Chương 9 của Nghệ Thuật Bố Cục và Khuôn Hình

Chương 9 - CÁC KHOẢNG TRỐNG VÀ KHÔNG GIAN

Khi khán giả xem xét một hình ảnh (tranh giá vẽ biểu hình hay phi biểu hình, hình ký họa, tranh truyện, ảnh chụp…) ánh mắt của anh ta sẽ dễ bị thu hút và lôi kéo bởi những yếu tố “kể chuyện” miêu tả chủ thể (hình tượng, đồ vật, nhân vật và bối cảnh …) nhưng thường không nghỉ ngợi gì về sự hài lòng mà anh ta có được khi xem tranh cũng như cảm xúc do tranh mang lại có bao nhiêu phần tử các khoảng trống và không gian trừu tượng hơn, được chừa lại bởi các khoảng đặc. Các khoảng trống này trên thực tế, có biết bao nhiêu sự kết nối vô hình và khó thấy, liên kết giữa chúng và các hình thể khác được thể hiện và tham gia tất cả những gì làm nên các hình khối tạo hình chủ yếu của hình ảnh.

Các khoảng trống có thể là các phần mặt tranh hoàn toàn rỗng, không hề có hình, khi mà chủ thể nổi bật trên một nền rộng trung tính hay trên một khoảng trời quang đãng. Chúng cũng có thể dựa trên một hậu cảnh

Thực hành

Điều chủ yếu của thao tác sẽ nhằm đảm bảo tính thống nhất về tạo hình của bố cục. Như vậy:

  • Các khoảng trống đơn giản tới mức tối đa, tức là có xu hướng hình học: hình chữ nhật, hình ô van, tam giác, các đường cong hài hòa … sẽ luôn tạo ra tính nhất quán lớn hơn nữa cho tổng thể và sẽ tạo ra sự dễ dàng đáng kể để “đọc” hình ảnh.
    Đối với các thao tác quan trọng để phân chia các mảng, cần phải luôn luôn bảo đảm rằng các đường viền (hay contours) của các hình thể khác nhau sinh ra các khoảng trống (tương đối) đơn giản mà không gây khó chịu cho mắt. Một nhu cầu luôn luôn thường trực ở họa sĩ là làm đơn giản các hình thể, “lược bỏ ” nét vẽ hay ít nhất là “tẩy đi” các góc quá nhọn của nó để đáp ứng nhu cầu chung của tất cả các họa sĩ lớn: đặt vào và hòa nhập các yếu tố cần miêu tả trong một tổng thể hoàn hảo về mặt tạo hình.
  • Khi đường viền của một hình thể tương đối phức tạp; hình răng cưa hay zích zắc hoặc quá ngoằn ngoèo mà người ta không thể làm đơn giản nó được thì giải pháp sẽ là đem đối lập nó với một hình thể khác có đường viền thẳng hơn như vậy khoảng trống giữa hai hình thể này sẽ bớt khó chịu khi nhìn.
  • Đối với thao tác quan trọng để phân chia các mảng, có một cách khác để đơn giản hóa các mảng trống là tập hợp chúng lại trong một mảng duy nhất có đường viền tương đối thẳng để giải tỏa các đường viền phức tạp của chúng mà không cần xóa bỏ chúng.

Hơn nữa, khi các thành phần của hình ảnh khá là đông đúc, sinh ra nhiều khoảng trống nhỏ, thì thao tác tập hợp lại các mảng sẽ có lợi là làm giảm số lượng các khoảng trống. Bố cục sẽ nhờ đó mà có được tính thuần nhất

  • Việc xử lý các khoảng rỗng cũng như các khoảng đặc, sẽ không bao giờ thực hiện được mà không tính đến những sự khó cưỡng lại của mắt người. Vì biết rằng ánh mắt dễ thấy nhàm chán bởi một bố cục quá đối xứng hay thiếu đa dạng người ta sẽ quan tâm tới những chỗ mà các khoảng trống không quá bằng nhau và cũng không được sắp đặt một cách quá đều đặn trên toàn bộ bề mặt của hình ảnh.
  • Khi mà chủ thể được cấu tạo bởi chỉ một mảng lớn chính (nhân vật toàn thân hay bán thân) người ta sẽ làm thế nào để nó không bị đặt vào trung tâm, trên trục dọc hay ngang của hình ảnh, để khỏi tạo ra các khoảng trống với kích thước đều nhau.
  • Khi chủ thể phải được tập trung trên một trục của hình ảnh, người ta sẽ làm để đường viền của nó tạo ra các khoảng trống không đều nhau, ở hai bên (xem chủ đề này ở chương 6).
  • Khi chủ thể gồm nhiều yếu tố khác biệt, được đặt cạnh nhau thì vấn đề cũng là phải chăm lo sao cho các khoảng trống đảm nhiệm tốt vai trò “kết nối” và góp phần vào hiệu quả tổng thể. Đặc biệt là người ta sẽ coi chừng các hình thể bên cạnh nhau để chúng không tạo ra một khoảng trống quá thẳng hàng tới mức khó chịu.
  • Cũng cần chú ý tới các khoảng trống quá hẹp giữa hai hình thể ở cạnh nhau mà khác biệt. Trái ngược với ý muốn có hai mảng, nếu hai hình thể cách nhau một khoảng quá hẹp, cũng dường như chỉ có thể tạo ra một mảng mà thôi.

