Chương 16 của Nghệ Thuật Bố Cục và Khuôn Hình

Chương 16 - NHỮNG BIỂU HIỆN TƯƠNG PHẢN

Các yếu tố so sánh • Những tương phản tỷ lệ, hình dạng, chất liệu, ở gần, màu sắc

Trong tất cả các cách thức mà người họa sĩ dùng để tôn vinh những nét đặc trưng của chủ thể trong tranh, ta thấy rằng việc sử dụng hình học, sự đơn giản hóa các hình thể là thường hay được dùng nhất, ngoại trừ việc làm biến dạng các hình thể hay khuyếch đại chúng lên (xem chương 14). Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, điều này vẫn tỏ ra còn thiếu và chỉ bằng cách so sánh hay tạo ra sự đối lập cố ý với một hình khác mà chủ thể mới bộc lộ được nét đặc trưng của mình hoặc diễn đạt được nét này một cách rõ nhất. Các thuật ngữ “so sánh” và “tương phản”, tuy vậy, lại nói đến hai thực tế rất khác biệt.

Các yếu tố so sánh

Việc dùng đến một yếu tố so sánh sẽ thường xuyên được khích lệ bởi nhu cầu bổ sung các thông tin liên quan đến chủ thể khi đó là một yếu tố vật chất: con người, đồ vật, tòa kiến trúc... mà kích thước và khối lượng có thể thay đổi một cách đáng kể. Đâu là kích thước chính xác? Đâu là các số đo, tỷ lệ, phạm vi, diện tích của nó?

Sự chuẩn xác chỉ có thể được đưa ra, với điều kiện đặt yếu tố đó vào mối tương quan với một yếu tố khác có các kích thước đã được biết trước đối với người xem và không bao giờ thay đổi tỷ lệ đáng kể. Tuy nhiên, hai yếu tố để so sánh này sẽ cần phải nằm trên cùng một lớp cảnh.

Ví dụ: một người có tầm vóc bé nhỏ sẽ chỉ bộc lộ kích thước bé nhỏ đó khi anh ta bị đặt đứng cạnh một người có kích thước bình thường.

Ngược lại, sẽ khác hẳn nếu hai người này được đặt trong phối cảnh hút mạnh vào chiều sâu, người này ở tiền cảnh, người kia ở đằng xa thì sẽ không thể xác định được ai là người bé nhỏ trong hai người này.

Những sự tương phản

Vậy là đôi khi mắt nhìn có nhu cầu đánh dấu để phán xét một cách khách quan bản chất của mọi thứ. Tuy nhiên, thường thì các họa sĩ tạo hình và họa sĩ vẽ tranh truyện hay nhà nhiếp ảnh sẽ phải đưa vào trong bố cục một yếu tố so sánh dùng để làm tăng giá trị của chủ thể chính và tôn vinh những đặc trưng cơ bản của nó bằng sự tương phản. Tùy trường hợp mà định số khả năng sẽ phải dự tính.

Những tương phản về tỷ lệ sẽ làm một hình khối có giá trị so với một khối khác: cái lớn đối lập với cái nhỏ, người béo làm cho người gầy gầy hơn..v.v... Ví dụ như sự đồ sộ của một tòa nhà sẽ tăng thêm nếu ta đưa vào dưới chân nó một hay nhiều người, nên khi ta nhìn lại thì tòa nhà này sẽ ấn tượng mạnh hơn hẳn. Cũng vậy, khi một hay nhiều người được dựng vào khuôn hình ở góc của hình ảnh sẽ làm nổi bật sự bất tận của một cảnh quan sa mạc mênh mông, hoang vắng.

Những tương phản hình thể: hình tròn sẽ làm tăng giá trị hình vuông đường ngoằn ngoèo sẽ làm nổi bật đường thẳng..v.v... Ví dụ như một hình có các đường cong điều hòa sẽ là quý hiếm nếu nó được các hình góc cạnh bao quanh hoặc ngược lại.

Làm tăng giá trị một hình thể nhờ sự tương phản ở khoảng cách gần

Cách đơn giản nhất để tăng giá trị cá biệt của một hình thể (cái này tròn, cái kia vuông...) là đặt chúng trong tương quan với một hay nhiều hình thể có hình dạng khác.

Ví dụ một chủ thể có góc sẽ mất ưu thế nếu nó bị bao quanh bởi nhiều hình cũng có góc nhọn (hình A).

Ngược lại, góc nhọn tự nhiên của nó sẽ nổi bật và được tăng giá trị do tương phản, trong một môi trường nhiều hình tròn hay cong lượn (hình B). Cũng vậy, một nhóm các cấu trúc dày, đậm sẽ làm tăng giá trị của hình hẹp, mỏng, cái ngắn tôn vinh cái dài..v.v...

Những tương phản về chất: chất trơn nhẵn sẽ làm tăng giá trị cho chất sần sùi, chất thô ráp sẽ làm tăng giá trị của chất mịn mượt.

Những tương phản ở khoảng cách gần: người ta nói rằng những người đàn bà xinh xắn không muốn đi dạo với một chàng trai quá đẹp vì sợ bị trở thành “ưu tiên phụ” và sẽ chỉ làm cái bóng cho sự sáng chói của người kia. Đó là việc mà các họa sĩ làm khi phải lựa chọn một vật trang trí tương đối kém độc đáo hay trung tính để làm tăng giá trị bằng sự tương phản với cái áo chẽn thêu ren sang trọng hay chiếc áo dài kim tuyến của người mẫu.

