Chương 15 của Nghệ Thuật Bố Cục và Khuôn Hình

Chương 15 - NHỊP ĐIỆU CỦA MỘT BỐ CỤC

Về nguyên tắc thì thuật ngữ “bố cục" chỉ áp đụng đối với các hình ảnh cố định (tranh giá vẽ, hình vẽ nghệ thuật hay tranh truyện, ảnh chụp..v.v...). Nó gợi ra các hình thể không vận động, tĩnh, chắc chắn trong khuôn hình của hình ảnh. Đến nỗi mà đôi khi chúng ta khó mà nghĩ rằng một bố cục cũng có thể có nhịp điệu hay được điều chỉnh theo nhịp như là sự biến chuyển của một khúc nhạc.

Những hình ảnh có nhịp điệu bên trong thì lại rất nhiều và những hài hòa về nhịp điệu mà ta có thể tưởng tượng trong một bố cục hình ảnh (đồ họa, nhiếp ảnh .v.v...) là vô số, ngay cả khi mục đích theo đuổi cuối cùng là đồng nhất: tức là đặt ra cho ánh mắt ta một vài nhịp điệu nào đó để xem, khá đều đặn hay nhấn lệch, khá hài hòa hay lủng củng.

Vả lại, ta cũng thấy rằng có một số mưu mẹo khéo léo trong bố cục, như là phương pháp đặt một vài đường của bố cục xoay về một hướng (xem chương 5) có xu hướng tạo nhịp điệu cho hình ảnh. Nhưng những đường này, mà vai trò của chúng là làm khung kín đáo cho bố cục, hiếm khi xuất hiện trước mắt khán giả, vậy mà ngược lại, một bố cục có nhịp điệu rõ ràng sẽ được thể hiện dưới dạng một vở “opéra” của các dấu hiệu, các đường hay các hình thể nhịp điệu sẽ bắt mắt người xem ngay từ cái nhìn ban đầu.

Thực hành

So với hình tượng của một bố cục âm nhạc mà nhịp điệu của nó sinh ra từ sự lặp đi lặp lại các âm thanh và từ sự trở đi trở lại đều đặn, lúc mạnh lúc yếu, thì nhịp điệu của một bố cục hội họa sẽ thường được thực hiện trên một sự lặp lại khá là đều đặn các yếu tố đồng nhất về mặt thị giác:

  • Một sự lặp lại các đường: đường thẳng, cong hay gãy khúc ... được đặt ít nhiều song song (hay theo hình rẻ quạt hoặc xoáy trôn ốc...).
  • Một sự lặp lại về kích thước hay motip được bố trí ở các khoảng cách đều đặn theo chiều ngang hay dọc, nhìn nghiêng hay ngoằn ngoèo ...
  • Một sự lặp lại về dấu hiệu hay các bề mặt được tô màu, được bố trí ở các khoảng cách đều nhau.
  • Ở một vài họa sĩ (như Van Gogh chẳng hạn), nhịp điệu cũng nhạy cảm ở mức độ sơ đẳng nhất của sự thể hiện, mức độ của các vệt bút màu. Các nhát bút sẽ được sắp xếp thứ tự để tạo nhịp điệu cho chất liệu hội họa. Khi thì các nét màu theo cùng một hướng giống như thác chảy. Khi thì các nét bút tạo nên các lớp sẽ tự hiện ra hay quện vào nhau theo hình trôn ốc.
  • Những sự lặp lại các đường, các hình thể hay các dấu hiệu có thể được thể hiện thành mảng màu phẳng và trên cùng một cảnh của hình ảnh, khi thì đi về chiều sâu, lúc đó ta sẽ cần tới hiệu quả phối cảnh được củng cố. Vậy thì ta sẽ có thể nói về một nhịp điệu đi từ mạnh dần đến yếu dần.

ví dụ về các bề mặt có nhịp điệu

Người ta có thể tạo nhịp điệu cho một bề mặt theo các cách: lặp lại các đường (A), các hình dáng hay hình khối (D), sắp đặt rất đều đặn (A) hoặc theo cách nhấn lệch hơn (B, C, F), theo hình rẻ quạt (E), xoáy ốc (G) răng cưa (H)...

Khi thì các yếu tố, các đường, các hình khối tạo nhịp điệu cho các bề mặt của hình ảnh toàn phần hay một phần, chúng sẽ được xếp trên cùng một mặt phẳng (A, B, C, E, F) khi thì được nhìn ít nhiều theo phối cảnh (CD).

  • Tùy theo hiệu quả mong muốn mà các đường và các motip sẽ được bố trí ở các khoảng cách đều nhau hay không. Tất cả mọi sự cách quãng trong việc bố trí đều đặn của các motip hay tất cả mọi sự đổi hướng (nhấn lệch của nhạc công) sẽ tạo ra một hòa âm mới, đồng điệu hay lủng cùng.
  • Nhiều lần nhắc lại của hai yếu tố giống nhau, ở các khoảng cách đều đặn, sẽ gợi ra một nhịp điệu hai mặt. Lặp lại ba yếu tố giống nhau thì tạo ra nhịp điệu ba mặt v.v...
  • Sự chiếu sáng cũng có thể được tạo ra từ nhịp điệu, khi bóng tối và ánh sáng luân phiên nhau với một sự đều đặn nào đó. Ví dụ, khi việc chiếu sáng được cung cấp bởi một nguồn sáng đặt ở đằng sau một bức mành sáo kiểu venise các vùng sáng luân phiên nhau với các vùng tối.

