Chương 4 của Nghệ Thuật Bố Cục và Khuôn Hình

Chương 4 - HIỆN THỰC THĂNG HOA

Bằng hội họa, bằng nhiếp ảnh, trong quảng cáo

Các loại hình dạng mà ta nhận thức được là do từ các nguyên nhân: nguồn gốc sự vật, cách diễn đạt của họa sĩ, cách phá vỡ cấu trúc nhằm tăng cường cảm xúc hoặc làm mạnh thêm ý tưởng của tác giả.Trừ các tác phẩm có tính tài liệu nhằm bảo tồn một hình ảnh chung thủy với chủ đề hoặc nhằm gìn giữ một kỷ niệm chính xác của một khoảnh khắc trong quá khứ (ảnh kỷ niệm là một ví dụ), tất cả các hình ảnh đều có đặc tính nghệ thuật, cũng có thể tính thêm vào đó một số hình ảnh quảng cáo, chúng không bao giờ là một bản sao đơn thuần của hiện thực.

Chủ đề tác phẩm bao giờ cũng được người nghệ sĩ chuyển tải năng lực cảm giác của mình vào đó. Anh ta chuyển đổi nó, vượt lên trên nó, làm nó thăng hoa, và cuối cùng tái tạo hình ảnh đã khác với thực tế thô sơ ban đầu mà anh ta phỏng theo.

Ngay cả trong quá khứ, khi sự phục hồi trung thành một chủ đề dường như thể hiện lý tưởng của họa sĩ thì tất cả các kiệt tác đều biểu lộ một sự chuyển đổi từ hiện thực, thường là quan trọng hơn cả về bề ngoài mà họa sĩ nhận biết từ cái nhìn đầu tiên.

Cái gì đúng với tranh giá vẽ thì cũng như vậy với ký họa hay minh họa, tranh truyện hay nhiếp ảnh, tuy ở nhiếp ảnh có khác biệt lớn hơn. Tính khách quan của “con mắt” nhiếp ảnh thực tế đã làm cho việc chuyển đổi và thăng hoa gặp nhiều vấn đề hơn. Nhưng chính điều đó thúc đẩy các nhiếp ảnh gia và các nhà điện ảnh lớn vận dụng năng lực của họ để xoay chuyển kỹ thuật và biểu cảm tối đa.

“Chuyển đổi” hay “thăng hoa” hiện thực không có nghĩa là bắt buộc phải làm cho nó đẹp hơn, nhất là đừng tô vẽ những vẻ duyên dáng hay nét hoa mỹ của nó. Việc tái tạo hiện thực chính là làm cho chủ đề “thực hơn cả thực”, nghĩa là đưa ra và tôn thêm các đặc trưng chủ yếu, dù phải tô nhấn đậm đường nét để chủ đề nổi bật hơn: cái ghế tựa này bằng gỗ đặc, mặt ghế làm bằng rơm thô, khuôn mặt này thật góc cạnh. Mặt khác, dù là chủ đề được thể hiện rất trung thành vì được lấy ra từ nguyên mẫu thì cũng sẽ được đặt trong một thế giới mà ở đó nó dường như biến dạng bởi trò chơi màu sắc hay ánh sáng đặc biệt, bởi hiệu quả của một khuôn hình gốc hay một bố cục đáng suy ngẫm.

Như vậy một chủ đề đã được thể hiện hàng trăm lần, từng được gợi ý nhiều từ các kiệt tác trong quá khứ, sẽ trở nên độc đáo và mới mẻ nhờ công của người nghệ sĩ.

Hiện thực thăng hoa trong tranh
Felix Vallotton 1865 - 1925
Felix Vallotton (1865 - 1925) - "Ánh Trăng"

Có rất nhiều cách để làm thăng hoa hiện thực. Một trong những cách thông thường nhất là giảm thiểu thực tế đến độ đơn giản nhất và biểu đạt thuần túy nhất, tiếp theo là hàng loạt đợt gạn lọc, qua đó các chi tiết, ngụ ý, vẻ tầm thường, thực tế nói chung sẽ được loại bỏ hàng loạt.

