giới chúng ta muốn sống và vai trò của công nghệ trong đó. Chúng ta muốn công nghệ mang lại tiếng nói cho mỗi người hay những người gác cổng truyền thống sẽ kiểm soát ý tưởng nào được bày tỏ? Mỗi vài tuần, tôi sẽ nói chuyện với các lãnh đạo, chuyên gia và mọi người trong cộng đồng từ các lĩnh vực khác nhau và tôi sẽ thử nghiệm nhiều hình thức để duy trì sự hấp dẫn". Cuối cùng, anh chỉ tổ chức 6 cuộc thảo luận, diễn ra giống nhau và chỉ có 1 là thực sự công khai. Có thể nói, mục tiêu 2019 của Zuckerberg đã thất bại.