Chương 14 của Nghệ Thuật Bố Cục và Khuôn Hình

Chương 14 - bí ẩn hình học của hình ảnh

Hình học và bố cục • Tâm lý học về các kiểu dáng hình học

Nếu cấu trúc hình học hiếm khi lộ diện với khán giả, kể cả những người hâm mộ sành sỏi thì cũng chính phần lớn nhờ vào đó mà các họa sĩ có thể áp đặt được cái nhìn riêng của họ với chủ đề và có thể truyền đạt một cách hiệu quả những tình cảm hay cảm xúc mà chủ đề gây cảm hứng cho họ.

Nhiều công trình khoa học được tiến hành từ đầu thế kỷ liên quan tới sự nhận thức về hình thể (1) do đó dẫn tới xác minh hoàn toàn được điều mà các họa sĩ đã cảm thấy từ lâu: một dáng hình gần giống với hình thể đã quen thuộc với khán giả (tam giác, chữ nhật, vuông, ovan .v.v...) sẽ luôn được nhận ra tốt hơn và dễ nhớ hơn một hình không thuộc loại hình cơ bản, quen thuộc lại phổ biến này.

Tóm lại, các hình thể hình học được coi như những “mã thị giác”, chúng luôn có các giá trị tâm lý riêng.

Trong chương 5, chúng ta đã nói đến vai trò của hình học trong cái khung ngầm của bố cục (bố cục tam giác .v.v...) khi người ta xem xét nó trong tổng thể lớn hơn. Nhưng hình học cũng có một vai trò nữa đối với các hình được dùng một cách riêng rẽ. Quay trở lại với hình học đáp ứng thường xuyên nhất các nhu cầu làm nổi bật những nét đặc trưng của chủ thể. Hình thể sẽ được đơn giản hóa và qui về hình hình học cơ bản hơn, có hiệu quả gợi ý hơn, dễ nhận biết hơn, tính đến cả hiệu quả tâm lý mà nó phải tạo ra với công chúng.

Hình học và bố cục

Nếu ta xem xét bố cục trong tổng thể của nó, các thành phần khác nhau đôi khi sẽ được nhóm lại thành mảng, quy về một hình cơ bản, được đặt kề nhau hay chồng chéo lên nhau theo nhiều cách. Tất cả phụ thuộc vào hiệu quả mà người ta muốn thu được:

  • Một bố cục toàn góc cạnh, cố ý gây khó chịu cho ánh mắt (bức Guernica của Picasso chẳng hạn) sẽ được chiêm ngưỡng một cách hoàn toàn khác với một bố cục “êm dịu” hơn và yên bình hơn, trên cơ sở là các hình cong, có dạng quả trứng hay các đường cong hài hòa.
  • Một bố cục có vẻ hơi màu mè (dựa trên các hình thể cong, vòng chẳng hạn) sẽ được đánh thức một cách hoàn toàn tự nhiên nếu đó là một hình tam giác hay góc cạnh - kích thích hơn với mắt nhìn.

HÌNH VUÔNG

P. Picasso (1881-1973) - “Người đản bà đội mũ trắng"

Ấn tượng bất động và vững chãi mà nhân vật chủ thể tạo ra hiếm khi có hình thể thô nặng như vậy trừ cái đầu trong một hình vuông gần như hoàn hảo, biểu tượng của sự ổn định vững vàng. Chủ thể gần như mãi mãi bất động và hóa đá trong tư thế ngồi, đời đời tránh khỏi những tác động của thời gian.

HÌNH TAM GIÁC

A. Renoir (1841-1919) - “Người đàn bà cầm lá thư”

Hãy so sánh với “Người đàn bà đội mũ trắng” của Picasso. Cũng ngồi chống tay và hình dáng cũng khá to béo, nhưng ấn tượng cơ bản mà bức tranh mang lại thì hoàn toàn khác. Chủ thể dường như được nắm bắt một cách bất chợt, khuấy động một cuộc đời mặt hoa da phấn (Picasso giữ nhân vật trong tư thế vĩnh hằng). Bởi vì Renoir đã lựa chọn cách nội tiếp trong hình tam giác, một sơ đồ hình học tuyệt vời, năng động, gợi nên một cử động, một hoạt động và sự nâng lên trong trường hợp này là của người chống cằm suy nghĩ).

