Chương 2 của Nghệ Thuật Bố Cục và Khuôn Hình

Chương 2 - Sự Hoạt động của mắt người

Con mắt “đọc” một hình ảnh như thế nào

Không phải bàn tay làm nên bức tranh mà là con mắt", họa sĩ Auguste Renoir đã nói lên một quan niệm mà tất cả các họa sĩ bậc thầy trước ông đều đồng tình.

Ngày nay, ý thức đó cũng được các họa sĩ, thợ vẽ, nhà nhiếp ảnh áp dụng vào sáng tác, rồi chỉnh lý các tác phẩm của họ một cách hết sức kiên nhẫn, có khi còn sửa đi sửa lại để chỉnh thêm những sắc độ dù chỉ đôi chút chênh lệch, cho đến khi toàn bộ bức tranh hay ảnh trở nên ưa nhìn.

Nhu cầu phải tổ chức bề mặt bức tranh hay tấm ảnh thường ít khi nhằm giải quyết những bận tâm thuần túy thẩm mỹ so với sự cần thiết phải trả lời những đòi hỏi tự nhiên, đôi khi là những đòi hỏi khắt khe của mắt người.

Thực ra, chẳng bao giờ các nghệ sĩ lại quá quan tâm đến sinh lý của mắt cũng như những hiện tượng của cái nhìn, có lẽ, chỉ trừ Léonard de Vince với sự khao khát điên cuồng về kiến thức của ông. Thường thì do kinh nghiệm và do những mò mẫm liên tục mà các họa sĩ tiến hành một việc không thể nào bỏ qua là “luyện mắt”, nhờ đó, họ có mẫn cảm thường trực về những sự sắp xếp hoặc những cân bằng của hình thể và những đường nét ưa nhìn nhất. Tuy nhiên, vẫn luôn là điều có ích nếu ta hiểu thêm về cơ chế cái nhìn của mắt người. Nó cho phép ta hiểu biết sâu sắc hơn nhiều, việc tại sao họa sĩ thời xưa lại bố cục những bức tranh của họ với sự thận trọng vô cùng và tại sao kỷ luật này ngày nay vẫn còn là cần thiết.

Không nghi ngờ gì nữa, những quan niệm thẩm mỹ và thị hiếu của công chúng đã tiến triển cùng với thời gian. Nhưng cơ chế nội giới và cách hoạt động của con mắt lại không hề thay đổi. Chẳng hơn gì ngày xưa, nay con mắt vẫn chỉ được dùng để nhìn bất cứ cái gì, nhận định bất cứ tại sao.

Con mắt đọc hiểu hình ảnh như thế nào

Mắt người là một lăng kính hoàn hảo có thể so sánh với một máy ảnh có cửa điều sáng (tròng đen) có đường kính có thể thay đổi (con ngươi) và bề mặt nhạy cảm (võng mạc) để trên đó chiếu rọi mọi ấn tượng nhìn thấy từ bên ngoài, sau đó truyền lên não bộ. Nhưng trường nhìn của con mắt tương đối hẹp.

Khu vực trung tâm của hoàng điểm của mắt chỉ bao gồm 1/1500e phần của võng mạc, có góc 1°, chỉ riêng chỗ đó có khả năng phân biệt các hình thể. Vùng ngoại vi chỉ có thể cho ta ấn tượng về ánh sáng hay màu sắc, bao giờ cùng hiện hình ít hơn vùng trung tâm.

Con mắt “quét” bề mặt của hình ảnh

Muốn nhìn cho rõ ràng toàn bộ một hiện trường tĩnh - một bức tranh, một tấm ảnh, một hình quảng cáo - con mắt nhìn theo kiểu “quét qua quét lại” lên bề mặt theo một định hướng, lần lượt đưa tới hoàng điểm hết chi tiết này tới chi tiết khác của hiện trường. Động tác liên tục và rất nhanh như vậy làm cho ta có ấn tượng nhìn thấy rõ ràng toàn bộ hình ảnh.

Ngay từ đầu thế kỷ, nhiều trắc nghiệm về vấn đề này đã chỉ ra rằng con mắt, khảo sát một hiện trường cố định bằng cách thực hiện những bước nhảy liên tiếp và những tạm ngừng cực ngắn và không đều đặn, thay đổi từ 200 đến 400 micrôgiây. Nhưng chúng có thể kéo dài từ một đến nhiều giây. Hơn nữa biên độ cử động nhãn cầu cũng luôn thay đổi. Sự khảo sát hiện trường không giống như việc định hướng, có một số điểm chuẩn(1) bị “chú ý” thường xuyên hơn những điểm khác trong quá trình mà cái nhìn(2) liên tục “quét qua quét lại” hiện trường. Vậy là con mắt không khảo sát một cách máy móc bề mặt của một hình ảnh hoặc một bức tranh. Ngay từ những thẩm định thu lượm được qua đợt quan sát đầu tiên, nó đã phản ứng khác nhau tùy theo bản chất của các thành phần của hình ảnh(3) tùy theo phương hướng của các đường nét chủ đạo tạo nhịp điệu trong tranh, tùy theo những hình mảng nhìn thấy ở đó.

