Chương 8 của Nghệ Thuật Bố Cục và Khuôn Hình

Chương 8 - SỰ CÂN BẰNG CÁC MẢNG KHỐI

Các chủ thể đơn giản • Sự cân bằng của hai mảng cạnh tranh • Chủ thể phức tạp, sự tập hợp lại các mảng khối • Các mảng khối tô màu.

Khi thực hiện một bức tranh, một trong những thời điểm quan trọng nhất là lúc người họa sĩ phân chia các “mảng” để chúng cân bằng một cách điều hòa với nhau. Trong hội họa người ta tạo hình bằng “mảng” tất cả các hình thể hay khối theo các phong cách khác nhau. Cũng có thể đó là các bề mặt bao quát đơn giản hay các bề mặt tô màu.

Việc cần phải phân chia các mảng được giải thích bằng việc khám phá bề mặt hình ảnh hay bức tranh của ánh mắt. Mỗi một “mảng”, một hình thể, một yếu tố khác biệt tạo nên trên thực tế là một điểm dừng (điểm neo) của ánh mắt. Ánh mắt sẽ chộp lấy điểm đó và dừng lại ở đó lâu hay chóng tùy theo sự quan trọng của nó so với các yếu tố khác. Điều đó có nghĩa là phải làm thế nào để các đỉểm dừng này không làm cho ánh mắt bị hốt hoảng một cách không cần thiết (khi các yếu tố được thể hiện quá đông và được xếp đặt một cách quá bừa bãi trên toàn bộ bề mặt của hình ảnh) hoặc không nên ru ngủ ánh mắt (nếu các điểm dừng này được phân chia quá đều đặn và đối xứng).

Đặc biệt, người ta sẽ chú ý để sao cho một yếu tố quá lớn không chèn ép một vài mảng khác hoặc không có một trọng lượng quá “nặng” để làm mất cân bằng của bố cục.

Trên thực tế, mỗi một bố cục (hoặc khuôn hình) đòi hỏi một cách xử lý đặc biệt. Bố cục càng có nhiều yếu tố đa dạng và tản mạn, thì việc tổ chức bề mặt của hình ảnh lại càng đòi hỏi một sự chú ý cao độ. Tuy vậy, công việc này sẽ thuận lợi hơn nhiều nếu ta lựa chọn trước những đường định hướng lớn (xem chương 7) mà xung quanh nó, các mảng hay khối có thể được sắp xếp một cách dễ dàng.

Trong lĩnh vực này, người họa sĩ được thuận lợi hơn nhà nhiếp ảnh bởi vì anh ta có thể xử lý thực tế một cách tự do hơn. Tuy vậy, nhà nhiếp ảnh vẫn có thể di chuyển và xoay quanh chủ thể cho đến khi tìm được góc nhìn mà từ đó ta thấy các mảng, các khối cân bằng với nhau một cách hoàn hảo nhất, và cũng từ góc nhìn đó, ta có thể loại bỏ các yếu tố hỗn độn luôn đe dọa làm mất cân bằng của bố cục ra khỏi khuôn hình.

Thực hành

Nói về bố cục thì mỗi một trường hợp đều là trường hợp đặc biệt. Không một công thức nào có thể thay thế được “cái nhìn bao quát” của nghệ sĩ đang tiến hành phân chia các mảng trong một trật tự có tính đến các tiêu chí rất đa dạng: số lượng các yếu tố khác biệt được thể hiện, mảng khối của chúng, vị trí của chúng trên các lớp cảnh khác nhau của hình ảnh, nhịp điệu mà ta muốn đưa vào bố cục, bầu không khí chung mà bố cục phải gợi ra. Tối đa người ta có thể gợi ra một vài nguyên tắc cơ bản, có giá trị tương đương, bất kể kỹ thuật được sử dụng: tranh giá vẽ, tranh truyện, nhiếp ảnh hay khuôn hình điện ảnh.