HÌNH VUÔNG

Goya (1746- 1828) - “Ngày 3 tháng 5 năm 1808”

Vượt trên tầm giản đơn của một sự kiện lịch sử (cuộc xử bắn ngày 3 tháng 5 năm 1808), Goya đã thể hiện thành công quyết tâm dữ dội của những người khởi nghĩa Tây Ban Nha đối diện với quân chiếm đóng Pháp, làm toát lên tinh thần đích thực của cuộc kháng chiến: những người bị xử bắn tập hợp thành nhóm chặt chẽ đến mức đội ngũ của họ có hình vuông gần như hoàn hảo là hình của biểu tượng chắc chắn, bền vững, bất diệt. Vậy là hình học đã tạo ra ý nghĩa thực sự của cảnh tượng, vượt hẳn lên câu chuyện đơn giản.

Cũng nên xem xét tới khuôn hình đã đặt tốp lính xử bắn xoay lưng lại, mặt mũi ít nhiều bị xóa mờ và che lấp mất các nhân vật khác ở lớp cảnh phía sau.

Như vậy, chỉ có mặt của những người bị xử bắn là còn nhìn thấy rõ ràng, trở nên được ưu tiên nổi bật nhất của tranh.

Cuối cùng, nhân vật chính được đặt trúng một trong những đường nhấn mạnh tự nhiên của bố cục, tới mức mà mặt của anh ta (cùng tiếng thét phẫn nộ) được đặt chính xác trên một trong những điểm ưu tiên được lợi của hình ảnh theo hiệu lực của quy tắc chia ba.

HÌNH TAM GIÁC

Delacroix (1798 - 1863) - “Thần lự do dẫn dắt nhân dân”

Khó mà có thể nghĩ khác khi nữ thần (tự do chiến thắng được khuôn hình một các tuyệt diệu hơn cả, trong hình tam giác, biểu tượng của cao thượng, thắng lợi, suy tôn. Khuôn mặt của người phụ nữ trẻ và lá cờ mà nàng vung lên hết tầm tay được xếp ở vị trí đỉnh cao của hình tam giác, sao cho tất cả các đường định hướng (hai bên hình tam giác) quy tụ một cách năng động về phía đỉnh, để chỉ dẫn một cách chắn chắc hơn nữa cho sự quan sát của khán giả. Đống xác chết mà nữ thần tự do bước lên lại được xếp trong một hình chữ nhật dài ngang, biểu tượng của sự bất động, bị đè bẹp. Như vậy, hai hình hình học cơ bản nằm ngầm trong bố cục này, một tam giác (vươn lên) đặt trên một chữ nhật (bất động, bị đè bẹp) đủ để biến hóa một câu chuyện lịch sử thành một bức tranh đầy ý nghĩa và cảm xúc.

 

  • Ngược lại, nếu một bố cục gồm các hình mang tính kích động, góc cạnh thì ta có thể làm chúng dịu êm hơn nếu thêm vào các hình ngoằn ngoèo hoặc hình có góc được gọt bớt.
  • Một bố cục có vẻ lộn xộn (do chủ đề bắt buộc) có thể làm cân đối lại nếu có thêm các hình hình học gây cảm giác chắc chắn như hình vuông hay hình chữ nhật.

Tuy nhiên những kết hợp, chồng chéo hay đối lập của các hình hình học (hoặc có xu hướng hình học) được dùng thường xuyên để diễn đạt ý tưởng của họa sĩ sẽ có nhiều sức mạnh hơn nếu ta tính được đến cả giá trị tâm lý của hình...

Tính tâm lý của các hình hình học

Hình vuông (và khối lập phương) thường được nhận thức là rắn, chắc chắn, dày khối và tĩnh. Đối xứng và đều đặn ở tất cả mọi phần của nó (bốn góc đối diện cùng một khoảng cách). Tuy vậy, nó hơi có vẻ lạnh lùng.

Hình chữ nhật ngang thì đối xứng lệch, chắc chắn, tạo cảm giác thanh bình, nghỉ ngơi, nếu không muốn nói là quên lãng. Vì quá bị kéo dãn nó lại tạo cảm giác về sự bị đè bẹp, đổ vỡ và không chắc chắn.

Hình chữ nhật dọc (đứng) thì năng động hơn. Nó gợi nên quyền lực, sức sống, sự hoạt động và tạo cảm giác về sự vươn lên. Nếu bị kéo dãn theo chiều dọc (rất hẹp) nó gây cảm giác dễ đổ vỡ, không chắc chắn.

Đường tròn (và nói chung là các hình được làm tròn) tạo ra cảm giác hài hòa, cân bằng, quân bình, êm ái và uể oải nếu không muốn nói là gây cảm giác nhục cảm. Một sự quá dồi dào các hình tròn lại có thể đem lại cảm giác cáu tức nhẹ, gần với sự màu mè (phong cách hình “O” nổi tiếng của Walt Disney). Bố cục tròn sẽ gợi nên một chuyển động đều đặn, liên lục và chậm.