Thêm nữa, các khoảng trống quá hẹp giữa các yếu tố khác nhau sẽ luôn tạo ra vẻ mỏng manh dễ vỡ cho bố cục, nếu không, sẽ là một ấn tượng lẫn lộn. Các khoảng trống quá chật hẹp, sát bên lề của bố cục cũng nên tránh. Không mấy dễ chịu cho ánh mắt, chúng luôn tạo ra cảm giác là khuôn hình kém tự chủ. Nếu không thể thu xếp được một khoảng trống xứng đáng ở bên rìa của khuôn hình, thì một giải pháp tốt sẽ là đặt chủ thể nằm vắt ngang một cách thẳng thừng trên đường viền khuôn hình, nghĩa là “cưa đôi” nửa trong nửa ngoài, nhằm gạt bỏ khoảng trống rất khó chịu.

Tuy nhiên, một sự thái quá dường như tốt hơn là ngược lại. Một không gian rỗng quá lớn giữa nhiều hình khối khác biệt, sẽ cho cảm giác đáng buồn về sự sôi nổi của các thành phần bố cục. Điều này không loại trừ sự tồn tại của các khoảng trống lớn có giá trị biểu cảm, đôi khi có thể xâm lấn phần lớn

Khi làm bố cục, thường thì người ta không mấy bận tâm tới các khoảng trống với mục đích chỉ để làm đẹp. Trong một số trường hợp, các khoảng trống và không gian tự chúng có thể có một giá trị và một sức biểu cảm mạnh mẽ thường ít thấy theo các nguyên tắc chủ yếu như ở đây.

 

NHỮNG KHOẢNG TRỐNG ĐẦY BIỂU CẢM

A. Những khoảng trống hay không gian bao quanh chủ thể chính – chúng thậm chí là tập hợp choán đầy các yếu tố phụ hoặc yếu tố giai thoại – có thể có một giá trị biểu cảm lớn hơn cả khoảng đặc (những yếu tố nhìn thấy, những hình thể hiện hữu). Thậm chí những khoảng trống này cho ta một ý nghĩa sâu thẳm của bức tranh.

Ví dụ, chủ thể, nếu được bao quanh bởi những khoảng trống lớn như ở đây, sẽ cho một ấn tượng cô đơn về thể chất hoặc tinh thần: bơ vơ, cô đơn, bối rối…

B. Tuy nhiên, tất cả phụ thuộc vào vị trí mà những khoảng trống chiếm lĩnh trong khuôn hình. Một khoảng trống lớn ở phần phía trên của bố cục có thể góp phần nhạy cảm vào việc tăng cường cho ý tưởng về định mệnh đè nặng lên hai vai của chủ thể, hay cả ý tưởng về sự mệt mỏi ủ rũ của anh ta về thể xác hay tinh thần. Hãy xem tranh “Cơn bão” trang 141.

C Một khoảng không gian rộng ở phía trước hình ảnh sẽ nhấn mạnh ý định xuất phát hay ý đồ chạy trốn của chủ thể (không gian này tạo khoảng cách với khán giả) nhất là khi anh ta đang chuyển động và quay lưng lại.

NHỮNG KHOẢNG TRỐNG ĐẦY BIỂU CẢM

D. Một khoảng trống lớn giữa hai nhân vật sẽ gợi ý đầy biểu cảm (có thể nhìn thấy bằng mắt) cho ý tưởng về sự đối lập của họ, sự bất hòa giữa họ, hay biểu hiện về sự đối địch giữa họ. Về chủ đề này, hãy xem trang 128, hình ảnh của phim “Giám sát ngay trước mắt”.

E. “Chơi” các khoảng rỗng để biểu hiện, đôi khi lại là dùng phần tinh giản nhỏ nhất có thể. Khi một nhân vật phải biểu lộ tình cảm thấy rõ (ví như ở đây là một người có vẻ đầy đe dọa), thì khuôn hình anh ta theo cách kéo lại gần (các khoảng trống giảm xuống tối thiểu) sẽ góp phần nhạy cảm gây ra bầu không khí căng thẳng cho cả khung cảnh (hãy so sánh AE).

E.Degas (1834 – 1917) – “Trong quán cà phê” hay “Rượu áp xanh”

Một khoảng trống lớn (có bày đồ gỗ) chiếm hết tiền cảnh và bên trái bức tranh gợi ra ở đây vẻ cô đơn bối rối của người thiếu phụ đang mê mụ đi vì uống rượu.