Nhưng những kinh nghiệm được lặp đi lặp lại đã cho phép ghi nhận rằng với cùng một hình ảnh, được liên tiếp xem xét dưới nhiều đề tài, vẫn đều được đọc hiểu theo cùng một cách, ở khắp nơi. Quãng đường mà con mắt đọc lướt qua cùng những điểm cố định khi xem xét từ nhân vật này đến nhân vật khác là gần như giống nhau.

Người nghệ sĩ dẫn dắt con mắt

Ta biết rằng người nghệ sĩ có quyền lực đặc biệt khi ông ta bố cục một bức tranh (hay một tấm ảnh ...). Biết cách đưa ra hình ảnh tạo âm hưởng sâu lắng cũng như cách gây ra cảm xúc, người nghệ sĩ có một thứ quyền lực để đọc được những hoạt động trong mắt của khán giả, làm cho họ đi theo con đường mà nghệ sĩ đã dành sẵn, khiến cho họ ít nhiều phải chăm chú vào một vài phần của bố cục. Đó là một thứ quyền lực hầu như ma thuật. Một hình ảnh đẹp, gây được xúc cảm với người xem - trước hết bao giờ cũng là một hình ảnh có bố cục tốt, đưa được sự sinh động của nó tới mắt người xem.

 
P.Picasso (1881 - 1973) - “MÂM BÀY HOA QUÀ VÀ ĐÀN MĂNG ĐÔ LIN TRÊN TỦ BUÝP PHÊ”
P.Picasso (1881 - 1973) - “MÂM BÀY HOA QUÀ VÀ ĐÀN MĂNG ĐÔ LIN TRÊN TỦ BUÝP PHÊ”

Những công việc ở xưởng của một họa sĩ cho ta thấy đó là công việc chuẩn bị hết sức ráo riết, đòi hỏi tất cả các tác phẩm nghệ thuật phải dẫn đến thành công.

Loạt 3 tranh trên là những bản nghiên cứu bằng bột màu và bút chì do Picasso thể hiện trong cùng một ngày cho thấy họa sĩ có không ít băn khoăn ngập ngừng về tính nghệ thuật. Chiếc này đã được ông chọn thể hiện tác phẩm lập thể và sự băn khoăn của ông là sự sắp xếp cho bề mặt tranh có cái toàn bộ để mắt nhìn chấp nhận được.

 

Bởi thế cho nên các tác phẩm lớn được biểu hiện bằng bố cục hết sức chặt chẽ - dù bằng các cách làm rất khác nhau - trong khi đó, các tác phẩm hạng thứ yếu hoặc tác phẩm còn non tay của cùng một họa sĩ làm cho chúng ta thấy sự yếu kém, không phải vì ông ta thiếu cảm xúc hoặc vì những quan tâm thẩm mỹ của ông ta rất xa lạ, mà cái chính là do sai lầm hoặc thiếu sót về bố cục. Mắt ta thường nhìn lang thang trên bề mặt của hình ảnh, không có đích kết thúc, nó tìm những điểm có khả năng là điểm chuẩn hoặc có sự liên quan giữa các hình mảng để có thể khám phá bức tranh trong trật tự bố cục mà họa sĩ mong muốn. Do đó mà hình ảnh “nói” không đầy đủ cho mắt nhìn.

Xu hướng tự nhiên của mắt

Những thí nghiệm khoa học liên quan đến hiện tượng nhìn của con người đi tới xác minh rằng các họa sĩ đã nhìn bằng linh cảm theo kinh nghiệm rút được qua thời gian lâu dài. Người ta có thể tìm ra một vài xu hướng tự nhiên của mắt.

- Quan tâm đến những đường viền của hình mảng. Để nhấn mạnh chu vi, một số họa sĩ đã vẽ đường viền ở một vài nơi ven mảng. Hoặc là kỹ thuật chú trọng làm nổi bật hình mảng trên một mặt nền sẫm hơn (hoặc sáng hơn) để nêu bật đường viền ở đó.

- Nhìn chậm lại trên những vùng phức tạp, rất chi tiết hoặc là đặc trưng của một hình mảng. Vì lẽ đó mà họa sĩ cần có ý định thanh lọc các hình mảng để mắt nhìn không bị chú ý một cách vô ích vào những chi tiết phụ hoặc chẳng ích lợi gì, lại có hại cho nhân vật chính, về mặt hình họa, kỹ thuật thể hiện những nét thanh thoát cùng phải được áp dụng tối đa.