Các chủ thể đơn giản

Khi một chủ đề được tối giản trong một tạo hình chủ thể duy nhất - một mảng khối: một đồ vật đơn, một nhân vật nhìn toàn thân hay nửa người, một khuôn mặt cận cảnh... thì việc phân chia các mảng không đặt ra một vấn đề gì. Chỉ cần đặt khuôn hình tại đó hơn là làm bố cục. Về nguyên tắc, người ta sẽ chỉ chú ý để không đặt mảng khối duy nhất này vào đúng giữa tranh hoặc trên một trong các trục của nó, ít nhất là để tạo ra một không khí trang trọng lặng lẽ cho chủ đề hiện diện (xem chủ đề này ở chương 6).

Sự cân bằng của 2 mảng cạnh tranh

Khái niệm cân bằng các mảng được thể hiện đầy đủ ý nghĩa khi chủ thể được cấu tạo bởi hai hình thể: hai đồ vật, hai nhân vật toàn thân hay nửa người, hai khuôn mặt... tức là chia ra trong khuôn hình của hình ảnh. Trong trường hợp này, thao tác là tương đối dễ. Tuy vậy, hãy lưu ý rằng khái niệm cân bằng các mảng không giả định việc phân chia chúng đều đặn và đối xứng hai bên bố cục. Một đối xứng quá lộ liễu sẽ là không dễ coi. Vấn đề là phải đánh giá được "sức nặng trông thấy được” của mỗi một trong hai yếu tố được thể hiện và phải làm sao để yếu tố kém quan trọng hơn đóng vai “đối trọng" của yếu tố mà người ta muốn ưu tiên hơn.

Nói chung sự xê xích của một trong hai mảng so với đường trục của hình ảnh sẽ đủ để làm “náo nhiệt” bố cục mà không làm nó mất cân bằng. Ngược lạị, sự xê xích kết hợp của cả hai mảng quá xa với trục dọc, một mảng sang trái, mảng kia sang phải, sẽ có nguy cơ tạo ra đối xứng, kém dễ chịu với ánh mắt hơn vì có một khoảng trống giữa hình.

Cuối cùng nếu ta muốn phá vỡ sự đơn điệu sinh ra bởi hai mảng có tầm quan trọng như nhau trên cùng một lớp cảnh, thì giải pháp sẽ là sắp xếp chúng nếu có thể trên đường chéo của hình ảnh (hoặc gần như vậy). Hoặc nếu ta có thể sử dụng hiệu quả phối cảnh, thì do đó có thể điều chỉnh một cách tinh tế kích thước của hai mảng. Một mảng sẽ bị đẩy ra xa, mảng khác sẽ được đặt ra phía trước của hình ảnh. Trong trường hợp này, thật không mấy quan trọng khi hai yếu tố được phân chia đối xứng hai bên trục dọc của hình ảnh. Bởi vì chúng sẽ không có cùng một kích thước nữa nên sẽ không cùng tạo ra một cảm giác khó chịu về sự đối xứng.

 

NGUYÊN TẮC CÂN BẰNG CÁC MẢNG

A. Điểm cân bằng của một bố cục, về nguyên tắc thường ở giữa bức tranh. Nhưng không phải là cứ chia đều và chia đối xứng những yếu tố khác nhau ở hai bên điểm này là ta có sự cân bằng. Vấn đề trước hết làm sao để một yếu tố hay một nhóm các yếu tố không quá nặng về một bên của bố cục, làm nhẹ hẵn phần đối trọng bên kia. Ví dụ như ở đây chẳng hạn, một mảng quan trọng (mà cũng có thể là một nhóm các yếu tố khác nhau được tập hợp lại) đặt sát bên lề bố cục, làm mất cân bằng cho bên phải. Nó lôi kéo quá nhiều sự chú ý, làm thiệt hại cho yếu tố nhỏ hơn ở bên kia.

B. Nếu không thể rút ra một vài yếu tố của mảng gây mất cân bằng bố cục để đắp thêm vào phía bên kia thì đơn giản là nên đẩy cho mảng lớn này xích về phía điểm cân bằng của bố cục làm nó cân bằng trở lại.