Hình ovan thì năng động hơn. Nó gợi nên sự chuyển động. Khi nó được trải rộng ra, nó có thể tạo ra cảm giác uể oải. Nếu bị kéo dãn về chiều cao, nó gợi nên sự đổ vỡ, sự cân bằng không chắc chắn.

Hình tam giác (hay hình tháp) nếu đặt bằng đáy của nó sẽ tạo ra sự trang nghiêm, sự nâng lên về tinh thần, sự cao sang, thăng thiên, sự tán dương, đôi khi hơi lạnh lẽo (nếu là tam giác đều).

Hình tam giác ngược, đầu nhọn xuống dưới, hay Hình Thoi, trái lại làm nảy sinh cảm giác không chắc chắn mong manh.

Tam giác mà không có cạnh nào song song với khung của hình ảnh thường năng động hơn và tự nhiên hơn một tam giác mà cạnh đáy lại song song với khung của hình ảnh. Nhất là các cạnh của nó không nên đều nhau.

Hình xoáy trôn ốc thì vô cùng năng dộng. Nó có xu hướng tròn nhưng là một hình tròn đào sâu vào bên trong và có hướng tự hút thấm chính mình. Do đó nó dễ tạo ý tưởng về chuyển động nhanh nhưng không chắc chắn, sự trượt dốc

HÌNH CHỮ NHẬT
(và hình có góc vuông)

H. Foster - “Hoàng tử dũng cảm”
(Chữ trong tranh : “Đại Hãn cho triệu Karnak tàn bạo đến và bảo hắn: “Cầm đầu quân đội, rửa sạch lạch nước và củng cố nó, và sau hai con trăng nữa phải trở về với cái đầu của hoàng tử dũng cảm”)

Đây là minh họa đẹp cho vai trò biểu hiện của hình học trong bố cục. Ở đây hình chữ nhật nổi trội nhất. Hình chữ nhật nằm, sâu vào nền, là biểu tượng cho cường quyền (vì cạnh dài của hình nằm vững trên nền đất) nhưng nó gợi cảm giác bất động, thiếu cử động của Đại Hãn đang nghỉ ngơi sau vô số cuộc chinh phục, nhường hành động lại cho thuộc hạ. Viên tướng này tạo hiệu quả của hình chữ nhật đứng, năng động hơn, đầy sức mạnh, vững vàng nhưng cũng bất động (hắn phải đứng im, giữ "thứ tự” sau Đại Hãn).

H.Foster - “Hoàng tử dũng cảm”
(Chữ trong tranh: “Cô gái ma thuật xinh đẹp tiếp chàng với vẽ điệu đàng và lắng nghe chàng xin tha cho ông Gauvain)

Một hình chữ nhật ngả dài cho phép thể hiện vẻ uể oải, ngả xoài ra của cô gái ma thuật. Ngược lại, nhân vật ở tiền cảnh tạo hình tam giác, biểu tượng của hoạt động, của giá trị tinh thần và sự cao thượng. Sự lựa chọn này là hoàn toàn có lý khi ta biết rằng đó là người anh hùng của tranh truyện này, mẫu mực truyền đạt hiệu quả hình ảnh. Nhân dịp này xin các bạn lưu ý việc đặt chủ thể trên hai đường nhấn mạnh tự nhiên của hình ảnh, căn cứ vào quy tắc chia ba.

HÌNH TRÒN

Rembrandt (1606-1699) - “Gia đình thợ mộc”

Tự cuốn lại nhẹ nhàng, mượt mà, hình tròn hoàn hảo hoặc hơi ovan là tất cả những hình thể cho ta cảm giác êm dịu nhất khi nhìn. Nó cho một ấn tượng bình yên, dịu dàng và gợi cảm giác hoàn toàn thông cảm, hòa hợp, cho tất cả những yếu tố mà nó bao quanh. Ở đây một cái vòng gần như tròn có đứa trẻ sơ sinh ở giữa gợi lên tất cả tình cảm âu yếm bao quanh bé. Nhờ vòng tròn này, vành đai bảo vệ dệt quanh đứa bé như kén bọc tằm. Rembrandt đã biến câu chuyện đơn giản thành một bức tranh sâu sắc, chứa đầy cảm xúc vì nửa vòng tròn (chấm chấm bên trái) vừa khớp với chiều cong của vòng tròn giữa tranh lại còn nhấn mạnh thêm chủ định của tác giả

H. De Toulouse - Lautree (1864-1901) - “Hai người bạn”

Toulouse - Lautree, về phía mình, đã sử dụng vòng tròn (hơi đứt đoạn) để gợi ý bằng hình ảnh và rất hiệu quả cho vẻ thắm thiết của tình bạn kết nối hai nhân vật của tranh.