Ở đây, Felix Vallotton đã biến hóa phong cảnh qua lăng kính cảm nhận của ông thành một bài thơ họa hình thực sự, làm vui mắt bằng sự đối lập đơn giản của những đường nét và hình thể (sự đối lập của các nét khúc khuỷu và các đường thẳng nói riêng). Như thế, từ nay bức tranh tự nó là đầy đủ, hoàn toàn độc lập với chính thực tế mà nó phản ánh.

Hokusai (1760 - 1849) -
Hokusai (1760 - 1849) - "Dưới Ngọn Sóng"

Cũng như F. Vallolton, Hokusai đã nâng cao hiện thực bằng cách đơn giản những hình thể mà ông cảm nhận, nhưng cũng đã cường điệu nó khi thể hiện. Bọt nước nơi đầu sóng có hình dạng móng vuốt đầy hung bạo và đe dọa. Như vậy cơn sóng đã được biến thành một tạo vật sống kiểu huyền thoại, xứng đáng bước vào điện thờ các hung thần mà người Trung hoa và Nhật bản vẫn tôn sùng từ xưa tới giờ.

E. Degas (1834 - 1917) -
E. Degas (1834 - 1917) - "Người đàn bà chải tóc"

Chẳng có chủ đề nào là tầm thường, đối với nguồn cảm hứng cho tác phẩm. Ví dụ: mái tóc hung đỏ và động tác của người đàn bà khi chải tóc được thể hiện và tôn lên bởi một bối cảnh tương đối mờ ảo: cái áo ngủ, những tấm vải ... Thường thì Degas luôn để khuôn mặt của người mẫu tranh tối tranh sáng nhằm làm cho gương mặt không lôi cuốn ánh mắt đang tập trung vào cử chỉ. Tiện thể, các bạn hãy xem cách đặt mái tóc dài vào khuôn hình theo đường chéo góc của bức tranh (xem chương 5) giúp làm cho cử chỉ năng động hơn. Cuối cùng, các bạn hãy chú ý đến sự song song đồng điệu của 2 cẳng tay của người mẫu. Tất cả những điều đó hợp lại đã cải biến những cử chỉ bình thường thành những đường nét và hình thể theo kiểu balê tuyệt diệu, cách xa thực tế tầm thường mà tác giả đã quan sát.

"Chim bồ nông" (Ảnh của tác giả sách này)

Ảnh này được chụp trong một môi trường đặc biệt thiếu tính thơ (bức tường bao không phù hợp của vườn thú) chỉ ra rằng người ta có thể chuyển đổi thực tế hàng ngày vào ảnh cũng giống như đối với hội họa.

Bằng trò chơi với những kính lọc thích hợp, môi trường tầm thường nơi có chú chim đã được xóa nhòa thành một mặt nền trung tính phía sau. Việc đưa vào hình chú chim nhìn nghiêng đã tạo thêm vẻ oai nghiêm của chim mà ta có thể nói là đang lướt trên mặl đại dương vĩnh hằng.

 

HIỆN THỰC THĂNG HOA TRONG NHIẾP ẢNH
"Kim tự tháp Louvre" - (Ảnh của tác giả sách này)

Thông thường thì người ta không lưu ý nhiều đến việc thăng hoa hiện thực đối với nhiếp ảnh như thường làm trong hội họa. Nhà nhiếp ảnh có thể hoàn thiện tác phẩm của mình nếu anh ta thực sự kiên nhẫn và biết chờ đợi đúng lúc, thời điểm thường là rất ngắn mà tại đó tự nhiên tự nó thăng hoa nhờ vào sự kỳ diệu của ánh sáng hay một vài điều kiện thời tiết đặc biệt. Thường sẽ là các thời điểm mặt trời mọc hay mặt trời lặn, trước khi có một cơn dông mùa hè ...vv... Trong bức ảnh này (kim lự tháp Louvre) có thêm một kính lọc màu hồng đã góp phần làm tăng hiệu quả ánh sáng của thiên nhiên như đã dự định.