C. Nhưng nếu ta cho thêm yếu tố thứ ba vào bên trái của tranh thì bố cục sẽ lại mất cân bằng một lần nữa.

D. Bố cục sẽ hoàn toàn cân bằng nếu ngược lại, ta đặt yếu tố mới vào phía bên kia, nơi đĩa cân nhẹ hơn.

 

 

NGUYÊN TẮC CÂN BẰNG CÁC MẢNG

Baugin - "Món bánh cuộn tráng miệng"

Một ví dụ cổ điển về việc phân chia các mảng một cách tốt đẹp. Bên trái, mặt tường đứng vuông góc với mặt bàn (1) tạo thành đối trọng với chiếc bình tròn đặt ở phía đối diện (2) chiếc ly (4) bù trừ vào mảng trống phía trên mảng tròn của chiếc đĩa bánh cuộn (3) và nhằm dẫn cái nhìn hướng về trung tâm của bố cục.

E. Nếu chúng ta muốn đưa yếu tố thứ tư vào bố cục (bên trên) và đặt nó cân hai bên trên trục cân bằng của hình ảnh, bố cục vẫn cứ sẽ thăng bằng như vậy.

F. Sẽ dễ dàng làm cho một bố cục được cân bằng khi nó được “đặt” trên một đường ngang lớn. Đường này giúp ổn định các hình thể được thể hiện ở đó dù các hình khối và trạng thái tự nhiên của chúng rất khác nhau.

E.Bilal - “Người đàn bà cạm bẩy”
(Chữ trong tranh: “Luân đôn 22 tháng 2 năm 2025. Trao đổi thư từ đặc biệt, JIU BIOSKOP…, truyền Kịch bản chi tiết - WALKER ...)

Trong một tranh truyện hay trong điện ảnh (hay tranh vẽ), một cận - tiền cảnh được lựa chọn tốt sẽ thường là phương tiện làm cân bằng hoàn hảo hơn cả khuôn hình, ở dây, bức mành sáo Vơnidơ và chiếc ghế phôlơi (3 và 4) ở cận - tiền cảnh “đặt nặng” phía bên phải của bố cục và góp phần theo cách đó làm cân bằng mảng chính (2), tất cả tham gia tích cực vào môi trường chính của phân cảnh này.

 

 

cân bằng các mảng trong phim

Phim của Claude Miller - “Giám sát ngay trước mắt”

Có sự khác nhau về tiền lệ, khuôn hình này, trích từ phim “Giám sát ngay trước mắt” của Claude Miller cũng đáng chú ý bởi sự cân bằng hoàn hảo của nó. Hai mảng chính (1 và 2) đặt bên phải và bên trái của hình ảnh bù trừ lẫn nhau, để tạo hiệu quả giải phóng một khoảng trống lớn ở giữa hết sức biểu cảm, gợi ra hiệu quả thị giác về một “hố ngăn cách" chia cắt những người cảnh sát (bên trái) với người có tư thế phòng ngừa (bên phải).

Ở hậu cảnh, một mảng thứ ba bí mật hơn (chiếc tủ và tấm riđô) góp phần lấp đầy khoảng trống lớn ở giữa và làm cân bằng tất cả một cách hoàn hảo hơn. Như vậy, hình ảnh "nói" được bởi sự trình diễn duy nhất của cách chia ra các mảng khối.

 

 

cuộc tìm kiếm sự trọn vẹn

Những trạng thái khác nhau của một tác phẩm thường tiết lộ công việc của nghệ sĩ, khi họ phân chia các mảng và cân bằng chúng dần dần từng ít một, theo cách sao cho chúng phô bày toàn bộ tạo hình để nhìn ngắm trong tất cả trạng thái đầy đủ trọn vẹn. Hai bức tranh ở đây là một ví dụ gây ấn tượng mạnh. Bức thứ nhất có đặc điểm là có vài mảng không cân bằng so với đường trục giữa của bố cục. Bức này khá là lệch về bên trái, làm cho bên phải yếu, coi như bị bỏ rơi. Có lẽ do thấy như vậy nên họa sĩ đã dừng nó ở lại ở giai đoạn phác thảo. Đang dựng bố cục, nghĩa là đang tìm cách cân bằng.