... VÀ NỬA VÒNG TRÒN

J. H. Fragonard (1732-1806) - “Chiếc nôi”

Cũng là một đường lượn, nửa vòng tròn làm ta ưa nhìn. Nó thật duyên dáng và do đó, nhất là khi nó tự lặp lại như ở đây, bằng trò chơi tinh tế của những đường cong và cong ngược (hình phụ A) rải khắp mặt tranh: trong khi những khuôn mặt, với sự yểm trợ của mái tóc và những khăn choàng tạo hình những cái đầu thành hình gần như tròn.

Tất cả đều ở trạng thái tròn (người ta khó tìm thấy một góc nhọn ở đây), bố cục do đó đủ để khuấy động và hoạt động, tránh được cảm giác màu mè gợi được tình thương mến vô hạn bao quanh đứa trẻ sơ sinh, cùng sự ân cần, trìu mến mà nó là đối tượng được nhận.

Nhân đây, xin các bạn hãy xem (hình phụ B), Fragonard đã lôi kéo thành công sự chú ý của khán giả vào chủ thể (trẻ sơ sinh) mặc dù nó rất xa trung tâm của tranh, ra sát tận gần bo, khá xa các điểm được lợi tự nhiên của hình ảnh: bằng cách đặt đứa trẻ bên cuối đường chéo góc đi xuống của bức tranh mà cũng gần như trên đường đó là những khuôn mặt của các nhân vật khác, tất cả đều nhìn dứa trẻ. Như vậy, sự nhìn của khán giả sẽ được kéo theo sườn dốc tự nhiên của đường chéo, coi như đứa trẻ đang thiếp ngủ là chủ thể chính được ưu tiên của bố cục, dù nó không chiếm vị trí ưu tiên tự nhiên trong không gian của bức tranh.

HÌNH Ô VAN

Modigliani (1884-1920) - “Bà Zborowska"

Đối với nhiều họa sĩ kể từ thời lập thể, hình học đã hiện diện rõ ràng hơn quá khứ nhiều. Như ở đây chẳng hạn, xếp chồng lên nhau nhiều hình thể hẹp, một hình chữ nhật đứng (cái cổ) và hai hình ovan, biểu tượng của sự êm dịu, dễ vỡ gợi lên sự âu sầu của chủ thể (và thể trạng mong manh của bà ta) và hơn nữa với hiệu quả biểu hiện về sự thăng bằng không vững vàng do các hình thể chồng lên nhau theo chiều đứng hẹp, và hiệu quả “nổi bật” ít nhiều trong không gian khá rộng của bức tranh.

Gromaire (1892 - 1971) - “Chiến tranh"

Để gợi lên không khí trại lính của cuộc đại chiến thế giới 1914 - 1918 và sự gắn chặt của họ vào chiến hào, tác giả Gromaire đã tích tụ các hình thể thành khối đặc, chen chúc hình nọ bên hình kia, cho đến khi làm đầy cả không gian của tranh. Như vậy, mắt ta khi xem tranh sẽ vấp phải một bức tường người (chứ không phải là nền hay hậu cảnh) biểu hiện một sức mạnh tập thể bất động và chờ đợi dai dẳng kẻ gây chiến kết thúc cuộc chiến.

HÌNH THOI

J. H. Fragonad (1732-1806) - “Bài học nhạc”

Bởi dựa trên cấu trúc hình thoi (gợi cảm giác dễ đổ vỡ, không thăng bằng) nên bố cục trên nhấn mạnh đến vẻ duyên dáng phóng túng theo chủ định của Fragonard và sự nhập nhằng tình cảm vào lúc mà bài học nhạc có thể mất thăng bằng trong vẻ tình tứ kiểu cách.

V. Van Gogh (1853-1890) - “Nhà thờ ở Auvers - sur - Oise”

Hình thoi luôn luôn là biểu tượng của sự mất thăng bằng và thiếu bền vững. Vậy thì có phải là vô tình hay không mà Van Gogh đặt chủ thể trên mặt cấu trúc hình thoi chao đảo, chỉ ít lâu trước khi ông tự kết liễu đời mình?

chương 13 ← chương 14 → chương 15


Bản dịch của họa sĩ Đức Hòa từ cuốn "L’Art de la composition et du cadrage" (1992), của Bernard Duc, nhà xuất bản Fleurus 11 đường Duguay — Trouin, Quận 6, Paris

No comments

Leave your comment

In reply to Some User

Các bài liên quan