Ảnh quảng cáo áo sơ mi LACOSTE
Ảnh quảng cáo áo sơ mi LACOSTE
(Chữ trên áo: Nếu biển cả từng có một sắc màu thì đó chỉ có thể là màu xanh LACOSTE )

Trong quảng cáo, sự thăng hoa của chủ đề là rất cần thiết để thăng tiến hình ảnh của một sản phẩm mà tự nó không có một chút nào tính cảm xúc, chất thơ hay kịch tính đặc biệt. Ví dụ như ở đây, bức ảnh về một chiếc áo phông polo truyền thống bằng coton đã được thăng hoa bởi sự kỳ diệu của độ sáng, cái đã tạo ra một loạt các đường thẳng lớn có hướng, đủ để biến một chiếc áo phông thông thường của mùa hè thành một “mặt biển” với một sự hài hòa tuyệi vời.

TRÊN THỰC TẾ

Bố cục (xem chương 5) hay khuôn hình của chủ thể (xem chương 6), thời điểm mấu chốt trong khái niệm của một hình ảnh, chắc chắn là cơ hội tốt nhất cho người nghệ sĩ để áp đặt cái nhìn riêng đối với chủ thể.

Ví dụ việc chọn một góc nhìn không bao giờ là ngớ ngẩn. Thường thì đó sẽ là một cách phát triển các đặc trưng của chủ thể, nếu không kéo chủ thể ra khỏi thực tế thường nhật và tạo cho nó một ý nghĩa mà nó không bao giờ có được nếu đặt trong góc nhìn thông thường. Như vậy, một cái nhìn bằng cách quay ngửa máy (xem chương 6) có thể làm chủ thể tuyệt vời hơn, trong khi một cái nhìn chúc xuống, ngược lại, sẽ tạo cho chủ thể một tầm nhìn hạ thấp (ví dụ như “Chiếc ghế tựa và cái tẩu của Van Gogh, trang 22).

- Mọi cách thức làm tăng giá trị của chủ thể đều có thể được sử dụng, bằng cách phối hợp hoặc không.

Chúng ta đã thấy tầm quan trọng của việc sắp xếp theo trình tự hợp lý các yếu tố khác nhau trong khuôn hình của một bố cục. Chúng ta sẽ xem hình học (chương 14) có thể đóng góp gì vào việc khẳng định và phát triển các đặc trưng của chủ thể, và trong một vài trường hợp, nó có thể củng cố thêm cho ý tưởng của nghệ sĩ như thế nào. Đồng thời chúng ta cũng sẽ xem xét việc lựa chọn đối với chủ đề chính, cái gì là quan trọng giữa các yếu tố trong tranh hay bối cảnh bao quanh. Đặc biệt, chúng ta sẽ xem xét một hậu cảnh trung tính (xem chương 12) cái làm cho chủ thể tách biệt khỏi môi trường tự nhiên của nó, có thể góp phần làm tăng giá trị của chủ thể một cách nhạy cảm đến thế nào.

- Trong hình họa và hội họa, sự đơn giản hóa các đường nét hay hình khối, ngoại trừ sự biến dạng của chúng ít nhiều cũng sẽ lộ ra, cũng có thể góp phần làm nổi bật những đặc trưng chủ yếu của chủ thể. Một quả táo sẽ tròn hơn so với tự nhiên, một khuôn mặt góc cạnh sẽ góc cạnh hơn tự nhiên, một đường cong sẽ hơi cong hoặc cong hơn thực tế.v.v...