Renoir (1841 -1919) - “Hai cô gái trẻ bên đàn pianô ” - Bản thứ nhất và bản thứ hai

Ở bức thứ hai, Renoir đã thêm vào một đồ vật đủ to lên trên đàn pianô, góc trên bên phải (bình hoa) mà lại hòa nhập vào với bản dàn bè nhạc để tạo thành một mảng duy nhất. Ông cũng đã thêm vào phía dưới bên phải một mảng thứ hai, có tính chất “mồi” trong tranh (hồ sơ trên ghế phôtơi). Mảng này đủ để cân bằng tất cả. Từ phác thảo đơn giản ban đầu nay tranh đã trở thành một bố cục trọn vẹn không thể so sánh được, với tất cả các yếu tố này đã liên kết và cân bằng trên toàn bộ mặt tranh.

Các chủ thể phức hợp, sự tập hợp lại các mảng

Khi chủ thể phức tạp hơn được cấu tạo bởi nhiều yếu tố ở các mức độ không đều nhau: các đồ vật, các thành phần của một phong cảnh hay bối cảnh trang trí các nhân vật... thì càng cần phải chú ý hơn bao giờ hết để không làm bố cục mất cân bằng khi làm quá nặng nề bên trái hay bên phải, bên dưới hay phía trên.

Ngay cả khi chủ đề đòi hỏi phải tạo ra cảm giác về sự lộn xộn, có nghĩa là sắp đặt các yếu tố khác nhau để thể hiện sao cho ánh mắt khán giả, ngay từ đầu, ngạc nhiên bởi sự hỗn độn của bố cục, có thể tiếp tục chịu dẫn dắt một cách thoải mái và tìm hiểu ý nghĩa thực của tranh. Nói cách khác, tức là chế ngự được sự lộn xộn ban đầu, biến đổi nó thành một sự lộn xộn có liên kết và chủ ý, có thể “nói được” điều gì đó với ánh mắt khán giả bất chấp mọi sự và biểu lộ rõ ràng những ý tưởng hoặc dự định của nghệ sĩ.

Để làm chủ được sự lộn xộn có nghĩa là người họa sĩ sẽ gần như bị đẩy tới phải xử lý những sự tập hợp lại các mảng:

  • đôi khi hai hay nhiều mảng khối nhỏ khác nhau sẽ được nhập vào thành một mảng lớn hơn, thỏa mãn hơn về quan điểm tạo hình;
  • hoặc là, một thành phần có kích thước nhỏ hơn, không có ý nghĩa về mặt tạo hình hay quá ngụ ý, sẽ được len vào một mảng lớn hơn;
  • thỉnh thoảng, nhiều hình thể khác biệt sẽ chỉ được nối kết lại do chúng ở gần nhau, hoặc do một hình thể trung gian liên kết chúng lại. Sự kết nối này ít nhiều chặt chẽ giữa một số mảng khác biệt sẽ hợp lý hơn khi chúng được đặt dọc theo các đường định hướng lớn.

Cũng sẽ có thể phân cấp các mảng theo chiều sâu, để có thể cân bằng chúng tốt hơn. Ví dụ , khi một hình thể “nặng ký” (cảm giác bằng mắt) ở tiền cảnh, gây tổn hại cho các mảng khác, người ta có thể di chuyển nó về phía hậu cảnh để giảm bớt sự nặng nề của nó.

Cuối cùng, người ta sẽ không bao giờ phân chia các mảng khối trong khuôn hình mà không tính đến các chỗ trống hay khoảng không gian do đó mà sinh ra (xem chương 9).