Bắt đầu từ cái mà sự vô tận của các bố cục có nhịp điệu có thể tưởng tượng. Khi thì hình ảnh sẽ tạo ra nhịp điệu trên toàn bộ bề mặt của nó, khi thì là từng phần. Đôi khi nhịp điệu sẽ được đưa ra bởi sự lặp lại đều đặn của một yếu tố mà thôi. Đôi khi lại bởi nhiều yếu tố tự nhiên khác nhau: các đường, các hình khối, các mảng màu ... được chồng lên nhau theo nhiều cách đa dạng.

Trong lĩnh vực này, người họa sĩ hội họa và họa sĩ tranh truyện có được sự tự do lớn hơn nhà nhiếp ảnh, vì họ có thể sắp xếp được nhịp điệu, để tạo ra nhịp điệu bề mặt của bức tranh theo ý muốn. Nhưng nó còn có cả ở trong thiên nhiên và trong các công trình của con người: các tòa kiến trúc, những hàng cây trồng ... số lượng của các hình có nhịp điệu một cách tự nhiên sẽ có thể đưa ra những hiệu quả thú vị. Khá thường xuyên, nhờ vào nhịp điệu được đặt vào hình ảnh của họ mà các nhà nhiếp ảnh sẽ tạo ra sự thú vị cho chủ đề vốn nguyên gốc không mấy ý nghĩa hoặc rất đời thường.

Marcel Duchamp đã chọn đường chéo góc đi xuống của bức tranh như xương sống của một quá trình lặp đi lặp lại của hình thể gần như trừu tượng, gợi ý rất biểu cảm và năng động về chuyển động trong tuyệt tác của ông “Người khỏa thân đang xuống cầu thang”.

M.Duchamp (1887-1958) - “Người khỏa thân đang xuống cầu thang”

Mặt khác, một số yếu tố nhịp điệu được nhập vào một bố cục phức tạp hơn. Ví dụ như Hiroshige đã tạo nhịp điệu bên dưới bố cục của ông nhờ một loạt đường đồng tâm, gợi ý một cách trừu tượng về xoáy nước cuồn cuộn của những làn sóng dữ dội.

Hiroshige (1797-1858) - “Gió và sóng lừng ở Naruto”
 

các bề mặt có nhịp điệu

Al-Wasiti - “Các kỵ binh Ba tư ở Al-Hariri”

Vượt trên sự giải trí thẩm mỹ đơn thuần mà nó mang lại, nhịp điệu của bố cục thường có chức năng biểu hiện chính xác hơn nữa. Ở đây, đều đặn xếp hàng tính theo đầu ky sĩ, tính chân và đầu ngựa, gợi ý một toán quân đông đảo nhưng có trật tự. Mặt khác việc bố trí cờ xí và kèn xung trận theo hình rẻ quạt, hướng mở ra ngoài (lên trời) gợi ra khá tốt tiếng kèn lệnh vang rền thắng lợi được những người giữ cờ áp tải. Và câu chuyện đơn giản đã được góp phần tôn vinh như vậy.

P. Ucello (1397-1475) - “Trận đánh ở San - Romano”

Ucello sử dụng rất đặc biệt những ngọn giáo của các kỵ sĩ để tạo nhịp điệu cho bố cục. Trước hết, được đặt dọc và ngang, những ngọn giáo hạ dần theo hình rẻ quạt (phía trái) để gợi ý hoạt động của toán kỵ binh ném lao đã ở phía trước quân thù. Sự ngã giáo tự nguyện trong nhịp điệu chính của bố cục là đủ để khuấy động khung cảnh mà nếu không có như vậy thì cảnh rất có thể đã thành bất động.

 

NHỊP ĐIỆU

"Tĩnh vật với những trái cam" - Ảnh của DUC (tác giả sách này)

Ngày nay, các họa sĩ và các nhà nhiếp ảnh không hề do dự khi sử dụng đồ vật bình thường thông dụng nhất để làm chủ thể cho bố cục. Họ trình bày đồ vật này đôi khi kỹ lưỡng, tới mức phóng lớn ra ở cực cận cảnh. Do vậy mà hình ảnh kích thích mắt nhìn bởi nhịp điệu duy nhất của khối hay của đường nét. Chủ thể hiểu theo nghĩa sát sao nhất, bị xóa bớt để phục vụ cho cảm xúc thẩm mỹ thuần túy.

“Cái nóng mùa hè" - Ảnh của DUC (tác giả sách này)

chương 14 ← chương 15 → chương 16

MỤC LỤC

Chương 1 - Những bí mật của sáng tạo nghệ thuật
Chương 2 - Hoạt động của mắt người
Chương 3 - Những thành phần của một hình ảnh
Chương 4 - Hiện thực thăng hoa
Chương 5 - Nghệ thuật bố cục
Chương 6 - Nghệ thuật khuôn hình
Chương 7 - Những đường định hướng
Chương 8 - Sự cân bằng các mảng khối
Chương 9 - Khoảng rỗng và không gian
Chương 10 - Điểm được lợi và điểm nhấn mạnh
Chương 11 - Cận - tiền cảnh
Chương 12 - Hậu cảnh
Chương 13 - Sự thu hẹp phạm vi
Chương 14 - Hình học bí mật của hình ảnh
Chương 15 - Nhịp điệu của một bố cục
Chương 16 - Những biểu hiện tương phản


Bản dịch của họa sĩ Đức Hòa từ cuốn "L’Art de la composition et du cadrage" (1992), của Bernard Duc, nhà xuất bản Fleurus 11 đường Duguay — Trouin, Quận 6, Paris

No comments

Leave your comment

In reply to Some User

Các bài liên quan