- Chuyển đổi thực tế tức là thường xuyên thêm vào nó cái gì đó, nhưng cũng là bớt đi những cái khác. Chúng ta sẽ thấy quan trọng như thế nào việc loại bớt những chi tiết ít ý nghĩa, có tính giai thoại hay thơ mộng, tất cả những cái vô nghĩa lặt vặt này sẽ làm tầm thường hóa chủ thể hơn là làm cho nó tuyệt vời

- Sự chuyển hóa hiện thực vào nhiếp ảnh đương nhiên là rất khó khăn nhưng không có nghĩa là không thể thực hiện được. Việc sử dụng đúng các kính lọc và việc chọn được một thấu kính máy ảnh phù hợp cho phép tăng cường hình thể hoặc các đặc trưng của chủ đề, theo cách đôi khi rất ly kỳ. Ví dụ như người ta biết rằng một thấu kính “góc rộng” sẽ làm biến dạng và làm tăng độ xa gần trong khi một thấu kính tele sẽ phá vỡ những lớp cảnh của hình ảnh.

- Trong 1 bức hình họa (dessin), một minh họa nét hoặc một tranh truyện, sự làm chủ độ mạnh của nét cũng đồng thời cho họa sĩ một cơ hội khẳng định cái nhìn riêng của mình về chủ đề. Khi thì anh ta chơi ván bài của sự nhạy cảm thuần túy và tái tạo chủ đề trong một thế giới tinh khiết: nét vẽ sẽ mảnh mai và ngay ngắn. Khi thì anh ta bi kịch hóa ít nhiều chủ đề, nét vẽ sẽ đậm hơn, khép kín hơn, dày hơn hoặc trải ra thành những bãi biển rộng màu đen.

- Kể từ khi các họa sĩ ấn tượng xuất hiện, vẻ mờ ảo nghệ thuật, trong hội họa cũng như nhiếp ảnh, là một phương tiện khá phổ biến để tạo ra chủ đề khác với chuyện thường ngày, trong một không gian mờ hơi nước và hư ảo mà chất thơ hay hào quang huyền bí dành cho khán giả một sự tự do lớn để tự suy diễn.

- Về màu sắc mà nói, nó được họa sĩ diễn đạt một cách thoải mái và trong một chừng mực hẹp hơn đối với nhà nhiếp ảnh, màu sắc cho phép tái tạo chủ đề trong thế giới màu riêng của mỗi nghệ sĩ. Thường thì người ta dùng từ “bảng màu họa sĩ" để nói về chủ đề này.

- Cuối cùng là độ chiếu sáng chủ đề và vài thủ thuật ánh sáng được sử dụng (hiệu quả của ngược sáng, bóng nghiêng - silhouelle, sáng - tối, ...) có thể giúp chuyển đổi hiện thực hoặc làm cho “bi kịch hóa” theo ý muốn.

chương 2 ← chương 3 → chương 4

chương 2 ← chương 3 → chương 4

MỤC LỤC

Chương 1 - Những bí mật của sáng tạo nghệ thuật
Chương 2 - Hoạt động của mắt người
Chương 3 - Những thành phần của một hình ảnh
Chương 4 - Hiện thực thăng hoa
Chương 5 - Nghệ thuật bố cục
Chương 6 - Nghệ thuật khuôn hình
Chương 7 - Những đường định hướng
Chương 8 - Sự cân bằng các mảng khối
Chương 9 - Khoảng rỗng và không gian
Chương 10 - Điểm được lợi và điểm nhấn mạnh
Chương 11 - Cận - tiền cảnh
Chương 12 - Hậu cảnh
Chương 13 - Sự thu hẹp phạm vi
Chương 14 - Hình học bí mật của hình ảnh
Chương 15 - Nhịp điệu của một bố cục
Chương 16 - Những biểu hiện tương phản


Bản dịch của họa sĩ Đức Hòa từ cuốn "L’Art de la composition et du cadrage" (1992), của Bernard Duc, nhà xuất bản Fleurus 11 đường Duguay — Trouin, Quận 6, Paris

No comments

Leave your comment

In reply to Some User