Các mảng màu

Trong một bố cục, hình thể và mảng khối không phải là những thứ duy nhất đòi hỏi phải được cân bằng. Các bề mặt màu, trắng, đen và trung gian sẽ được sắp xếp, nếu không sẽ phải được tập hợp lại thành một vài “mảng màu”, ít nhiều sinh động, ít nhiều sáng tối ..vv... để đạt được một vài cân bằng về màu sắc của bố cục. Người ta cũng có thể giải quyết bằng cách chiếu sáng (sáng rõ hoặc mờ ảo) để nối và hòa hợp các mảng khối theo cách đặt chúng vào trong môi trường mờ tối giản ước hay ngược lại chúng được nhấn vào một bể ánh sáng hợp nhất.

 

nguyên tắc tập hợp lại các mảng

A. Một bố cục hơi cầu kỳ do ban đầu được tạo thành từ các thành phần hết sức đa dạng: chủ thể chính, nhân vật phụ, yếu tố hoàn toàn là giai thoại... có thể dễ gây cảm giác trôi nổi trong bố cục, nếu nó quá phân tán như ở đây.

Mắt ta rất khó mà nhận biết trong bức tranh lốm đốm này những thành phần tạp nham lủng củng, thậm chí khó mà nắm bắt ý định thực sự của họa sĩ (chủ thể chính ở đâu?).

B. Cho nên khi phân chia các mảng, thường thì người ta sẽ tập hợp lại các yếu tố có tính giai thoại nhất, để cho chúng không lôi kéo ánh mắt một cách vô ích...

Tất cả những điều đó là để tạo ra hiệu quả làm dễ dàng cho người xem tranh hoặc xem hình ảnh và có một bố cục tạo hình hoàn chỉnh hơn rất nhiều.

Sự tập hợp các mảng như vậy sẽ chủ yếu phụ thuộc vào việc xử lý chủ thể, (ở đây, nhóm tập hợp bởi người đàn bà, đứa trẻ và trái bóng đương nhiên được ưu tiên).

Chỉ từ một số các yếu tố ban đẩu rất tản mát, các cách phối hợp sẽ được thực hiện là vô cùng nhiều.

sự tập hợp lại các mảng

Hiroshige (1797 - 1858) “KUSATSU. MAIBUTSA TABETA"

Hàng chục thành phần riêng biệt rất khác nhau được tập hợp lại chỉ trong hai mảng chính, thật khó mà có thể làm tốt hơn nữa trong thể loại tranh sinh hoạt này. Đó là để tạo hiệu quả làm nổi bật chủ thể chính một cách hết sức tài tình: hai chiếc kiệu chạy ngoài phố, tự chúng họp lại thành một mảng chính duy nhất.

D. Velasquez (1599 -1660) - “Các thị nữ"

Một ví dụ đẹp về sự tập hợp lại các mảng. Chín nhân vật và một con chó ở đây được tập hợp thành ba mảng tương đối riêng biệt với mảng khối không cân xứng (quá đối xứng ít khi có thể làm hài lòng khán giả).

Hơn nữa mảng tường dọc và cửa sổ ở bên phải, cân bằng với màng dọc lớn (tấm toan căng để vẽ của họa sĩ) ở phía đối diện bên trái. Mảng cửa sổ dù nhỏ hơn, nhưng do sáng hơn nên "bắt mắt" ở phía bên phải và dễ dàng (do hướng ánh sáng) lôi kéo ta nhìn xoáy vào giữa bức tranh, tức là nhìn kỹ vào công chúa, chủ thể chính của bức tranh.

 

 

xếp thành lớp các mảng theo chiều sâu và chiều cao

A. Một bề mặt tranh được sắp xếp quá thận trọng và quá đều đặn sẽ không hấp dẫn được ánh mắt khán giả bằng một bề mặt hỗn loạn bừa bãi được bố cục lại.

Huống chi khi mà các thành phần của bố cục lại cùng một kiểu về hình khối. Do đó, người ta hết sức tránh xếp chúng thành hàng và rải chúng quá đều đặn trên cùng một lớp cảnh như là “duyệt binh” (trừ khi tạo hiệu qua cốt để nghiên cứu).

B. Do vậy, để bắt mắt hơn, người ta tiến hành tập hợp các yếu tố thành nhiều nhóm khác nhau, cũng là các hình khối không tương đương.