Những tương phản màu sắc: một sắc xám sẽ có vẻ sáng hơn khi nó được so sánh với một sắc tối hơn, nhưng nó lại có vẻ tối đi nếu đối diện với một sắc sáng hơn. Một sắc màu mạnh sẽ bị mất đi giữa các sắc màu rực rỡ khác, nhưng nó sẽ nổi bật khi ở giữa các sắc màu trầm đục hơn. Cũng như vậy ta có thể sử dụng các tương phản sáng tối, đen trắng (họa sĩ tranh truyện tranh khắc và các nhà nhiếp ảnh thấy tương phản đen trắng thật tuyệt vời) các màu nóng đối lập với các sắc lạnh hơn..v.v...

Những tương phản trong bố cục có biết bao nhiêu sự đối lập trong một bố cục, các đường định hướng, các đường ngoằn ngoèo đối lập với các đường thẳng..v.v... Nhưng ta cũng có thể làm tăng giá trị một phần bố cục đặc biệt phức tạp (náo động, rườm rà, lộn xộn ...) bằng cách đối lập nó với một phần khác yên tĩnh hơn, ngay ngắn hơn.

Tất cả những cách này đều ổn với điều kiện là không gây ra một sự lầm lẫn khó chịu nào trong tinh thần của khán giả. Yếu tố so sánh không cần phải khẳng định về sự xuất hiện của nó với quá nhiều sức mạnh, làm hại tới chủ thể mà lẽ ra nó phải có nhiệm vụ góp phần làm tăng giá trị. Trên nguyên tắc, ta sẽ tự phải sắp xếp bố cục hay khuôn hình một cách gián tiếp sao cho yếu tố so sánh rõ ràng là thành phần phụ của chủ thể chính.

sự so sánh

A. Trong nhiều trường hợp, sự hiện diện đơn giản của một hình thể (đồ vật..v.v..) không đủ để cho ta biết trọn vẹn về bản chất chính xác của nó: kích thước của nó, hình khối của nó. Như ở đây chẳng hạn, chúng ta thấy khối lập phương lớn đặt cạnh một khối nhỏ, nhưng ta không thể quả quyết rằng trên thực tế là một khối nhỏ đặt cạnh một khối nhỏ tí xíu hay ngược lại, khối mà ta tưởng là nhỏ xíu, thực ra rất to để cạnh một khối cực kỳ đồ sộ. Đây là sự lầm lẫn về khái niệm có giá trị so sánh.

BC. Một yếu tố so sánh sẽ có giá trị khi các kích thước của nó được mọi người biết trước và ít có khả năng biến đổi lớn. Như vậy, khối lập phuơng của chúng ta, mặc dù nó chiếm một khoảng lớn trong khuôn hình vẫn luôn rất nhỏ (B) hoặc cực lớn (C), tùy theo yếu tố so sánh mà ta đặt cạnh nó (chiếc chìa khóa hoặc một người). Với điều kiện là cả hai đặt cùng trên một lớp cảnh. Tóm lại, trong ngôn ngữ hình ảnh, yếu tố so sánh đóng vai trò tính từ của văn học. Bức tượng này lớn, cái này hoành tráng, khối hộp này nhỏ, các đợt sóng này hết sức ấn tượng.

Monet (1840 - 1926) - “Biển động ở Étretat”

Hãy thử dùng ngón tay hay một mẩu giấy che khuất nhóm người bên dưới bức tranh của Monet, các bạn sẽ hiểu ngay lập tức giá trị của nhóm người này. Nếu thiếu yếu tố so sánh mà kích cỡ của nó được biết trước (tầm cao trung bình của con người), chúng ta sẽ không thể phán xét kích thước của vách đá ở hậu cảnh, và của những đợt sóng lớn ào ào tràn vào bãi biển. Biển cho ta cảm giác như còn đang “xáo động”, nhưng chúng ta không thể nào nói được mức độ, tầm cao của các đợt sóng dữ dội của nó.

Không chỉ là ngụ ý trong tranh, không chỉ là xếp vào chỗ trống bên dưới tranh, nhóm người nhỏ bé này đóng vai chính trong tranh. Họ là yếu tố so sánh, là vật chuẩn, so với họ, tất cả các tỷ lệ khác được ước lượng đúng mức.

chương 15 ← chương 16

MỤC LỤC

Chương 1 - Những bí mật của sáng tạo nghệ thuật
Chương 2 - Hoạt động của mắt người
Chương 3 - Những thành phần của một hình ảnh
Chương 4 - Hiện thực thăng hoa
Chương 5 - Nghệ thuật bố cục
Chương 6 - Nghệ thuật khuôn hình
Chương 7 - Những đường định hướng
Chương 8 - Sự cân bằng các mảng khối
Chương 9 - Khoảng rỗng và không gian
Chương 10 - Điểm được lợi và điểm nhấn mạnh
Chương 11 - Cận - tiền cảnh
Chương 12 - Hậu cảnh
Chương 13 - Sự thu hẹp phạm vi
Chương 14 - Hình học bí mật của hình ảnh
Chương 15 - Nhịp điệu của một bố cục
Chương 16 - Những biểu hiện tương phản


Bản dịch của họa sĩ Đức Hòa từ cuốn "L’Art de la composition et du cadrage" (1992), của Bernard Duc, nhà xuất bản Fleurus 11 đường Duguay — Trouin, Quận 6, Paris

No comments

Leave your comment

In reply to Some User

Các bài liên quan