J.De MONTER – “Cơn bão”

Trong bức tranh này, không gian bao la đè nặng lên chiếc thuyền trong cơn nguy ngập, hiệu quả còn được đẩy sâu hơn nữa do khuôn hình được đặt nằm ngang.

Các khoảng trống đầy biểu cảm, vài nguyên tắc cơ bản
  • Khoảng trống càng lớn sẽ càng xâm lấn hình ảnh, càng làm bức tranh trở nên “thoáng khí”. Khi khoảng trống lớn này bao quanh toàn bộ chủ thể, nó sẽ cho một ấn tượng cô đơn, cô lập, một cảm giác bơ vơ.
  • Ngược lại, khi càng tiến đến gần chủ thể (góc nhìn gần, cận cảnh) thì các khoảng trống và không gian bao quanh chủ thể càng giảm, hình ảnh sẽ càng có tính chất uy hiếp, áp bức (tranh thiếu “thoáng khí”)
  • Một không gian lớn trống rỗng giữa hai nhân vật sẽ gợi ý bằng hình ảnh một ý tưởng chia ly, tan vỡ, bất hòa, có vẻ đối kháng hoặc ngược lại, ý tưởng tương hợp, thông cảm, đồng ý sẽ xuất hiện khi khoảng trống giảm thiểu giữa hai nhân vật.
  • Một khoảng trống lớn phía trước chủ thể tích cực hoạt động sẽ trợ giúp cho hoạt động. Ngược lại, nếu chủ thể được đặt vào trung tâm, trên đường trục của hình ảnh, mà khoảng rỗng bao quanh quá đều nhau thì hoạt động sẽ gần như bị giảm thiểu tới mức bất động, tĩnh lặng.
  • Cuối cùng, hãy xem lại tranh “Măng tây” của Manet (trang 89) làm sao mà một khoảng trống lớn, không có giá trị đặc biệt về tâm lý nhưng lại tạo điều kiện làm nổi bật một chủ thể vốn có đặc tính hết sức tầm thường.
 

NHỮNG KHOẢNG TRỐNG ĐẦY BIỂU CẢM CHỦ THỂ ĐANG CHUYỂN ĐỘNG

A. Khi chủ thể chính đang chuyển động (chạy, bước đi, nhảy…) các khoảng trống bao quanh cũng có thể có một giá trị biểu hiện, là sự thú vị để khai thác trong một số trường hợp (minh họa, tranh truyện, quảng cáo …). Ta nên loại bỏ ngay ý định đặt chủ thể trên trục giữa các hình ảnh (A) là giải pháp đầy do dự mà hiệu quả của nó làm động tác bị đông cứng (bởi vì khuôn hình của cảnh này có hai khoảng trống quá đều nhau trước và sau chủ thể). Sau đây còn có hai giải pháp nữa.

B. Hoặc là chúng ta xê xích (thậm chí rất nhẹ nhàng) chủ thể so với đường trục chính giữa tranh, sao cho phía trước chủ thể là khoảng trống lớn nhất (đó là giải pháp được sử dụng nhiều nhất). Hành động dường như mới bắt đầu (ở đây người chạy lao tới cố gắng hết sức). Hoạt động có vẻ như năng động hơn.

C. Ngược lại, nếu chúng ta muốn gợi ra ý tưởng về một hành động hoàn tất, một khoảng trống lớn phía sau chủ thể sẽ biểu thị rõ hơn điều này (chủ thể đã chạy qua khắp cả không gian của bức tranh). Trái lại hoạt động sẽ dường như kém năng động.

Theo một cách cơ bản hơn, sự năng động của một chủ thể đang chuyển động sẽ động nhất khi hoạt động hướng theo chiều từ trái sang phải nghĩa là theo hướng đọc thông thường của phương Tây, hoặc nếu nó được đặt trong khuôn hình theo đường chéo góc đi xuống của hình ảnh.

chương 8chương 9 → chương 10

MỤC LỤC

Chương 1 - Những bí mật của sáng tạo nghệ thuật
Chương 2 - Hoạt động của mắt người
Chương 3 - Những thành phần của một hình ảnh
Chương 4 - Hiện thực thăng hoa
Chương 5 - Nghệ thuật bố cục
Chương 6 - Nghệ thuật khuôn hình
Chương 7 - Những đường định hướng
Chương 8 - Sự cân bằng các mảng khối
Chương 9 - Khoảng rỗng và không gian
Chương 10 - Điểm được lợi và điểm nhấn mạnh
Chương 11 - Cận - tiền cảnh
Chương 12 - Hậu cảnh
Chương 13 - Sự thu hẹp phạm vi
Chương 14 - Hình học bí mật của hình ảnh
Chương 15 - Nhịp điệu của một bố cục
Chương 16 - Những biểu hiện tương phản


Bản dịch của họa sĩ Đức Hòa từ cuốn "L’Art de la composition et du cadrage" (1992), của Bernard Duc, nhà xuất bản Fleurus 11 đường Duguay — Trouin, Quận 6, Paris

No comments

Leave your comment

In reply to Some User

Các bài liên quan