- Ưu tiên chú ý đến người, nhất là khuôn mặt, và trên đó là đôi mắt đến miệng, cuối cùng là mũi.

- Chuyển động ngang. Trước hết, trái lại có vài điều chưa nói hết được về những chuyển động theo chiều dọc. Một bố cục hoàn toàn theo chiều ngang sẽ luôn tạo được sự “nghỉ ngơi” cho con mắt bởi vì mắt đưa ngang sẽ dễ dàng hơn. Nhưng kiểu bố cục này cũng có khi nhàm chán. Ngược lại một bố cục có quá nhiều đường thẳng dọc, “khó nhọc” để ngước lên, sẽ lại rất khó chịu cho mắt nhìn.

Hướng xem một hình ảnh ở Phương Tây
Hướng xem một hình ảnh ở Phương Tây

Mặt khác, đường xiên chéo gợi cảm giác dễ chịu hơn, vì nó trình bày một thỏa hiệp có thể chấp nhận được giữa đường thẳng ngang và đường thẳng dọc. Điều này giải thích tính năng động của những bố cục hoặc những khuôn hình đặt trên đường chéo góc của hình ảnh.

- Khi hai hình mảng đặt cách xa nhau có một điểm chuẩn chen vào giữa (chếch từ 20° hoặc 40° chẳng hạn) thì cái nhìn sẽ theo đúng nguyên tắc là đi tới mảng gần hơn.

- Một hình ảnh lớn, tập hợp những hình ảnh khác, giống hệt nhưng nhỏ hơn thì dễ gây chú ý và lôi cuốn người xem.

- Một điểm duy nhất quan trọng ở quá gần khung tranh làm cho cái nhìn của ta phải vấp vào đường chu vi của tranh gây hại cho những yếu tố khác. Phần còn lại của hình ảnh do đó có thể bị bỏ qua. Điều này giải thích một phần sự thận trọng thường xuyên của người họa sĩ trong việc phân bổ và cân bằng những yếu tố khác nhau trong tranh.

- Hai điểm quan trọng cùng phải được chú ý lại ở quá xa nhau sẽ làm cho cái nhìn bị giằng co. Chẳng điểm nào làm trọn vai trò chủ yếu của mình là cuốn hút sự chú ý của người xem. Trái lại, nếu chúng xích lại gần nhau thì sẽ làm giảm bớt được sự bất lợi nói trên.

- Sự đọc hiểu một hình ảnh theo thói quen của chúng ta là đọc sách (từ trái sang phải ở các nước phương Tây) con mắt ta “quét” trên hình ảnh bắt đầu từ góc cao bên trái, rồi đi dần xuống theo kiểu “dính dắc” từ phải sang trái cho đến tận góc thấp dưới cùng bên phải (xem hình vẽ ở trên đầu trang). Đó cũng là động thái của một chủ đề “động” làm cho chủ đề này trở nên năng động hơn khi nó được trình bày đi từ trái sang phải theo hướng chuyển của mắt nhìn. Còn ở phương Đông, nơi thói quen đọc sách lại khác (đọc từ phải sang trái) động tác tất nhiên phải ngược lại. Muốn phê phán một bức tranh khắc gỗ Nhật bản cho đúng với giá trị và trình bày được ý nghĩa cốt lõi của nó, một người phương Tây sẽ phải cố gắng “đọc” bức tranh bắt đầu từ bên phải.

Chương 1 ← chương 2 → Chương 3

MỤC LỤC

Chương 1 - Những bí mật của sáng tạo nghệ thuật
Chương 2 - Hoạt động của mắt người
Chương 3 - Những thành phần của một hình ảnh
Chương 4 - Hiện thực thăng hoa
Chương 5 - Nghệ thuật bố cục
Chương 6 - Nghệ thuật khuôn hình
Chương 7 - Những đường định hướng
Chương 8 - Sự cân bằng các mảng khối
Chương 9 - Khoảng rỗng và không gian
Chương 10 - Điểm được lợi và điểm nhấn mạnh
Chương 11 - Cận - tiền cảnh
Chương 12 - Hậu cảnh
Chương 13 - Sự thu hẹp phạm vi
Chương 14 - Hình học bí mật của hình ảnh
Chương 15 - Nhịp điệu của một bố cục
Chương 16 - Những biểu hiện tương phản


Bản dịch của họa sĩ Đức Hòa từ cuốn "L’Art de la composition et du cadrage" (1992), của Bernard Duc, nhà xuất bản Fleurus 11 đường Duguay — Trouin, Quận 6, Paris

No comments

Leave your comment

In reply to Some User

Các bài liên quan