C. Hoặc là người ta làm sao cho các thành phần được tương đương một cách tế nhị dù còn các khoảng cách chia đều, nhưng các thành phần ít nhiều bị xê xích hoặc ra xa hoặc lại gần.

D. Người ta cũng có thể chấp nhận giải pháp là thể hiện khung cảnh theo phối cảnh. Giải pháp này có hai điều lợi: nếu sắp hàng dàn ngang, các thành phần trông rất nhàm chán, các khoảng cách giữa chúng sẽ quá đều đặn, nay nhờ có phối cảnh mà chúng trở nên không đều nhau nữa.

E. Một giải pháp nữa là sử dụng tất cả các tầng bậc chênh lệch mấp mô có trong bối cảnh hay phong cảnh (bậc thang chẳng hạn) sao cho các mảng vốn quá đều đặn như sắp hàng nay có chỗ đứng cao thấp khác nhau. Không gian của bức tranh sẽ được sử dụng tốt hơn và bố cục dường như náo nhiệt sống động hơn.

P. Picasso - “Tĩnh vật bình nhỏ có quai và những quả táo”

Bức tranh này của Picasso dường như được vẽ ra để minh họa cho những nguyên lý được trình bày ỏ trang trước.

Hai quả táo, bên dưới được đặt gần xa khác nhau (do đó hơi có phối cảnh một chút).

Hai quả táo khác được đặt lên cao, phía trên của bố cục sao cho tất cả không gian bức tranh, từ trên xuống dưới, cũng gây hứng thú cho mắt

 

 

sự phân chia các mảng màu

AB. Tập hợp lại những yếu tố khác nhau của bố cục thành mảng quan trọng hơn là chỉ chuyển dịch những yếu tố này. Rất nhiều khi, chỉ một sự biểu hiện của màu sắc hay sắc độ màu cũng sẽ cho phép hợp nhất nhiều yếu tố vốn rất khác nhau và biểu lộ sự khác biệt hơn nữa của những lớp cảnh khác nhau. Ví dụ như ở đây, từ một tập hợp các yếu tố tương đối không phân hóa, gây một ấn tượng nhạt nhẽo (A), chỉ một sự biểu lộ các sắc độ cho phép làm nổi bật bốn mảng rất khác biệt, xếp thành tầng ở nhiều lớp cảnh (B).

P. Signac (1863-1935) - "Cung điện của các Giáo hoàng”

Cũng hãy xem ở đây, Paul Signac đã làm gì để sử dụng kỹ thuật chấm đốm theo kiểu chia nhỏ, dẫn dắt tất cả vào ba mảng màu khá là khác nhau, không loại bỏ các sắc thái ở giữa mỗi một đốm, tất nhiên là như thế.

chương 7 ← chương 8 → chương 9

MỤC LỤC

Chương 1 - Những bí mật của sáng tạo nghệ thuật
Chương 2 - Hoạt động của mắt người
Chương 3 - Những thành phần của một hình ảnh
Chương 4 - Hiện thực thăng hoa
Chương 5 - Nghệ thuật bố cục
Chương 6 - Nghệ thuật khuôn hình
Chương 7 - Những đường định hướng
Chương 8 - Sự cân bằng các mảng khối
Chương 9 - Khoảng rỗng và không gian
Chương 10 - Điểm được lợi và điểm nhấn mạnh
Chương 11 - Cận - tiền cảnh
Chương 12 - Hậu cảnh
Chương 13 - Sự thu hẹp phạm vi
Chương 14 - Hình học bí mật của hình ảnh
Chương 15 - Nhịp điệu của một bố cục
Chương 16 - Những biểu hiện tương phản


Bản dịch của họa sĩ Đức Hòa từ cuốn "L’Art de la composition et du cadrage" (1992), của Bernard Duc, nhà xuất bản Fleurus 11 đường Duguay — Trouin, Quận 6, Paris

No comments

Leave your comment

In reply to Some User

Các bài liên quan